Bí quyết hạn chế chuyển hoàn khi giao hàng trong kinh doanh

Khi sử dụng chính sách bán hàng giao hàng tận nơi thông thường có 2 cách bán, một là thanh toán tiền trước giao hàng sau, hai là giao hàng rồi mới thanh toán. Thực tế kinh doanh phương pháp hai được áp dụng phổ biến vì người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn. Tuy nhiên áp dụng phương pháp giao hàng xong mới nhận tiền thường bị tình trạng chuyển hoàn (người nhận không nhận hoặc không có người nhận...), gây ra tổn thất nhiều cho người bán hàng. Với kinh nghiệm hơn 2 năm bán hàng online, sau đây là những kinh nghiệm để hạn chế việc chuyển hoàn.

1. Chốt đơn: Nhận được đơn hàng phải gọi chốt với khách ngay, tránh kiểu âm thầm chuyển hàng luôn. Chốt đơn cũng là để xác thực thông tin của khách (điện thoại, địa chỉ...) đồng thời chốt thông tin mua hàng (mô tả lại sản phẩm, giá, phí ...). Không lại có kiểu nhận hàng rồi "á, hàng Tàu à?", "ớ, mất phí vận chuyển à?"... MỆT NGƯỜI

2. Tìm đối tác chuyển hàng nhanh hoặc bám sát lịch trình chuyển hàng: Tâm lý chung đã không phải chuyển khoản hay đặt cọc trước mà lại mãi chưa nhận được hàng thì khả năng hủy đơn là rất cao. Do đó anh em cố gắng tìm bên vận chuyển nào uy tín để hàng đến tay khách nhanh nhất có thể hoặc phải bám sát lịch trình vận chuyển rồi gọi thông báo cho khách kiểu "ngày abc anh chị sẽ nhận dc hàng, nhớ cầm đt giúp em...". Như vậy khách không có niềm tin hơn.

3. Giá bán: công nhận đã COD thì giá không thể rẻ được, bản thân mình cũng cộng luôn phí COD và vận chuyển vào giá bán coi như bù ship cho khách. Nếu khách thắc mắc sao giá shop em đắt hơn shop abc này thế, thì mình cũng chia sẻ thật là đã bù ship cho khách vào giá bán, vì vậy nếu anh/chị đặt hàng ở shop abc kia thì tổng thanh toán cũng bằng shop em thôi (làm gì có shop nào chịu lỗ mãi cho khách được). Tuy nhiên như vậy khách ở HN mua hàng bên mình lại thiệt hơn khách tỉnh, nên với khách HN mình cứ free ship hoặc lấy ship 10k, ai cũng phấn khởi.

4. Sàng lọc khách hàng: nhóm khách hàng trẻ trâu khả năng hủy đơn cao hơn tập khách hàng trưởng thành. Tuy nhiên cũng đầy anh chị cao tuổi mua hàng cũng chán lắm. Em đơn cử 1 trường hợp của em: đã chốt đơn với khách, hẹn ngày nhận hàng, đến ngày nhận bưu tá giao thì kêu đi công tác rồi, mình bảo nhờ ai nhận hàng thì kêu nhà không có ai cả, thôi không mua nữa, khi nào rảnh sẽ mua (điên không người ta mất 2 lần phí chuyển hàng mà nói ngon ơ vậy đó, đơn giản vì khách hàng họ nghĩ họ là "thượng đế"). Nên kinh nghiệm là lúc chốt đơn mà thấy khách có vẻ ì èo, hạch họe thì cũng xác định luôn xem có nên bán cho khách này khôn? Hoặc bác nào bán hàng cho nhóm khách hàng trẻ trâu thì nên sàng lọc kỹ.

5. Đặt cọc: Với đơn hàng giá trị lớn tầm từ 500.000 vnd trở lên là mình yêu cầu khách cọc 1 cái thẻ 50.000 (coi như phí vận chuyển, giả dụ có bị hủy đơn còn đỡ lỗ). Mua hàng giá trị lớn thì khách phải chấp nhận cọc thôi, dù gì mua cái thẻ cào cũng dễ hơn chuyển khoản ngân hàng (nhất là ở tỉnh). Cách này bên mình đang triển khai rồi, khách cũng chịu đặt cọc, thẻ đó mình nạp vào 1 bên khác để rút thành tiền mặt chứ nạp điện thoại dùng bao giờ cho hết.

Trên đây là 5 bí kíp mình dùng để hạn chế chuyển hoàn (cũng khôn hạn chế được 100% nhưng cũng đỡ rủi ro). Dù gì đã bán hàng là phải chấp nhận có khách này khách nọ, không thể vì chuyển hoàn mà sợ không bán đi tỉnh được phải không? Hồ Chí Minh, Hà Nội đất chật shop đông, cạnh tranh mệt lắm. Ở tỉnh họ không có nhiều sự lựa chọn nên bán online dễ hơn, mà thường mua của mình 1 lần thấy tin họ lại mua tiếp và giới thiệu bạn nên anh em cứ mạnh dạn bán hàng đi tỉnh, đừng sợ chuyển hoàn.

Bài viết của Triệu Luyến


0 Nhận xét