Những “đồn đoán” về tình hình hoạt động của Trung Nguyên trong thời gian vừa qua đã trở nên rõ ràng ràng hơn khi vợ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, bà Lê Hoàng Diệu Thảo đã chính thức lên tiếng.
Vấn đề chính của câu chuyện xoay quanh Công ty cổ phần Cà phê Hòa Tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC) – nơi bà Thảo đảm nhận cả 3 vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ là người đại diện theo pháp luật của phần lớn các công ty trong hệ thống Trung Nguyên. Bà Thảo chỉ là người “đứng mũi chịu sào” tại Trung Nguyên IC và Công ty Đầu tư Du lịch Đặng Lê. Bên cạnh đó, bà Thảo cũng là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH TNI, một công ty nhỏ tại Bình Dương.
Công ty Đầu tư Du lịch Đặng Lê hoạt động chính trong lĩnh vực du lịch lữ hành và sở hữu khu nghĩ dưỡng Coffee Tour Resort tại Buôn Ma Thuột. Công ty này hiện có vốn điều lệ 98 tỷ đồng, do CTCP Đầu tư Trung Nguyên sở hữu 70% vốn. Phần còn lại ông Vũ và bà Thảo mỗi người sở hữu 15%.
Coffee Tour Resort của Trung Nguyên tại Buôn Ma Thuột |
Công ty Cà phê hòa tan đóng vai trò gì?
Các sản phẩm cà phê hòa tan của Trung Nguyên được sản xuất tại 1 trong 3 địa điểm gồm: Nhà máy Bình Dương, Nhà máy Bắc Giang và Nhà máy Cà phê Sài Gòn tại Mỹ Phước, Bình Dương.
Trong đó, 2 nhà máy tại Bình Dương và Bắc Giang thuộc quyền quản lý của Trung Nguyên IC trong khi nhà máy Cà phê Sài Gòn thuộc sở hữu của CTCP Tập đoàn Trung Nguyên (Trung Nguyên Group).
Theo thông tin chúng tôi có được, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh gần nhất của Trung Nguyên IC được cấp vào ngày 28/11/2013 – tức chưa có thay đổi gì trong hơn 2 năm qua. Tại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh này, Cà phê Hòa tan Trung Nguyên có 3 cổ đông sáng lập gồm CTCP Tập đoàn Trung Nguyên (85%), ông Đặng Lê Nguyên Vũ (10%) và bà Lê Hoàng Diệu Thảo (5%).
Với tỷ lệ sở hữu 85%, về lý thuyết Trung Nguyên Group có toàn quyền quyết định với hoạt động của Cà phê hòa tan Trung Nguyên thông qua việc tổ chức Đại hội đồng đồng cổ đông |
Theo như báo Pháp Luật Plus đưa tin, các tranh chấp hiện chủ yếu xoanh quanh quyền kiểm soát và điều hành Công ty Cà phê Hòa Tan Trung Nguyên.
Theo phản ánh của bà Thảo thì bà đã bị Hội đồng quản trị công ty Trung Nguyên IC bãi miễn chức vụ Chủ tịch HĐQT – động thái mà bà Thảo cho là không phù hợp với các quy định của pháp luật cũng như Điều lệ công ty do không đảm bảo số lượng thành viên tham dự.
Trong khi đó, theo đơn yêu cầu của bà Thảo, tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã có quyết định cấm thay đổi đăng ký doanh nghiệp đối với Trung Nguyên IC. Với quyết định này thì trên giấy tờ, bà Thảo vẫn là chủ tịch và người đại diện của Trung Nguyên IC.
Một khi xảy ra tranh chấp pháp lý nội bộ như này, bên chịu thiệt hại nhất không ai khác ngoài chính Trung Nguyên IC khi mà các đối tác có thể dừng giao dịch với công ty nhằm tránh những rủi ro có thể gặp phải.
Sản phẩm cà phê hòa tan của Trung Nguyên được sản xuất tại 1 trong 3 nhà máy tại Bắc Giang, Bình Dương và Mỹ Phước |
Kiến Khang
Theo Trí thức trẻ