Chị Lâm Thị Thu bán hàng tạp hóa ở một ki-ốt trong chợ Đức Phổ, Quảng Ngãi đã bảy năm nay. Một tháng qua, các loa truyền thanh ở thị trấn liên tục kêu gọi tiểu thương chuyển sang chợ mới.
Khi tôi gặp chị Thu, loa truyền thanh vẫn phát liên hồi. Trước mặt tôi, kể hoàn cảnh của mình, chị Thu ứa nước mắt. Tám năm trước, chồng chị lâm bệnh nặng, chỉ nằm một chỗ, gánh nặng áo cơm đổ lên vai chị. Cái ki-ốt có phần xập xệ này đã giúp chị xoay xở tiền thuốc thang cho chồng và nuôi hai con đi học.
Chị không muốn chuyển chợ vì lo cuộc sống xáo trộn; vì tiền thuốc hàng tháng của chồng, tiền học hàng tháng của con là những thứ không thể đánh cược cho một cuộc rủi may.
Chợ Đức Phổ là khu chợ truyền thống 40 năm, cứ đến mùa mưa là ẩm ướt, nhếch nhác, gian hàng cá thịt tanh nồng mùi thịt tươi quyện với mùi nước dơ tù đọng. Chợ mới là chợ loại một khang trang do tư nhân đầu tư trên 55 tỷ đồng, được cho là sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển để huyện lên thị xã trực thuộc tỉnh. Chợ mới này nằm trong chương trình xã hội hóa đầu tư và chuyển đổi mô hình quản lý chợ - một cách làm đã và đang được triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước.
Nhưng bất luận những lời quảng bá ồn ào trên loa về sự sạch đẹp, khang trang của các chợ mới so với tình hình “không đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy…” ở các chợ cũ, nhiều tháng nay, phần lớn tiểu thương vẫn quyết bám chợ cũ.
Chuyện xảy ra không chỉ ở Quảng Ngãi mà trở thành một hiện tượng tại nhiều nơi. Cùng thời gian huyện Đức Phổ vận động tiểu thương vào chợ mới, ngày 30/12, ba tiểu thương chợ Phú Hậu, TP. Huế đã bị khởi tố tội “gây rối trật tự công cộng”. Tôi cũng từng chứng kiến những cuộc bãi thị ở chợ Đầm, Nha Trang khi còn làm việc ở Khánh Hòa. Mới đây, tiểu thương chợ Ninh Hiệp, Hà Nội đã dùng nhiều cách, kể cả những cách cực đoan nhất để phản ứng trước nỗi lo ngại rằng chính quyền sẽ xóa chợ để ép họ vào kinh doanh trong các trung tâm thương mại do tư nhân xây dựng.
Dời chợ, chuyển một không gian thương mại truyền thống chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nhưng các khu chợ mới thường được xây dựng không xa không gian cũ, lại khang trang, hiện đại hơn. Tôi tự hỏi, điều gì đã làm những cuộc chuyển chợ trở nên căng thẳng? Có phải vì giá cả thuê chợ mới cao hơn chợ cũ, vì thói quen, tập quán, vì ngại sự thay đổi?
Những cuộc trò chuyện với những người như chị Thu đã giúp tôi có câu trả lời. Các tiểu thương, với nỗi lo cơm áo gạo tiền hàng ngày, không quá ngại thay đổi. Nhưng họ sợ sự bất ổn. Họ sợ chiếc cần câu cơm của mình bị điều chỉnh và định đoạt bởi kẻ khác. Những câu chuyện xảy ra ở nước ta gần đây, như những vụ xung đột giữa cư dân và chủ đầu tư các tòa chung cư, đã khiến họ có lý do để không tin tưởng vào cam kết giá thuê mặt bằng, hay những viễn cảnh nhà đầu tư vẽ ra ban đầu. Họ sợ bị bội ước trong tương lai.
Tôi cho rằng, việc cải tạo, xóa bỏ các khu chợ xuống cấp, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, phòng cháy chữa cháy là chủ trương đúng đắn, cần thiết. Nhưng tôi tiếc vì chủ trương đó lại xây dựng bằng tiền và các mệnh lệnh hành chính chứ không được xây dựng dựa trên lòng tin và sự bình đẳng trong thỏa thuận giữa bên mua và bên bán. Các chủ đầu tư xây chợ theo chính sách xã hội hóa nhưng lại không tiếp cận tiểu thương trong tư cách một người bán hàng - cho thuê nền, lô sạp, ki-ốt. Họ chọn phương cách cấm chợ - một cách làm quá cũ và đầy bất lực.
Sau nhiều cuộc đối thoại bất thành, ngay ngày đầu năm mới, các tiểu thương đã kéo lên UBND huyện Đức Phổ và được đồng ý để bán ở chợ cũ qua Tết. Nhưng đó chỉ là một giải pháp tình thế. Trước mặt tôi, chị Thu vẫn rơi nước mắt, còn cái loa thì vẫn phát đi phát lại lời kêu gọi vào chợ mới. Âm thanh đó dường như lấn át câu chuyện riêng tư của các tiểu thương, về gia đình, về cơm áo. Tôi tự hỏi có khi nào chính quyền và doanh nghiệp quan tâm đến những câu chuyện như của chị Thu?
Với tôi, cái loa là biểu tượng của thất bại trong đối thoại.
Phạm Linh
Theo Vnexpress