Việc có mặt của nhiều thương hiệu cà phê lớn đang cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Liệu có diễn ra một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ của mô hình cà phê chuỗi giữa ngoại và nội.
Ngoại: Thương hiệu mạnh, vốn lớn
Caffe Bene đang là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong khoảng 2 tuần trở lại đây sau sự kiện khai trương cửa hàng đầu tiên trên đường Đồng Khởi, quận 1, TPHCM. Đây là thương hiệu đến từ Hàn Quốc và đã có hơn 1.500 cửa hàng tại nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc (978 cửa hàng), Trung Quốc (423), Hoa Kỳ (108)… Tại Đông Nam Á, Caffe Bene đã có mặt tại Philippines (5), Indonesia (5), Campuchia (2), Malaysia (2), Singapore (1) và Việt Nam (1).
Theo kế hoạch được công bố tại ngày khai trương, Caffe Bene sẽ phát triển 3 cửa hàng tại khu vực trung tâm quận 1 trong năm 2014, tăng lên 10 cửa hàng năm 2015, 15 cửa hàng vào năm 2016 và trong vòng 5 năm sẽ mở 300 cửa hàng. Giá nhượng quyền của Caffe Bene khoảng 400.000USD.
Theo đại diện Caffe Bene, đối thủ của thương hiệu này là Starbucks, một thương hiệu cà phê nổi tiếng đến từ Hoa Kỳ. Starbucks sau hơn 1 năm có mặt tại Việt Nam, đến nay đã có chuỗi 8 cửa hàng tại TPHCM và 3 cửa hàng tại Hà Nội. Theo nhiều dự báo, chuỗi cà phê này sẽ có những con số ấn tượng trong thời gian không xa.
Thực tế, trước Starbucks và Caffe Bene, Việt Nam đã đón nhận nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới như The Coffee Bean & Tea Leaf (Hoa Kỳ). Tuy vậy, thương hiệu này không xuất hiện ồn ào mà lặng lẽ hoạt động, sau 6 năm có mặt tại Việt Nam mới phát triển được 14 cửa hàng tại TPHCM và 3 cửa hàng tại Hà Nội. Có ý kiến cho rằng số cửa hàng như vậy khá khiêm tốn, nhưng chắc chắn Coffee Bean có những toan tính của riêng mình.
Không chỉ nổi tiếng, các thương hiệu cà phê ngoại còn thể hiện tiềm lực tài chính mạnh khi liên tục có mặt tại những khu vực trung tâm của TPHCM và Hà Nội. Chỉ tính riêng tại quận 1, TPHCM, xung quanh chợ Bến Thành là mật độ khá dày các cửa hàng cà phê ngoại. Và cuộc chạy đua về số lượng cửa hàng trên các khu đất vàng vẫn chưa dừng lại khi những thương hiệu cà phê nước ngoài ở thị trường Việt Nam đang ngày càng nhiều lên.
Nội: Nỗ lực trên sân nhà
Một thương hiệu cà phê nội đang tạo sự chú ý trong thời gian qua là chuỗi Phúc Long bởi sự hiện diện khá dày đặc tại khu vực quận 1, TPHCM. Thực ra, Phúc Long không phải là thương hiệu mới trên thị trường trà và cà phê. Tham gia thị trường từ một số cửa hàng giới thiệu sản phẩm, Phúc Long phát triển thành những cửa hàng cà phê và trà với thiết kế khá ấn tượng.
Điều khiến các cửa hàng này đang thu hút nhiều khách là dù mở ở khu vực trung tâm TPHCM, nơi đất có giá thuê không rẻ nhưng giá bán trà cũng như cà phê của Phúc Long khá mềm so với các thương hiệu ngoại gần đó. Cũng có nhiều cửa hàng tại các quận trung tâm TPHCM và nhiều tỉnh, thành khác là cà phê Trung Nguyên. Chọn con đường phát triển cửa hàng 100% Trung Nguyên và cửa hàng nhượng quyền, đến nay số lượng cửa hàng của thương hiệu này trên toàn quốc khá lớn.
Đi chậm hơn và chọn con đường ít tốn kém cho đầu tư hạ tầng là chuỗi cà phê Passio. Sau 8 năm có mặt trên thị trường, Passio đã có 16 cửa hàng theo mô hình đối tác chiến lược. Ông Đoàn Đình Hoàng, sáng lập viên chuỗi cà phê này, cho biết một trong những lý do Passio đi chậm là tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh.
Một chuỗi cà phê khác ít vốn đầu tư hơn cả là Milano. Đến nay Milano cũng có hàng trăm cửa hàng theo mô hình cà phê mang đi và chủ yếu len lỏi vào nhiều ngóc ngách của TPHCM. Cũng chính nhờ tiêu chí không đến những khu đắt đỏ nên giá nhượng quyền của Milano khá rẻ, chỉ 65 triệu đồng.
Ông Lê Minh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Lê Phan, chủ thương hiệu Milano, bày tỏ mô hình của mình có thể xem như giải pháp kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Ngoài những cái tên kể trên, chuỗi cà phê nội cũng còn nhiều cái tên khác đang nỗ lực khẳng định mình trên thị trường. Theo đó, trong thời gian tới người tiêu dùng sẽ đón nhận thêm chuỗi cà phê nội là PhinDeli. Với sự hậu thuẫn của Kinh Đô, PhinDeli được hy vọng sẽ tạo bộ mặt mới cho chuỗi cà phê nội.
Cạnh tranh ra sao?
Theo nhận định của một số chuyên gia và những người trong ngành, thị trường ẩm thực của Việt Nam còn rất lớn. Đó là lý do khiến các thương hiệu cà phê nội và ngoại đều đang có chiến lược mở rộng. Chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng phân tích, thoạt nhìn vào quận 1, cụ thể xung quanh chợ Bến Thành, người tiêu dùng có thể thấy dày đặc quán cà phê cả nội lẫn ngoại, nhưng trên thực tế số người đổ về khu vực này rất lớn nên số lượng cửa hàng hiện tại vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.
Nói về cạnh tranh, 2 phân khúc nội ngoại đang chia ra khá rõ nét. Thương hiệu ngoại với mức giá bán cao hơn đang hướng đến khách hàng có thu nhập khá, trong khi thương hiệu nội với giá bán rẻ hơn cũng nằm trong toan tính của các ông chủ.
Ông Đoàn Đình Hoàng ví von vui rằng Passio với 8 năm ra đời vẫn như một đứa trẻ đang chập chững tập đi, còn nhiều thương hiệu ngoại với bề dày lịch sử là những người trưởng thành. Ngay cả trong các chuỗi nội, sự cạnh tranh cũng chưa gay gắt, bởi mỗi chuỗi đang tìm cho mình những hướng đi riêng với những đối tượng khách hàng khác nhau.
Chẳng hạn, với Phúc Long trà mạnh hơn cà phê, trong khi Passio hay Milano chủ yếu là cà phê với mô hình mang đi, diện tích nhỏ. Và dù thế nào đi nữa, trong một thị trường cà phê có nhiều thương hiệu, người tiêu dùng là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.
Thái Hà