CBRE dự báo, theo xu hướng của các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, của hàng tiện lợi sẽ xuất hiện nhiều hơn tại Việt Nam trong tương lai.
Công ty tư vấn BĐS CBRE vừa công bố báo cáo thị trường BĐS TPHCM quý 4/2015. Theo đó, phân khúc bán lẻ tại TPHCM hoạt động khá tốt trong quý cuối năm.
Cụ thể, khu vực ngoài trung tâm chào đón thêm ba TTTM vào Quý 4/2015, Pearl Plaza ở Quận Bình Thạnh, Vincom Megamall ở Quận 2 và Emart ở Quận Gò Vấp, đóng góp thêm 105.000 m2 diện tích sàn vào tổng nguồn cung của TP.HCM.
Ngoại trừ Emart là chuỗi thương hiệu bán lẻ của Hàn Quốc lần đầu tiên được phát triển tại TP.HCM, thị trường bán lẻ quý này không có thương hiệu mới nào nổi bật. Tiếp tục xu hướng gần đây, ngành hàng ăn uống và thời trang trung cấp giữ vai trò chính trong việc thu hút người mua đến các TTTM, đặc biệt là khu vực ngoài trung tâm. Chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh nổi tiếng McDonald’s mở rộng ra cửa hàng đầu tiên ở Quận 2 tại Vincom Megamall và Starbucks mở thêm một cửa hàng ở Quận Gò Vấp tại Emart.
Giá thuê ở khu vực trung tâm và ngoài trung tâm ổn định và gần như không thay đổi trong Quý 4/2015, ở tất cả các hạng mục bao gồm TTTM, TTTM tổng hợp và khối đế bán lẻ. Tỷ lệ trống đã được cải thiện và giảm xuống 8% so với mức 10% trong quý trước, do ba TTTM mới kể trên có tỷ lệ lấp đầy khả quan.
Quận 1 chào đón một mô hình bán lẻ mới trên đường Nguyễn Huệ là Saigon Garden. Mặc dù diện tích đất nhỏ, Saigon Garden mang lại cho khách, chủ yếu là giới trẻ và người nước ngoài, một trải nghiệm mua sắm mới với rất nhiều không gian xanh và mở bên trong. Khách có thể tìm thấy quán bar, cửa hàng liên kế, nhà hàng, quầy triển lãm ngay bên trong Saigon Garden, rất khác biệt với không khí nhộn nhịp, đông đúc bên ngoài.
Năm 2016, thị trường TP.HCM dự đoán sẽ chào đón thêm 15 cửa hàng thuộc AuchamSuper, một thương hiệu bán lẻ của Pháp. Việc này sẽ củng cố sự hiện diện của các thương hiệu nước ngoài tại TP.HCM. Tính đến năm 2015, chỉ có một thương hiệu nước ngoài là Big C lọt vào danh sách năm thương hiệu bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam bên cạnh những thương hiệu trong nước như Saigon Co.op, Mobile World, Nguyen Kim Trading và Saigon Jewelry.
CBRE dự báo, theo xu hướng của các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, của hàng tiện lợi sẽ xuất hiện nhiều hơn tại Việt Nam trong tương lai.
Trước đó, một báo cáo của Công ty Nielsen cũng khẳng định thời gian tới, mức độ phủ sóng của các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini sẽ bùng nổ tại Việt Nam dù cách đây 10 năm, nó đã từng xuất hiện và không thành công như mong đợi. Nielsen cũng cho cho rằng, sự phát triển của chuỗi cửa hàng tiện ích nó sẽ không phải là cuộc cách mạng trong kênh bán lẻ hiện đại mà là một sự nhảy vọt của kênh bán lẻ hiện đại ở thị trường Việt Nam
Được biết, năm 2014, số lượng cửa hàng tiện lợi tại TP.HCM là 326 cửa hàng, tăng gần 200 cửa hàng so với năm 2012. Tại Hà Nội, số lượng cửa hàng tiện lợi chiếm số lượng còn ít nhưng siêu thị mini lại tăng nhanh chóng. Cụ thể năm 2012, Hà Nội chỉ có 321siêu thị mini nhưng năm 2014 tăng lên 602 siêu thị.
Theo Thanh Ngà
Trí thức trẻ/CafeF