Triip là startup về du lịch, vừa được đầu tư 500.000USD và đang cung cấp dịch vụ đến 86 quốc gia.
Trang Techinasia vừa có bài viết về một startup Việt Nam, dự án Triip do hai vợ chồng Hải Hồ và Hà Lâm thành lập. Chúng tôi xin dịch toàn bộ bài viết này dưới đây.
Hai vợ chồng Hải Hồ và Hà Lâm bắt đầu khởi nghiệp bằng dự án Triip (triip.me) trong thời điểm mà các startup tại Việt Nam đang khó kiếm nhà đầu tư. Hệ sinh thái khởi nghiệp tại đây chưa phát triển, chính phủ thì chưa quan tâm nhiều đến họ, và có rất nhiều trường hợp các công ty đã gặp khó khăn sau khi được rót vốn.
“Vợ chồng tôi không đủ tiền để thuê người. Sau hơn một năm, chúng tôi quyết định làm liều, bán nhà để lấy vốn hoạt động. Đó là quyết định cực kỳ khó khăn vì thời điểm đó vợ chồng tôi còn có hai con nhỏ”, anh Hải nhớ lại thời điểm cách nay hai năm, năm 2014.
Giờ đây, anh Hải cho biết Triip vừa nhận được 500.000USD từ quỹ đầu tư Gobi Partners (Thượng Hải, Trung Quốc), một công ty đầu tư đang rót tiền vào khoảng 130 công ty trên khắp Trung Quốc và Đông Nam Á. Triip giống như Airbnb, nhưng là mô hình cung cấp tour du lịch nội địa.
Mô hình kinh doanh dùng sức mạnh cộng đồng
Trước khi Triip được Gobi Partners rót thêm tiền để phát triển, công ty đã phải hoạt động chật vật trong thời gian dài kể từ khi được thành lập.
Ý tưởng thành lập Triip đến từ Hà, khi cô làm thêm nghề hướng dẫn viên du lịch ở đại học, nhằm trau dồi kỹ năng tiếng Anh. Thời điểm đó, cùng với nhiều bạn bè mê tiếng Anh khác, Hà đã dẫn khách nước ngoài đi khắp các địa điểm nổi tiếng ở TP.HCM. Sau 4 năm, tour tham quan do Hà xây dựng được nằm trong top các hoạt đồng cần phải có của du khách khi đến TP.HCM, do Tripadvisor xếp hạng. Với xuất phát điểm này, Hà quyết định cùng chồng và bạn bè đứng ra kinh doanh, thành lập công ty từ năm 2013.
Triip sử dụng mô hình như Airbnb, tức dùng nguồn lực của cộng đồng để xây dựng các tour du lịch trên toàn thế giới. Mô hình này cho phép bất kỳ người nào cũng có thể tạo ra các tour du lịch để bán cho khách cần. Không giống các công ty du lịch truyền thống chuyên thiết kế các tour phù hợp với mọi người, đi đến các khu nổi tiếng và đông đúc, các tour của Triip được tạo ra bởi người bản địa, những người được gọi là Triip Creator.
Do bất kỳ ai cũng co thể tạo một tour tham quan như vậy nên các chuyến du lịch của Triip được kỳ vọng là rất độc đáo. Khách có thể chèo thuyền nhỏ để khám phá các chợ nổi khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long với một gia đình người bản địa; hoặc có thể đi sâu hơn vào các hẻm hóc đông đúc, khói bụi, ồn ào ở Hà Nội để tham các kiến trúc cổ do các sinh viên làm hướng dẫn.
Triip khởi đầu với việc bán các tour trên khắp Việt Nam, vốn vẫn đang là một thị trường rất tiềm năng, rồi sau đó mở rộng ra các thành phố khác trên thế giới. Giờ đây bạn có thể đặt một giáo sư Havard để ông giới thiệu một vòng ngôi trường danh giá này, hoặc thương lượng với người quản lý trường quay phim The Tourist để người này dẫn bạn đi tham quan các cảnh đã quay trên phim.
Hiện nay, Triip đã có mặt trên 86 quốc gia, với 5.000 tour được thiết kế bởi hơn 9.000 Triip creator. Trước đó, tháng 12/2014, Triip mới chỉ có 300 tour trên 10 quốc gia.
“Những Triip creator của chúng tôi hướng dẫn khách tham quan bằng cả trái tim và tâm hồn của họ chứ không phải vì tiền bạc. Hầu hết họ đều có nghề nghiệp, làm hướng dẫn viên như nghề tay trái, chứ không hoàn toàn vì lợi nhuận như những hướng dẫn viên thông thường. Vì lý do này, chúng tôi nghĩ khách du lịch sẽ có được những trải nghiệm độc đáo và thích thú”, Hà nói.
“Chúng tôi đang thay đổi cách mọi người du lịch trên toàn thế giới, tạo việc làm cho người bản địa, và giúp các thành phố bảo tồn văn hóa địa phương. Với việc này, Triip đang tạo ra những lợi ích rõ ràng cho hướng dẫn viên, khách du lịch, và chính quyền địa phương”, Hà chia sẻ thêm.
Khách được đi với những hướng dẫn viên được đào tạo tốt nhất
Yếu tố an toàn chính là lo ngại lớn nhất khi thực hiện mô hình kinh doanh huy động cộng đồng, vì bất ai cũng có thể thiết kế tour để bán và làm hướng dẫn viên. Hải cho biết mọi tour được bán trên Triip đều đảm bảo an toàn do công ty đã kiểm tra kỹ các hướng dẫn viên. Công ty yêu cầu họ phải cung cấp giấy tờ tùy thân như hộ chiếu hoặc chứng minh thư. Triip cũng kiểm tra được các địa điểm mà hướng dẫn viên dẫn khách đi theo thời gian thực thông qua ứng dụng cài đặt trên smartphone.
Đối với khách du lịch, Triip cung cấp một bản giao kèo. Theo đó, tiền khách trả cho công ty sẽ được neo lại, chỉ chuyển cho Triip sau khi chuyến tham quan kết thúc và khách hàng hài lòng.
Công ty cũng cung cấp hệ thống đánh giá hai chiều, nhằm loại bỏ những khách tham quan hay hướng dẫn viên có hành vi cư xử không tốt.
Hải cho biết công ty đang xây dựng một tiêu chuẩn cho hướng dẫn viên trên toàn thế giới thông qua các khóa đào tạo online dành cho thành viên của Triip. “Chúng tôi đang tập hợp những bài học quý nhất do những hướng dẫn viên tích lũy, để mọi người có thể học và phục vụ tốt hơn cho khách hàng”, anh nói.
Ha Lam (đi đầu) và các cộng sự trong triip.me. |
Doanh số tăng 100% hàng tháng
Với nguồn vốn đầu tư 500.000USD của Gobi Partners, Hai nói công ty sẽ dùng nó để tuyển thêm người nhằm mở rộng sang các thị trường khác.
“Với số tiền huy động được, dự kiến chúng tôi có thể chạy hết công suất trong vòng ít nhất 18 tháng”, Hải nói.
Hải cũng cho biết công ty đang bắt đầu có lợi nhuận, do đó có thể thoải mái hơn trong việc chi tiêu. Vào tháng Sáu năm ngoái, Triip thu về khoảng 1.000USD doanh thu (revenue) hàng tháng. Đến tháng Hai này, doanh thu đã đạt 10.000USD, với mức tăng trưởng 100% mỗi tháng.
Hầu hết khách hàng đến với Triip đều do truyền miệng. “Chi phí tuyển thêm hướng dẫn viên cũng như phí vận hành của chúng tôi gần như bằng không. Chúng tôi chỉ cần hai người để vận hành hệ thống và để nó phát triển tự nhiên. Các đối thủ của Triip thì tiêu tiền vào việc quảng cáo trong khi Triip tập trung vào việc truyền miệng và chiến lược tăng trưởng người dùng đột phá”, Hải giải thích.
Bây giờ khi đã có vốn, Triip sẽ có ngân sách để làm digital marketing nhằm đẩy mạnh bán hàng. Hải cho biết kết hợp với Gobi Partners không chỉ mang lại vốn cho Triip, mà quan trọng là kiến thức và kinh nghiệm ở lĩnh vực du lịch mà công ty này đóng góp vào Triip.
Bên cạnh Triip, Gobi Partners có góp vốn vào công ty cung cấp tour Tuniu và ứng dụng khám phá những điểm đến thú vị Spottly (Trung Quốc), nền tảng du lịch Tripvisto (Indonesia). Triip là lần rót vốn đầu tiên của Gobi Partners vào Việt Nam.
Theo Hải Đăng
ICTnews