Thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1976, bảo hộ đầu tư bắt đầu từ năm 1991 nhưng phải đến 5 năm trở lại đây, người Thái mới chính thức tấn công ồ ạt vào thị trường Việt Nam.
Cuộc tấn công ồ ạt là bởi người Thái Lan nhận thức được rõ những thuận lợi mà Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng như Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại cho Việt Nam kể từ năm 2016.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ kế hoạch đầu tư, trong năm năm gần đây, đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam tăng mạnh. Cụ thể:
Năm 2012: Thái Lan đầu tư vào Việt Nam khoảng 5,9 tỷ USD. Với số vốn này, Thái Lan là nhà đầu tư lớn thứ 11 ở Việt Nam và lớn thứ ba trong số các thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có đầu tư vào Việt Nam.
Hầu hết vốn đầu tư của các công ty Thái tại Việt Nam tập trung vào các ngành thực phẩm chế biến, giấy, nhựa, thức ăn chăn nuôi, và linh kiện xe máy.
Năm 2013: Thái Lan có 333 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký lên 6,4 tỷ USD, xếp thứ 10 trong tổng số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam; xếp thứ 2 trong số các nước ASEAN đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Vốn đầu tư của các doanh nghiệp Thái Lan tập trung vào hóa dầu, giấy, xi măng, vật liệu xây dựng và phân phối.
Năm 2014: Các nhà đầu tư Thái Lan có 374 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đầu tư khoảng 6,6 tỷ USD và xếp thứ 10/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư Thái Lan dịch chuyển sang lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 179 dự án và 5,65 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 47,8% tổng số dự án và 84,5% tổng vốn đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam).
Năm 2015: Các nhà đầu tư Thái Lan có hơn 400 dự án vào Việt Nam, tương đương với hơn 7 tỷ USD. Mặc dù vậy, Thái Lan lại tụt hạng, xếp thứ 14 trong tổng số các nước đầu tư vào Việt Nam.
Và tính đến tháng 2/2016: Các nhà đầu tư Thái Lan có 428 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đầu tư đạt khoảng 7,88 tỷ USD, xếp thứ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.
Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được các đại gia Thái Lan xem là thị trường "màu mỡ" nhất với khoảng 200 dự án, chiếm gần 7 tỷ USD vốn đầu tư, tương đương 88% vốn đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam.
Đứng thứ hai là lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Còn lại tập trung vào các ngành bán lẻ, xây dựng…
Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng hoạt động ra nước ngoài của các doanh nghiệp Thái tăng mạnh trong những năm gần đây. Và Việt Nam được xác định là điểm đến hấp dẫn nhất.
Đối với các nhà đầu tư Thái Lan, AEC được coi là cơ hội để thâm nhập sâu vào Việt Nam - thị trường đang phát triển đầy tiềm năng với chi phí nhân công rẻ, dân số trẻ, xu hướng tiêu dùng hiện đại. Đặc biệt là chính trị ổn định.
Bên cạnh đó, thị trường Thái Lan đã bão hòa, chính trị không ổn định nên họ chuyển sang nước có tốc độ tăng trưởng nóng như Việt Nam
Về vấn đề này, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho hay không chỉ các doanh nghiệp Thái mà nhiều nhà đầu tư quốc tế đang thông qua Thái Lan và tận dụng sự luân chuyển vốn trong khu vực để đầu tư vào Việt Nam. Từ đó, lấy Việt Nam làm "bàn đạp" để đẩy mạnh kinh doanh sang các nước khác.
"Dự kiến, sắp tới, đầu tư từ Thái vào Việt Nam sẽ còn nhiều hơn nữa", TS Hiển dự báo.
Tô Mạn
Theo Trí Thức Trẻ