TTO - Một cánh tay robot trị giá 35.000 USD sẽ kinh tế hơn việc trả 15 USD/giờ cho các nhân viên làm việc thiếu hiệu quả?
Chi phí lao động tại châu Á tăng trưởng hai con số, đang gây sức ép lớn đến ngành công nghiệp sản xuất. Còn Mỹ vừa thông qua luật trong đó mức lương cơ bản phải là 15 USD/giờ. Điều này giúp cải thiện đời sống người lao động.
Tăng lương, người lao động mất việc
Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng lại nghĩ khác. 15 USD/giờ là quá mắc so với việc sử dụng robot. Và sử dụng công nghệ tự động hóa là một trong những giải pháp tối ưu hiện nay.
Trả lời phỏng vấn trong Chương trình doanh nghiệp của Fox, cựu giám đốc điều hành của chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald Ed Rensi khẳng định việc nâng lương cơ bản tại Mỹ lên 15 USD/giờ sẽ khiến nhiều doanh nghiệp nghĩ tới việc sử dụng robot. Ông Rensi nói: “Nếu chỉ để đóng gói khoai tây chiên, mua một cánh tay robot trị giá 35.000 USD sẽ kinh tế hơn việc trả 15 USD/giờ cho các nhân viên làm việc thiếu hiệu quả”.
Một tính toán khác cho biết chi phí trang bị loại robot cao cấp có thể hoạt động cùng con người cao hơn so với chi phí trả lương nhân công, nhưng trước thực trạng lương công nhân ở Trung Quốc ngày càng tăng, khoảng cách “tính toán kinh tế” đang dần thu hẹp.
Tương tự, nhà máy sản xuất bằng robot của Adidas không chỉ giúp hãng đáp ứng nhu cầu giao hàng đến người tiêu dùng nhanh hơn mà còn tiết kiệm chi phí vận chuyển, đặc biệt không bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng tiền lương nhân công tại các nền kinh tế châu Á.
Rõ như ban ngày, các công ty lớn đang hướng nhân lực chủ chốt con người vào những công việc cao cấp, đòi hỏi sử dụng bộ não nhiều hơn tay chân. Thay vào đó, những công việc đơn giản, lặp đi lặp lại… có khả năng sử dụng đội ngũ robot công nghiệp.
“Chúng chỉ có thể thay thế con người trong các hoạt động đơn giản, lặp đi lặp lại. Với các nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi trí tuệ cao, con người vẫn đóng vai trò chủ chốt. Chúng tôi sẽ tiếp tục khai thác việc tự động hóa và nguồn nhân lực trong hoạt động sản xuất với hi vọng duy trì lực lượng lao động đáng kể của chúng tôi ở Trung Quốc”, Foxconn nói với BBC trong thông cáo sa thải 60.000 công nhân.
Robot “đắt nhưng xắt ra miếng”
Từ lâu robot đã góp mặt trong các dây chuyền sản xuất của con người. Nhưng sở dĩ robot chưa được sử dụng nhiều vì giá thành cao và kém linh hoạt. Mọi thứ chỉ nhanh chóng thay đổi trong vài năm gần đây khi giá thành hạ nhanh chóng. Một robot có chức năng sản xuất dây chuyền chỉ mất chưa tới 1 giờ để lắp đặt và chỉ có giá 22.000 USD.
Hiện nay robot mang tên Baxter dùng trong công nghiệp sản xuất có giá thành 22.000 USD với sản lượng 500 mỗi năm. Dự kiến, vài năm nữa Baxter phiên bản cập nhật chỉ có giá dưới 5.000 USD và như vậy những công nhân giá rẻ nhất tại các nước nghèo nhất cũng không thể cạnh tranh được.
Các nhà kinh tế vừa đưa ra lời cảnh báo khẩn thiết rằng tự động hóa sẽ làm thị trường lao động lao đao. Một báo cáo của Công ty tài chính Deloitte phối hợp với Đại học Oxford cho biết trong 20 năm tới, 35% người lao động sẽ bị robot ảnh hưởng.
Hiện đầu tư đưa robot vào sản xuất vẫn ở mức rất cao. Nhưng suy đi tính lại, cân đo đong đếm, sử dụng robot trong một số lĩnh vực lại hiệu quả hơn con người. Đó cũng là lý do 35 công ty Đài Loan quy mô lớn đã chi khoảng 609 triệu USD để nghiên cứu trí khôn nhân tạo. “Và có hơn 600 công ty khác tại Côn Sơn, Trung Quốc sẽ đi chung con đường với Foxconn”, chính quyền địa phương cho biết.
Theo Ark Investment Management, chi phí trang bị một robot chất lượng cao khoảng 250.000 USD, cùng phí bảo trì mỗi năm 10.000 USD tính ra cao hơn tiền lương nhân viên. Nhưng với năng suất lao động tốt, độ chính xác cao… khả năng hòa vốn, sinh lời rất nhanh.
*********
Những ưu thế vượt trội khiến các doanh nghiệp chuyển dần sang xu hướng thay con người bằng robot. Robot đang dần chiếm lĩnh thị trường lao động. Nền kinh tế sẽ tăng cao khi hiệu quả công việc được robot đảm bảo nhưng người lao động đi về đâu?
TRÙNG DƯƠNG - CHU YÊN
Báo Tuổi Trẻ
Báo Tuổi Trẻ