Trong vòng 7 tháng đầu năm, gần 43.000 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động. Theo GS. TSKH Nguyễn Quang Thái, tốc độ giải thể cao cho thấy môi trường kinh doanh hoặc các điều kiện cải cách chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm, cả nước có hơn 64.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 497 nghìn tỷ đồng, tăng 23,3% về số doanh nghiệp và tăng 54,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.
Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm nay là 16.700 doanh nghiệp, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động gia tăng là tín hiệu mừng của nền kinh tế. Tuy nhiên, số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động kinh doanh cũng tăng ở mức cao, lên đến 43.000 doanh nghiệp.
Trong đó, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 7 tháng là 6.400 doanh nghiệp, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng năm nay là hơn 36.000 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo GS. TSKH Nguyễn Quang Thái - Phó Tổng thư kí Hội khoa học kinh tế Việt Nam, việc doanh nghiệp thành lập mới hay rời bỏ thị trường là điều bình thường của nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, tốc độ doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động còn cao, chứng tỏ môi trường đầu tư kinh doanh, các vấn đề tiếp cận vốn hoặc các điều kiện khác về cải cách chưa thực sự tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.
“Tôi cho rằng để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, cần làm sao cho môi trường đầu tư cải thiện tốt hơn. Định hướng này đã có trong Nghị quyết của Chính phủ về cải cách doanh nghiệp nói chung trong 5 năm tới cũng như Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng những việc này cần được thực hiện mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, ông Thái khuyến nghị.
Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ