Angkor EV 2014 là một mẫu xe ôtô được sản xuất tại Campuchia. Xe chạy điện và điều khiển được qua điện thoại thông minh.
Angkor EV 2014 do công dân Campuchia - ông Nhean Phaloek - sáng chế, Công ty Heng thực hiện dự án sản xuất hàng loạt với tổng mức đầu tư 20 triệu USD.
Thương hiệu "xe hơi" này không chỉ gây bất ngờ với người dân Campuchia, mà các quốc gia khác cũng nhìn Angkor EV 2014 với sự ngạc nhiên thú vị. Bởi lẽ, trong mắt của cộng đồng quốc tế, Camphuchia là quốc gia có ngành công nghiệp ôtô còn ở mức "chưa có gì", chưa đủ sức để cho ra đời một chiếc xe hơi nội địa.
Với Việt Nam, ngành công nghiệp ôtô của Campuchia còn "non nớt" hơn nhiều. Thế mà thực tế họ đã đi trước, cho ra đời một thương hiệu ôtô nội địa đầy tự tin và thuyết phục. Sự khởi đầu này hứa hẹn một giai đoạn phát triển tiếp theo của ngành công nghiệp ôtô Campuchia.
Chiếc xe "Angkor EV 2014" tại buổi lễ ra mắt ở tỉnh Kandal ngày 14/2. (AFP/TTXVN) |
Thực ra, nói họ đi trước là không đúng. Năm 1970 của thế kỷ trước, miền Nam Việt Nam đã từng sản xuất xe hơi La Dalat với tỉ lệ nội địa hóa lên đến 40%. Tiếc rằng, ngành công nghiệp xe hơi ra đời khá sớm và rất thành công thời đó đã không phát triển được. Cho đến nay, Việt Nam vẫn cứ lẹt đẹt đi sau các nước trong khu vực, thậm chí sản xuất không nổi con ốc hay sợi dây điện đạt chuẩn của ôtô!
Trong khi chiếc "xe hơi" Angkor đang làm bất ngờ các nước láng giềng, thì Campuchia còn tuyên bố xuất khẩu gạo vào thị trường Mỹ. Campuchia đã chuẩn bị đủ cơ sở để làm việc này. Gạo cao cấp của họ đã chiếm lĩnh được thị trường Châu Âu, đang sẵn sàng bước vào thị trường Hàn Quốc và nhắm đến thị trường Mỹ đầy thử thách.
Trước những bước đi đầy ấn tượng về chiến lược sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của Campuchia, chúng ta không khỏi giật mình nhìn lại.
Hóa ra bao năm nay, hạt gạo Việt Nam vẫn chỉ dựa chủ yếu vào thị trường Trung Quốc và một số nước lân cận. Hạt gạo của Campuchia vươn tới các tiêu chuẩn chất lượng cao thì gạo Việt Nam vẫn chỉ là loại phẩm cấp thấp. Bao năm nay, dù cố gắng mấy phẩm cấp cũng không cao hơn hạt gạo Thái Lan, nay tiếp tục bị hạt gạo Campuchia bỏ lại phía sau.
Càng nghĩ càng thấy lo, bởi chúng ta không hề có thương hiệu gạo chất lượng cao để có thể cạnh tranh trên các thị trường khó tính.
Chỉ cần đề cập đến hai mặt hàng trên và so sánh cũng đủ thấy nguy cơ tụt hậu đã rõ ràng. Nguy cơ này chắc chắn không phải do dân mình trí tuệ thấp kém hơn dân nước khác, mà vì đang thiếu những chính sách đúng đắn.
Theo báo Lao Động