Theo nhận định trong báo cáo tổng hợp về hoạt động Mua bán và Sáp nhập (M&A) tại Việt Nam giai đoạn 2015 – 2016 của nhóm nghiên cứu Diễn dàn M&A Việt Nam (MAF) thường niên lần thứ 8 tổ chức ngày 18/8 tại TPHCM thì các nhà đầu tư từ Thái Lan, Nhật Bản, Singapore vẫn là những người mua chủ yếu tại thị trường mua bán doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khi Nhật Bản tham gia đầu tư chiến lược vào các công ty hàng không, xăng dầu, dược phẩm, thì Singapore nổi lên với các thương vụ bất động sản thương mại và Thái Lan tiếp tục tập trung vào mảng bán lẻ với mục tiêu mở rộng thị trường.
Theo báo cáo của MAF, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2015 đã trở lại mốc kỷ lục 5,2 tỷ USD được thiết lập từ năm 2012 và ước tính trong 7 tháng đầu năm 2016 con số này đã lên đến gần 3,5 tỷ USD. Viện Mua bán, sáp nhập và liên kết (IMAA) Thụy Sỹ dự báo năm 2016 quy mô M&A tại Việt Nam có thể đạt mức 600 thương vụ với tổng giá trị 6 tỷ USD, phá kỷ lục của năm 2015.
Xét về số lượng thương vụ, các thương vụ với doanh nghiệp nội chiếm đa số với trên 60%. Tuy nhiên, giá trị các thương vụ này chủ yếu là thương vụ quy mô vừa và nhỏ quanh mức 5 triệu USD. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò quan trọng với các thương vụ quy mô từ 30 – trên 100 triệu USD. Đáng chú ý, đã xuất hiện các thương vụ chuyển nhượng những công ty hoặc hệ thống có tài sản lớn, quy mô trên 1 tỷ USD tại thị trường Việt Nam.
Ngành bán lẻ và tiêu dùng chiếm 38,46% tổng giá trị M&A với các thương vụ đáng chú ý nhất là Central Group mua lại Big C với giá 1,14 tỷ USD với tham vọng chi phối ngành bán lẻ Việt Nam; một thương vụ tỷ đô nữa là Singha trở thành đối tác chiến lược của Masan với giá trị 1,1 tỷ USD thông qua việc nắm giữ 25% cổ phần của Masan Consumer Holding và 33% cổ phần Masan Brewery.
Cùng với đó là thương vụ Vingroup mua lại hệ thống siêu thị Maximart tuy không được tiết lộ giá trị nhưng theo giới chuyên môn đây cũng là một thương vụ có giá trị lớn. Dự báo những doanh nghiệp có tiếng trong ngành tiêu dùng như Sabeco, Habeco, Vinamilk, Tân Hiệp Phát… vẫn có chỗ trống cho các nhà đầu tư nước ngoài và sẽ trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các tập đoàn lớn từ châu Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Trong năm 2016, có thể sẽ chưa xuất hiện thêm các thương vụ M&A lớn trong ngành tài chính ngân hàng, tuy nhiên M&A trong ngành này dự báo sẽ vẫn sôi động trong trung hạn do nằm trong lộ trình tái cấu trúc ngành ngân hàng Việt Nam. Dự báo số lượng các ngân hàng thương mại sẽ được giảm về 13-15 vào năm 2017.
Nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn cơ hội, như BIDV vẫn còn room cho nhà đầu tư chiến lược. Hoặc các công ty tài chính, hoặc bảo hiểm của các ngân hàng cũng sẽ cần tìm đối tác để phát triển nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường.
Tiếp theo là ngành bất động sản với giao dịch đáng chú ý là thương vụ giữa Keppel Land và chủ đầu tư dự án Empire City tại quận 2 trong đó Keppel Lan nhận chuyển nhượng 40% tương đương với 93,9 triệu USD. Các lĩnh vực được dự đoán sẽ có nhiều hoạt động M&A trong năm nay bao gồm thị trường nhà ở, thị trường khách sạn/du lịch, thị trường bán lẻ và thị trường khu công nghiệp, logistics.
Những cơ hội trong ngành viễn thông được kỳ vọng là Viettel tiếp tục vai trò là người đi mua và phát triển thị trường viễn thông tại các quốc gia trên thế giới, chủ trương tái cấu trúc VNPT và đặc biệt là cổ phần hóa MobiFone. Theo khảo sát của MAF, MobiFone là cái tên được các nhà đầu tư đánh giá là hấp dẫn nhất và có thể thu hút một lượng vốn đáng kể khi cổ phần hóa và chọn đối tác chiến lược.
Trong năm 2015, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn vẫn chưa đạt kỳ vọng của giới đầu tư. Tỷ lệ bán đấu giá và giá trị bán được của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa trong năm 2015 và 6 tháng năm 2016 còn thấp.
Thương vụ IPO đáng kể nhìn từ góc độ quy mô vốn điều lệ chỉ có ACV (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam) và Công ty TNHH một thành viên Kỹ nghệ súc sản VISSAN với giá bán bình quân đạt 80.053 đồng/ cổ phần và được các nhà đầu tư quan tâm. Nhiều công ty có vốn điều lệ có quy mô khá nhưng không thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.
Chưa năm nào, khởi nghiệp và Start-up được nhắc đến nhiều như năm 2015 và nửa đầu năm 2016 tại Việt Nam. Số lượng các doanh nghiệp start-up được đầu tư cũng tăng 2,4 lần, từ 28 doanh nghiệp năm 2014 lên đến 67 doanh nghiệp năm 2015, theo thống kê của Topica Founder Institute.
Trong tổng số các thương vụ được đầu tư vào năm 2015, có 25,8% đợt rót vốn lần đầu (seed), 37,1% rót vốn giai đoạn A (series A), 16,1% rót vốn dạng angel, 6,5% rót vốn giai đoạn C. Có hơn 4 vụ đầu tư giai đoạn C đều đạt mức vốn từ 10 triệu USD trở lên. Trong đó, Foody nhận vốn từ Tiger Global Invesment; iCare (Mobivi) nhận hơn 20 triệu USD từ Unitus Impact (chưa chốt); Cốc Cốc nhận 14 triệu USD từ Hubert Burda; Huy Vietnam nhận 15 triệu USD từ Templeton.
Trong năm 2015, có một số thương vụ mua lại, gồm Vietnammm mua lại Foodpanda, Weeby.co mua lại Tappy, Yellow Mobile mua lại Clever Ads Corp và Websosanh. Tuy nhiên, thương vụ ấn tượng nhất năm 2015 và tạo khích lệ nhất cho cộng động Start-up người Việt nam cả trong nước và nước ngoài, đó là tập đoàn quốc tế Fossil mua lại Misfit - một doanh nghiệp đặt tại Việt Nam do các doanh nhân quốc tế làm chủ - trị giá 260 triệu USD.
MAF cho biết nhà đầu tư nước ngoài cũng như các tổ chức tư vấn cũng liệt kê những hạn chế cho sự phát triển của hoạt động M&A tại Việt Nam, đó là: Thị trường Việt Nam cần những nguồn hàng tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hàng loạt tập đoàn, tổng công ty nhà nước cổ phần hóa, nhưng tỷ lệ cổ phần của Nhà nước vẫn còn quá cao và nhiều năm vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược.
Hệ thống pháp lý và thực thi liên quan đến đầu tư và M&A cần được hoàn thiện và tháo dỡ các rào cản cũng như các vấn đề về giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư, vấn đề quy hoạch, vấn đề thuế cho các giao dịch M&A.
Các doanh nghiệp Việt Nam cả nhà nước cổ phần hóa và doanh nghiệp tư nhân cần minh bạch hơn về thông tin doanh nghiệp và thông tin tài chính để nhà đầu tư có thể tiếp cận thông tin nhằm ra quyết định đầu tư.
Duy Khánh
Theo Trí Thức Trẻ