Trong một bài phỏng vấn với Refinery 29 mới được đăng tải gần đây, CCO Jesús Echevarría của Inditex đã bật mí về “vũ khí bí mật” của Zara: Một “trung tâm xử lý dữ liệu” chạy 24/7.
Hầu hết các nhà bán lẻ quần áo đều phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ nếu họ đặt mục tiêu bắt kịp với Zara – nhãn hiệu thời trang đã bùng nổ mạnh mẽ trong mấy năm trở lại đây.
Zara có chuỗi cung ứng được ví là một “cỗ máy bán hàng” đáng sợ. Liên tục tung ra những mẫu thiết kế giản dị nhưng không kém phần “sang chảnh” và được các khách hàng hào hứng đón nhận.
Công ty mẹ Inditex cũng được ca ngợi là có “mô hình kinh doanh tốt nhất trong lĩnh vực dệt may”. Các chuyên gia phân tích của Bernstein đã nhận định rằng trong 5 năm tới lợi nhuận của hãng sẽ tăng trưởng với tốc độ hai con số.
Vậy bí quyết thành công của Zara là gì?
Trong một bài phỏng vấn với Refinery 29 mới được đăng tải gần đây, CCO Jesús Echevarría của Inditex đã bật mí về “vũ khí bí mật” của Zara: Một “trung tâm xử lý dữ liệu” chạy 24/7.
Trung tâm này cho phép từng cửa hàng theo dõi các số liệu về doanh số mỗi ngày. Trung tâm này được mở ra cách đây 1,5 năm, được kết nối với tất cả các cửa hàng bán lẻ của hãng trên toàn cầu để xử lý số liệu theo thời gian thực. Một nhóm khác sẽ theo dõi phản hồi của khách hàng, ngồi cùng tầng với nhóm thiết kế.
Quy trình này giúp Zara kiểm soát dây chuyền sản xuất tốt hơn các nhà bán lẻ khác. Khoảng một nửa số lượng sản phẩm được làm ra ở Tây Ban Nha hay các nước lân cận. Đối với Zara mà nói, chuỗi cung ứng chính là lợi thế cạnh tranh.
Ngoài ra, chính sách đưa ra các mẫu sản phẩm mới 2 lần một tuần với số lượng có hạn cũng thu hút người tiêu dùng đến với các cửa hàng trên toàn thế giới của Zara.
Mô hình kinh doanh này khác rất nhiều so với các đối thủ của hãng. Lấy Gap làm ví dụ, hãng thường đưa ra một bộ sưu tập thời trang theo mùa và để chúng trong nhiều tuần tại các cửa hàng bán lẻ, khiến người tiêu dùng không có lý do gì để quay lại kiểm tra những chi nhánh này nữa sau khi đã xem hàng.
Cuối cùng, theo Felipe Caro, giáo sư tại ĐH California, bí mật thành công của Zara là ở cấu trúc quyền lực tập trung, quá trình đưa ra và thực hiện quyết định nhịp nhàng trơn tru.
Nằm cạnh Cube - toà nhà trụ sở Zara tại Tây Ban Nha là trung tâm phân phối chính rộng lớn. Mỗi năm khoảng 450 triệu sản phẩm được sản xuất ra, trong đó 150 triệu chiếc được phân loại và kiểm tra ở trung tâm này. Dù một chiếc áo được làm ra ở Bồ Đào Nha hay Morocco, ở Trung Quốc hay Bangladesh, nó vẫn được chuyển đến Tây Ban Nha trước khi đến cửa hàng.
Trong khu này còn có 11 nhà máy của Zara. Mỗi chiếc áo sơ mi, áo len hay váy được làm ra ở đây sẽ được gửi trục tiếp đến trung tâm phân phối bằng hệ thống tàu điện ngầm tự động. Các vùng lân cận có rất nhiều nhà thầu phụ từng làm việc cho công ty từ thời Amancio Ortega thành lập Zara năm 1975.
Tăng trưởng doanh số của Inditex qua các năm (%) |
Nhờ những "vũ khí bí mật" kể trên mà Zara đang ngày một lớn mạnh. Doanh số bán hàng của Inditex - công ty mẹ của Zara đã tăng 15,4% trong năm 2015 lên 22,9 tỷ USD nhờ sự hồi phục chi tiêu của người tiêu dùng tại Tây Ban Nha. Zara cũng đã mở thêm 330 cửa hàng tại 56 thị trường trên toàn cầu trong năm ngoái, nâng tổng số các chi nhánh lên 7.013 cửa hàng.
Trong khi đó rất nhiều nhà bán lẻ quần áo truyền thống như Banana Republic và J. Crew đã chứng kiến doanh thu sụt giảm trong năm ngoái, khi họ không còn được khách hàng ưa chuộng. Nhưng dường như Zara đã giải quyết được vấn đề này ngay cả trước khi nó bắt đầu.
Dù chưa có thông tin xác thực nhưng một người có vẻ là nhân viên Zara Việt Nam tình cờ tiết lộ thông tin doanh thu cửa hàng này trong ngày đầu khai trương(8/9) trên tài khoản Instagram của mình với nội dung: "5,5 tỉ, phá vỡ kỷ lục - cửa hàng Zara có doanh thu ngày khai trương cao nhất trên toàn thế giới".
Nếu thông tin là chính xác, giả sử mỗi khách hàng mua hết trung bình 1 đến 2 triệu VNĐ thì tính riêng trong ngày khai trương, Zara Việt Nam đã đón khoảng hơn 2.700 đến 5.500 lượt khách, con số này càng khẳng định Zara thật sự là một "cỗ máy bán hàng đáng sợ".
Vân Đàm
Theo Trí Thức Trẻ