Hàng triệu sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng đang được giới thiệu, quảng cáo trên Facebook bằng những lời có cánh đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe cho người tiêu dùng.
Biên tập viên VTV khẳng định anh không hề được xin phép nhưng vẫn bị đưa lên trang quảng bá thuốc chữa trĩ nội, trĩ ngoại trong một quảng cáo trên Facebook - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Nhiều doanh nghiệp đã bỏ tiền quảng cáo trên Facebook, mạng xã hội để “thoát” các khâu thẩm định về quảng cáo, thậm chí tự lấy hình ảnh người nổi tiếng để tạo niềm tin cho sản phẩm. Không ít người tiêu dùng tin tưởng bỏ tiền ra mua lâm vào cảnh tiền mất tật mang...
Loạn quảng cáo
trên Facebook
Người dùng mạng xã hội Facebook gần đây giật mình khi nhìn thấy hình ảnh một biên tập viên truyền hình rất nổi tiếng - anh Q.M., có tiếng là giữ gìn hình ảnh - đã xuất hiện trong quảng cáo chữa… trĩ nội trĩ ngoại.
Trả lời Tuổi Trẻ, anh này “ngã ngửa” khi biết hình ảnh của mình đang được sử dụng để quảng cáo dịch vụ điều trị trĩ. “Có thể người ta đã nhặt ảnh của tôi ở đâu đó để gắn vào quảng cáo, mà tôi thì không kiểm soát được chuyện đó” - Q.M. nói.
Chưa hết, cũng trên tường của trang, cơ sở “trĩ nội trĩ ngoại” này đã dùng hình ảnh một PGS.TS, trưởng khoa một bệnh viện lớn để chỉ dẫn bệnh nhân đến trị bệnh tại cơ sở ở Cầu Giấy, Hà Nội. Một quảng cáo khác cũng trên Facebook về sản phẩm “đặc trị” rụng tóc, có kèm cả clip cảm nhận người dùng, cho thấy đã có hàng chục ngàn người sử dụng sản phẩm chỉ trong một năm. Và tất cả đều mọc tóc lại!
Hầu hết quảng cáo trên Facebook và mạng xã hội đều hấp dẫn. Tuy nhiên, anh Nguyễn Tiến Đạt (Thanh Xuân, Hà Nội) không giấu nổi vẻ bức xúc khi tin lời một quảng cáo trên Facebook và mua hàng. Sau khi đọc kỹ các lời bình luận, dò địa chỉ nhà thuốc, anh đã quyết định mua loạt sản phẩm chữa viêm họng hạt. Trên quảng cáo, nhà thuốc cam kết không khỏi sẽ trả lại tiền. Tuy nhiên, đến nơi hỏi kỹ lại, họ chỉ cam kết “trả lại tiền” theo cách: nếu không khỏi thì sẽ cấp thuốc cho đến khi nào khỏi. “Đã không khỏi thì lấy thuốc làm gì?” - anh Đạt bực mình.
Trong khi đó, giá các loại thuốc ở đây rất đắt, một lọ thuốc viêm họng hạt dạng bột bé xíu giá tới 350.000 đồng, có loại lên tới 750.000 đồng/lọ. Sau khi dùng một thời gian không đỡ, thậm chí thấy đau đầu, phải đi khám, anh Đạt nói chuyện lại với nhân viên nhà thuốc thì được khuyên “cố gắng dùng thêm thuốc”… “Chỉ cần thu tiền dùng thử của khách thôi là họ đã giàu to rồi. Cơ quan quản lý nên vào cuộc” - anh Đạt nói.
Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi đã gọi tới số điện thoại của một khách hàng đặt mua sản phẩm thuốc chữa dạ dày qua mạng xã hội. Anh Long (Quảng Ninh) cho biết mặc dù đã dùng sản phẩm này được hơn một nửa liệu trình, song hiệu quả chưa thấy đâu mà tình trạng bệnh còn có vẻ nặng hơn…
Chị Đào Thị Mai (Hà Nội) thì nêu nghe bạn bè giới thiệu đã mua sản phẩm có công dụng làm đẹp, trẻ hóa làn da, và đặt hàng trên trang Facebook. Theo lời giới thiệu từ người bán, để có công dụng thì phải sử dụng cả bộ sản phẩm có giá lên tới gần 4 triệu đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian dài sử dụng, chị Mai cho biết vẫn không mang lại hiệu quả như những lời giới thiệu trước đây.
Để lôi kéo khách hàng, bên cạnh những lời có cánh thì nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá “khủng” đã được đưa ra trên các quảng cáo ở mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Đơn cử như sản phẩm kem làm hồng tự nhiên Lansley Beauty Nipple Cream giá công bố 3.280.000 đồng/hũ, song giá bán ưu đãi chỉ còn 280.000 đồng...
Không chỉ nhóm sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, anh P.M.T. - một người dùng Facebook - rất e ngại nhiều loại đồng hồ, túi hàng hiệu chỉ được rao bán giá 300.000 - 500.000 đồng/chiếc. “Nhìn giá đã biết đây là hàng nhái nhưng với nhiều người không rành thì có thể mua nhầm hàng nhái giá cao” - anh T. cảnh báo.
Đầy rủi ro vì không được thẩm định
Theo ông Nguyễn Huy Quang - vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), các sản phẩm, dịch vụ như: khám chữa bệnh, thuốc, thực phẩm chức năng, trang thiết bị, hóa chất và chế phẩm sử dụng trong lĩnh vực y tế, mỹ phẩm... thuộc nhóm quảng cáo có điều kiện phải qua kiểm định nội dung mới được đưa ra quảng cáo, tránh đưa thông tin quá mức về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên riêng trên Facebook và nhiều trang mạng xã hội đặt máy chủ ở nước ngoài, thì quảng cáo sản phẩm nào cũng... vô tư!
Theo ông Quang, quy định hiện hành về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế (bao gồm thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng, nước khoáng, nước uống đóng chai, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến) nghiêm cấm hình thức sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của nhân viên và đơn vị y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo sản phẩm. Nếu áp quy định này, một tỉ lệ cực lớn quảng cáo trên mạng xã hội hiện đang vi phạm pháp luật.
Hãy cảnh giác
Theo một chuyên gia an ninh mạng, nếu thấy hình ảnh một diễn viên quen thuộc gắn trong quảng cáo trên mạng xã hội thì đừng vội tin là thật. Việc sử dụng hình ảnh đó có thể hoàn toàn là do chủ trang tự chế để tăng uy tín và câu view. Cá nhân bị lạm dụng hình ảnh có thể hoàn toàn không biết hoặc có biết, hầu hết cũng đành bỏ qua vì không biết phải khiếu nại đến đâu...
Ông Nguyễn Thanh Phong - cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, cơ quan chịu trách nhiệm xem xét nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng và một số thực phẩm - tỏ ra e ngại và cho biết đã thấy nhiều trường hợp quảng cáo quá mức, sai sự thật trên mạng xã hội nhưng cũng chưa biết xử lý thế nào, nhất là các trường hợp máy chủ đặt ở nước ngoài. “Nhiều khi chúng tôi nhìn thấy quảng cáo sai rành rành, nhưng cũng khó” - ông Phong nói.
Theo một quan chức của Bộ Thông tin - truyền thông, hiện chưa có quy định nào quản lý thông tin quảng cáo và mua bán trên Facebook. Hiện Bộ Công thương quản lý về thương mại điện tử, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch phụ trách quản lý quảng cáo... Nhưng các quy định đã có đều chưa điều chỉnh mạng xã hội. “Người tiêu dùng phải kiểm định, đánh giá bằng cách tham khảo thông tin, tìm hiểu... Xã hội ảo nhưng mua bán là thật nên cần thận trọng hơn” - quan chức này khuyến nghị.
Do ai cũng nghĩ không thể kiểm soát nên theo khảo sát của Tuổi Trẻ, trên các trang diễn đàn của người tiêu dùng như Webtretho.com hay Lamchame.com, không ít người tiêu dùng đã phản ảnh mất hàng chục triệu đồng khi tin mua sản phẩm quảng cáo trên mạng xã hội nhưng chỉ rước bệnh tật vào người. Thậm chí, việc tham gia mua các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng còn là cái bẫy gài người tiêu dùng vào hoạt động bán hàng đa cấp.
Ông Nguyễn Huy Quang (vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế):
Có thể quản lý nếu phối hợp
Theo quy định, quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội cơ quan quản lý vẫn có thể phạt cơ sở sản xuất sản phẩm được quảng cáo. Trong khi quảng cáo trên các phương tiện truyền thống như báo, đài, truyền hình thì có thể phạt cả đơn vị đăng tải nếu quảng cáo trái phép. Theo tôi, hiện chưa có cơ quan nhà nước nào trao đổi với đại diện các trang mạng xã hội có quảng cáo quá mức. Nếu các bộ cùng tập hợp những lĩnh vực quảng cáo có điều kiện của bộ ngành mình và đề nghị họ phối hợp thì tôi nghĩ cũng có thể quản lý quảng cáo trên mạng xã hội, tương tự quản lý quảng cáo trên báo chí truyền thống hiện nay.
Theo LAN ANH - THANH HÀ - NGỌC AN
Tuổi trẻ