Bạn không thể sẵn sàng cho các cơ hội lớn nếu bạn luôn nói “vâng” với mọi điều nhỏ nhặt. Là một doanh nhân, tất nhiên bạn muốn phát triển doanh nghiệp của mình và không muốn lâm vào tình huống phải cam kết việc gì quá khả năng hay bị căng thẳng quá mức.
Kỹ năng từ chối trong kinh doanh |
Vì vậy, bạn cần phải biết cách nói “không” trong một số tình huống, dù đó là một trong những bài học khó nhất phải học trong kinh doanh. Sau đây là một vài gợi ý trong những trường hợp thường gặp nhất.
1. Nói không với những khách hàng "gây áp lực không đáng"
Khi bạn có một khách hàng mang lại căng thẳng và rắc rối nhiều hơn lợi ích, hay thật sự không đáng để mất thời gian, tốt hơn là nên hạn chế cam kết của bạn với họ và thậm chí không tiếp tục mối quan hệ nữa.
Vẫn giữ kênh đối thoại cởi mở nhưng đặt ra những giới hạn, điều gì có thể và không thể chấp nhận và mạnh tay đưa chính sách của công ty ra trước mặt họ.
Bằng cách này, bạn sẽ làm mạnh hơn mối quan hệ chứ không phải là quá hỏng quan hệ. Hoặc bạn sẽ “tạm biệt” được những người mà bạn không nên tiếp tục hợp tác nữa.
2. Nói không với những người thích quà tặng miễn phí
Khi khách hàng yêu cầu giảm giá, quà tặng miễn phí hay chính sách đặc biệt, hãy suy nghĩ kỹ trước khi nhượng bộ. Bạn biết điều gì tốt cho doanh nghiệp và cần phải làm gì để có được doanh số.
Đừng để yêu sách của họ làm chệch mục tiêu và đe dọa chuẩn mực hay danh tiếng của bạn. Cần rõ ràng và tự tin rằng bạn đáng giá.
Nếu bạn thấy bắt buộc phải giảm giá thì bạn có thể làm thế. Hoặc bạn có thể đề nghị một thỏa thuận “có qua có lại”, chẳng hạn giới thiệu khách hàng mới, đơn đặt hàng giá trị cao hơn hoặc ký hợp đồng dài hạn.
3. Nói không với "overtime"
Khi bạn làm chủ doanh nghiệp của riêng mình, thời gian có thể trôi rất nhanh và bạn phải trải qua ngày làm việc dài. Kết quả là bạn phớt lờ sức khỏe, cuộc sống riêng và các mối quan hệ.
Hãy học cách quản lý thời gian hiệu quả hơn; đặt ra khung giờ làm việc và thi hành theo. Có thể cho khách hàng biết thời gian biểu của bạn, khi nào bạn ra khỏi thành phố hay đi nghỉ.
4. Nói không với thanh toán chậm
Hãy nhớ là bạn điều hành một doanh nghiệp, không phải là một ngân hàng. Cần nêu rõ các kỳ hạn thanh toán trong hợp đồng và thi hành chặt chẽ.
Đừng chờ đến lúc bạn mất kiên nhẫn và hết sức chịu đựng còn khách hàng thì “mất khả năng thanh toán”. Trong trường hợp bắt buộc, bạn có thể nhờ đến sự can thiệp của pháp luật nhưng nên nhớ rằng điều này làm mất nhiều thời gian, tiền bạc và gây căng thẳng.
5. Nói không với những việc nhỏ nhặt
“Làm giúp việc này nhé, nhỏ thôi”. Một khi khách hàng đã nói thế, nghĩa là có thể họ không có ngân sách hay sẽ không chi trả.
Nếu yêu cầu này đơn giản và không mất nhiều thời gian thì nên xử lý. Thế nhưng, nếu đồng ý với tất cả các yêu cầu nhỏ này, chúng có thể ngốn mất thời gian của bạn, gây khó khăn cho mục tiêu chung về doanh số.
Bạn cũng có thể đưa ra mức giá chung cho những việc “gửi thêm” kiểu này, dù có thể bạn thấy nó “hơi kỳ cục”. Những công ty tồn tại vững bền cho thấy rằng thời gian của họ có giá trị như thế nào.
6. Nói không với những lời xin lỗi
Nói “không” không phải là một điểm yếu mà là một phần của sự chuyên nghiệp. Bạn cần phải trả lương, chi trả các hóa đơn và có lợi nhuận, vì vậy bạn không cần phải xin lỗi cho quyền được từ chối của mình.
Bạn đã đầu tư mồ hôi và nước mắt vào công việc kinh doanh, hãy bảo vệ nó khỏi những ai làm lãng phí thời gian của bạn.
Để có thể nói “không” một cách dễ chịu không phải là một kỹ năng tự nhiên mà có, mà cần phải được luyện tập. Tuy nhiên, một khi học được kỹ năng này, bạn sẽ thấy rằng khách hàng càng tôn trọng sự chuyên nghiệp của bạn hơn.
Theo LONG HỒ
Doanh nhân sài gòn