World Bank hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn 6,0% trong năm 2016. Việt Nam là nước duy nhất trong nhóm CLMV giảm tăng trưởng. Lào, Myanmar, Campuchia tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng, đặc biệt Myanmar với vốn đầu tư FDI tăng mạnh.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về tình hình tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á Thái Bình Dương, Việt Nam vẫn đáng chứng tỏ khả năng chống chịu của mình.
Xét trong nhóm CLMV – nhóm 4 nước tăng trưởng thấp nhất khu vực Đông Nam Á, gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, Việt Nam là nước duy nhất có mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm sút, ở mức 6,0% vào năm 2016.
Theo World Bank, trong 3 quý đầu năm 2016, tăng trưởng kinh tế giảm nhẹ do nông nghiệp bị hạn hán nặng nề và tăng trưởng công nghiệp sụt giảm.
Tỷ lệ giảm nghèo của Việt Nam vẫn tiếp tục giảm xuống nhưng sản xuất nông nghiệp sụt giảm đã đem lại một số rủi ro trong ngắn hạn. Sinh kế các hộ gia đình dựa vào nông nghiệp đặc biệt bị ảnh hưởng.
Một yếu tố quan trọng khác trong kinh tế vĩ mô của Việt Nam là xuất khẩu – đã giảm xuống còn 6,4% trong 8 tháng đầu năm (so với cùng kỳ năm ngoái). Tuy mức này còn cao so với thương mại toàn cầu nhưng là mức thấp nhất của Việt Nam kể từ năm 2009.
World Bank cũng cho rằng: Mất cân đối tài khóa vẫn tích tụ và gây quan ngại. Thâm hụt tài khóa, kể cả các khoản ngoài ngân sách chiếm 6% GDP trong năm 2015 và làm cho nợ công Việt Nam tăng lên 62,2% GDP, tăng gần 11 điểm phần trăm so với năm 2010 và nhanh chóng tiến gần tới mức Quốc hội cho phép là 65% GDP.
Kết quả tài khóa đầu năm 2016 cho thấy áp lực ngân sách vẫn tiếp tục do giá dầu giảm và hoạt động kinh tế yếu đi làm sụt giảm nguồn thu.
Viễn cảnh trung hạn của kinh tế Việt Nam vẫn tích cực, nhưng cần phải thực hiện tái cơ cấu, cải cách tài khóa và cải cách ngân hàng quyết liệt hơn nữa thì mới có thể khắc phục được các yếu kém vĩ mô và tăng trường tăng trưởng trong trung hạn.
Trong khi tăng trưởng GDP của Việt Nam sụt giảm, Lào, Myanmar, Campuchia tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng kinh tế trong khu vực Đông Nam Á.
Campuchia tăng trưởng mạnh nhờ vào xuất khẩu dệt may cạnh tranh được với các nước xuất khẩu giá rẻ khác.
Lào tăng trưởng mạnh nhờ tăng cường xuất khẩu điện.
Còn Myanmar đang là điểm sáng của đầu tư FDI, đồng thời tăng trưởng mạnh trong các ngành vận tải, ngân hàng và viễn thông.
Bảo Bảo
Theo Infonet