Câu trả lời vẫn là chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng.
Motorola từng là một tập đoàn lớn với 150.000 nhân viên mà phần nhiều trong số đó làm việc tại trụ sở khổng lồ tại Schaumburg, Illinois, Mỹ. Thế nhưng sau hàng loạt khó khăn những năm gần đây, Motorola đã sa thải hàng chục nghìn nhân viên và hiện đã mang cái tên mới là Motorola Solutions.
Với hơn 14.000 nhân viên, Motorola Solutions thực chất vẫn là một công ty lớn với doanh thu 4 quý gần nhất lên đến 5,8 tỷ USD. Hãng đã bán lại trụ sở “khủng” ở Illinois và chuyển đến văn phòng mới ở Chicago.
Chính vì chuyển trụ sở nên Motorola đã phải bỏ lại các trung tâm dữ liệu cũ và chuyển lên sử dụng cloud hoàn toàn. Theo giám đốc mảng điện toán đám mây Leo Wang thì Motorola chọn Amazon Web Services (AWS) làm nhà cung cấp dịch vụ cloud cho mình:
“Khi mới chuyển trụ sở, chúng tôi mới chỉ chuyển một trung tâm dữ liệu ở Schaumburg sang thôi. Nhưng trong khoảng 6-7 tháng tiếp theo, chúng tôi đã chuyển hơn 200 server, 150 ứng dụng. Hiện giờ mỗi năm Motorola dành hơn 2 triệu USD cho dịch vụ của AWS.
Và cũng chính vì quá hài lòng với AWS nên Motorola quyết định chuyển hết mọi dữ liệu của mình lên nền tảng cloud này trong vòng 1-2 năm tới chứ không chỉ ở dừng ở mức 450 server như hiện nay.
Chia sẻ về điều này, Wang cũng cho biết: “Chúng tôi tiết kiệm được hàng triệu USD mỗi năm. Tuy phải đầu tư hàng triệu USD cho giai đoạn đầu nhưng về lâu dài chúng tôi sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí khác, nhất là cho các kế hoạch lớn những năm kế tiếp.”
Cũng không phải ngẫu nhiên mà Motorola chọn Amazon chứ không phải những nhà cung cấp khác. Trên thực tế, hãng từng có một hợp đồng với Microsoft để sử dụng dịch vụ Azure, thế nhưng Microsoft lại không có khả năng chuyển thương vụ nhỏ thành một hợp đồng lớn.
Tại sao Microsoft thua Amazon?
Motorola Solutions chuyên cung cấp thiết bị thông tin liên lạc cho các cơ quan trực thuộc chính phủ như cảnh sát, phòng cháy chữa cháy cũng như các dịch vụ khẩn cấp khác.
Trước đây, họ lựa chọn Microsoft Azure là bởi Azure sở hữu giấy chứng nhận an ninh từ chính phủ (CJIS), trong khi Amazon thì không.
Đứng trước các lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ đám mây như Amazon, Microsoft, Google, các chuyên viên của Motorola từng bàn luận với nhau: “Amazon cung cấp công nghệ tốt nhất trên hầu hết các mảng, các tính năng cũng hoàn thiện hơn hai nhà cung cấp còn lại. Họ thực sự xuất sắc trên mọi khía cạnh chúng ta có thể kỳ vọng từ một nhà cung cấp dịch vụ cloud, từ sản phẩm cho đến dịch vụ khách hàng, chỉ có điều là họ không có chứng nhận CJIS thôi.”
Wang chia sẻ: “Ban đầu Amazon cũng ngập ngừng không muốn bận tâm đến chứng nhận đó, bởi họ đã quá hùng mạnh trên thị trường rồi.”
Thế nhưng cuối cùng thì gã khổng lồ cloud cũng quyết định lấy chứng nhận CJIS sau khi nhận ra mảng thị trường lớn từ các cơ quan chính phủ. Amazon hiện nay cũng đã tạo ra một gói sản phẩm riêng cho các cơ quan này là GovCloud – nền tảng AWS bảo mật siêu cao cho các dữ liệu của chính quyền.
Wang chia sẻ: “Ngay sau khi nhận ra tầm quan trọng của chứng nhận này, Amazon đã đầu tư vài tháng để có được nó và tạo lập hẳn dịch vụ GovCloud cho chúng tôi.” Như vậy, Motorola đã có thể tung ra thị trường ứng dụng an ninh mới cho phép người dùng quay và lưu trữ các đoạn video quay từ camera an ninh trên AWS.
So sánh sự hỗ trợ từ Amazon với Microsoft, Wang nhận định “sự khác biệt là rất lớn”. Trong khi Amazon cho phép khách hàng tương tác sâu về mọi khía cạnh thì Microsoft lại không được như vậy. Amazon chăm chút cho khách hàng lớn này từ các cuộc họp cho đến những mối lo ngại lớn nhỏ khác của họ, thậm chí còn cho chuyên viên tư vấn theo sát đội ngũ làm sản phẩm của Motorola.
Khắc phục điểm yếu của Amazon
Dịch vụ cực tốt nhưng các công ty lựa chọn Amazon vẫn phải đối mặt với một vấn đề là sẽ khó theo kịp mức giá hơn.
Cũng giống như các nhà cung cấp dịch vụ cloud khác, Amazon thu phí dựa trên thời gian thực mà mỗi máy được sử dụng. Điều này sẽ giúp khách hàng tiết kiệm được tiền mua server, cho dù họ có sử dụng chúng hay không.
Thế nhưng nếu các công ty không giám sát kỹ thời lượng sử dụng trên AWS thì họ có thể phải đối mặt với những con số chi phí khổng lồ. Cụ thể là nếu không kiểm soát kỹ việc sử dụng các máy chỉ trong thời gian chạy ứng dụng thì khách hàng có thể phải trả mức phí cao hơn rất nhiều.
Wang chia sẻ: “Chính sách giá của AWS rất phức tạp, đây cũng là một điểm trừ của dịch vụ này.”
Motorola có hàng tá ứng dụng ngốn dung lượng có thể bị Amazon “chặt chém” chi phí ngay cả khi không sử dụng. Chính vì vậy mà Motorola đã thuê về một chuyên viên tư vấn về mảng cloud của 2nd Watch để hỗ trợ về việc chuyển các dữ liệu và ứng dụng lên AWS một cách mượt mà, hướng dẫn quy trình cho các nhân viên IT cũng như set up các hệ thống bên trong để giám sát việc sử dụng cloud.
Oracle cũng là kẻ phải lo sợ
Mặc dù không hoàn toàn loại bỏ Oracle mà vẫn coi họ như một đối tác nhưng Wang chia sẻ rằng “Trong nhiều trường hợp, nếu Motorola có thể sử dụng cơ sở dữ liệu của AWS thay cho Oracle thì chúng tôi sẽ làm vậy”.
Đây cũng chính là mối lo ngại lớn của Oracle khi Amazon ngày càng đưa ra nhiều tính năng và công cụ giúp các công ty dễ dàng chuyển dữ liệu từ Oracle sang AWS một cách dễ dàng.
Theo Trí Thức Trẻ