Chỉ 31% người Nhật Bản nghĩ rằng làm doanh nhân là một lựa chọn sự nghiệp tốt.
Wantedly được xem như LinkedIn của Nhật Bản và được giới trẻ nước này đặc biệt yêu thích. Nếu ghé thăm văn phòng của công ty, bạn sẽ thấy toàn bộ nội thất được sử dụng rất hiện đại, có cả bàn chơi ping-pong.
Akiko Naka - CEO 32 tuổi của công ty đang dẫn dắt đội ngũ nhân viên rất trẻ tuổi - những người không còn xuất hiện với vẻ ngoài là những bộ vest công sở đen trắng như nhiều nhân viên văn phòng khác tại Nhật Bản mà thay vào đó là quần jean và áo phông. Ngoài ra, các phòng họp trong công ty cũng đều được đặt theo tên những nhân vật nổi tiếng trong truyện manga.
Tuy nhiên, những công ty như kiểu Wantedly cực kỳ hiếm tại Nhật Bản. Kể từ giai đoạn hoàng kim những năm 1980, và bùng nổ dotcom cuối những năm 1990, Nhật Bản tỏ ra không hào hứng với sự xuất hiện của những công ty khởi nghiệp.
Chỉ 31% người Nhật Bản nghĩ rằng làm doanh nhân là một lựa chọn sự nghiệp tốt, đứng thứ 2 từ dưới lên, chỉ trên Puerto Rico trong một khảo sát được thực hiện vào năm 2014 của Global Entrepreneurship Monitor. Trong khi đó, tỷ lệ này tại một số cường quốc khác như Mỹ là 65%, Trung Quốc là 66% và Phần Lan là 79%.
Thủ tướng Shinzo Abe hiện đang cố gắng cải thiện tình hình, khuyến khích mọi người khởi nghiệp kinh doanh để giúp phục hồi nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp. Các công ty khởi nghiệp đương nhiên sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn và năng suất lao động cũng hiệu quả hơn - những điều Nhật Bản đang thực sự cần. (Năng suất lao động của người lao động Nhật Bản mỗi giờ chỉ đạt được bằng 65% so với người Mỹ).
Một trong những biện pháp được ông Abe đưa ra là làm quy trình mở một doanh nghiệp mới trở nên dễ và nhanh hơn đang tạo ra những thay đổi đáng kể. Các quỹ đầu tư mạo hiểm đã rót gần 92,8 tỷ yên (tương đương 900 triệu USD) trong quý đầu tiên của năm nay - tăng so với mức 76,5 tỷ yên so với cùng kỳ năm 2015.
Thị trường chứng khoán mạnh hơn cũng có nghĩa là các thương vụ IPO cũng trở nên phổ biến hơn. Một vài công ty tiềm năng đang phát triển, chủ yếu trong lĩnh vực khoa học cuộc sống và công nghệ sinh học. Spiber là một trong số đó, công ty này tạo ra loại vật liệu mới từ protein như sợi vải cao cấp.
Dẫu vậy, khởi nghiệp vẫn là điều gì đó rất xa lạ với nhiều người dân Nhật Bản. Nguyên do là vì đâu?
Đầu tiên, đó là nỗi ác cảm, không dám đương đầu với rủi ro. Hầu hết người Nhật cực kỳ sợ thất bại. Tamako Mitarai - người thành lập công ty bán đồ dệt kim được sản xuất bởi những người bị mất việc làm do chịu ảnh hưởng của trận động đất năm 2011 và cơn sóng thần Tohuku nói rằng cô muốn truyền cảm hứng cho những người đã mất đi kế sinh nhai do thảm hoạ thiên nhiên với hy vọng họ sẽ tiếp bước và thành lập công ty giống như mình. Tuy nhiên, 5 năm sau đó, không có nhiều người làm được như kỳ vọng của Mitarai.
“Lẽ ra thực tế không tồi tệ như vậy”, theo William Saito - một doanh nhân sau đó trở thành chuyên gia tư vấn cho chính phủ nói. Bản thân Saito khi thành lập công ty tại Mỹ đã được nhiều công ty Nhật Bản đầu tư vốn.
“Sợ thất bại, không dám chấp nhận rủi ro không phải là bản tính vốn ăn sâu vào máu người dân Nhật Bản. Tất cả là do chịu ảnh hưởng của cấu trúc xã hội”, theo phán đoán của anh Jiro Kokuryo đến từ Đại học Keio.
Vấn đề nan giải nhất có lẽ là thị trường lao động Nhật Bản quá cứng nhắc. Mặc dù hệ thống đang được nới lỏng nhưng nhiều công ty Nhật Bản vẫn đề cao và biểu dương những lao động cống hiến trọn đời. Những kiểu người làm công ăn lương nỗ lực làm việc chăm chỉ để từng bước được thăng chức tại công ty của họ vẫn là hình mẫu lý tưởng đối với nhiều sinh viên tốt nghiệp và những người không có khả năng nhảy việc. Điều này gây khó khăn cho các công ty khởi nghiệp để thu hút những lao động có trình độ tầm trung và họ buộc phải giống như Naka - tuyển dụng một đội ngũ nhân viên hoàn toàn trẻ tuổi và chưa có kinh nghiệm.
Còn theo Ryo Ishizuka đến từ startup Mercari thì việc sa thải một lao động tại Nhật Bản cũng rất khó khăn - và vì vậy gây khó dễ cho các công ty khởi nghiệp khi họ phát triển và tiến lên môt tầm cao mới.
Tất cả những điều đó này cũng lý giải được một phần nguyên nhân tại sao đa phần phụ nữ trẻ tại Nhật dẫn dắt các doanh nghiệp mới thành công chứ không phải nam giới. “Họ phải đối mặt với vấn đề tính lưu động trong môi trường làm việc vì vậy họ không có gì để mất khi khởi nghiệp một mình”, Saito chia sẻ.
Một vấn đề nữa là Nhật Bản cũng cần thoải mái hơn trong việc chấp nhận cho một số công ty đóng cửa. Chỉ 12% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nhật tồn tại được dưới 5 năm so với con số 33% tại Mỹ. Trong khi đó, những công ty lâu đời lại nhận được sự ủng hộ, đôi khi trợ giúp thái quá từ chính phủ và điều này ngăn cản việc các công ty khác khởi nghiệp.
Những công ty lâu đời cũng nhận được nhiều sự “nâng đỡ” hơn từ chính phủ so với các công ty khởi nghiệp như chính sách thuế cho nghiên cứu và phát triển. Trong khi đó, quá nhiều gánh nặng đổ lên đầu các cá nhân nếu công ty của họ phá sản. Hơn nữa, các ngân hàng - nguồn huy động tài chính chủ yếu cũng thường yêu cầu những khoản đảm bảo lớn đối với các dự án vay khởi nghiệp.
Chính phủ cũng nên loại bỏ hàng loạt các quy định hạn chế hoặc ngăn cấm nhiều loại hình startup phổ biến. Uber chỉ có thể hoạt động dòng xe hạng sang (không phải loại hình phổ biến nhất của họ) tại Nhật Bản. Dịch vụ “ở ké” Airbnb cũng chung số phận.
“Đây là một nỗi xấu hổ”, anh Ishizuka tới từ Mercari - một startup rất có tiềm năng tại Nhật Bản nói.
Trong bối cảnh chi phí mở các công ty bắt đầu giảm và đặc sản “nhân viên trọn đời” không còn chỗ đứng, đây là thời điểm tốt nhất để Nhật Bản giải quyết tất cả các vấn đề kể trên.
Thống kê của GEM cho thấy, dù về tổng thể người Nhật không mặn mà với việc thành lập doanh nghiệp nhưng có tới 19,5% số lượng người Nhật tin rằng họ có thể tạo dựng một công ty thành công, nhiều hơn con số tương tự của Mỹ là 17,4%. Nhật Bản thật sự có tiềm năng lớn nhưng các doanh nhân của họ cần phải phá vỡ những quan niệm xưa cũ và thay đổi.
Vân Đàm
Theo Trí Thức Trẻ/The Economist