Nếu chính sách thuế quan mới áp dụng đối với Trung Quốc của tổng thống đắc cử Donald Trump thành hiện thực, ngành xuất khẩu của của quốc gia này trở nên "khốn đốn" hơn bao giờ hết.
Nhiều nguồn tin cho biết tập đoàn Hon Hai Precision Industry Co. sẽ dời nhà máy lắp ráp điện thoại iPhone cho hãng Apple từ Đài Loan sang Mỹ. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra không mấy bất ngờ trước thông tin này nhưng đây lại là dấu hiệu xấu đầu tiên của công ty kể từ khi ông Trump đắc cử. Trước đó, vào tháng 7, Apple cũng đã kêu gọi mạnh mẽ Hon Hai chuyển nhà máy sang Mỹ trước sự lên án dữ dội của ứng cử viên đảng Cộng Hòa về việc công ty này thuê các nhà máy Trung Quốc sản xuất các linh kiện điện thoại, máy tính.
Việc ông Trump đắc cử tổng thống đã đe dọa sẽ có một hàng rào thuế quan mới cao hơn, trực tiếp giáng thẳng xuống hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ và tạo ra thế cân bằng mới.
Hàng "Made in China" đang dần bị loại khỏi sân chơi ở Mỹ
Hon Hai Precision Industry hay còn biết đến với cái tên Foxconn là một trong những hãng chế tạo linh kiện điện tử và máy tính lớn nhất thế giới. Là một trong những nhà cung cấp lớn nhất của Apple, tốc độ tăng trưởng của Hon Hai nhanh đến chóng mặt trong những năm gần đây. Năm 2011, doanh thu của công ty chiếm tới 6% tổng giá trị thương mại của Trung Quốc. Đầu năm nay, Hon Hai bất ngờ thâu tóm hãng điện tử Nhật Sharp với giá 3,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, chi phí lao động ngày càng tăng, cả Hon Hai và Apple đều muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và bắt đầu "lấn sân" vào các thị trường khác như Brazil, Ấn Độ.
Trước tin đồn Hon Hai sẽ chuyển nhà máy sang Mỹ, nhiều người cho rằng điều này sẽ không thể trở thành hiện thực do chi phí nhân công ở Mỹ cũng cao không kém so với Trung Quốc.
Ngay cả khi không có hàng rào thuế quan mới mà Mỹ sẽ áp dụng đối với Trung Quốc thì các mặt hàng "Made in China" cũng đang dần vắng bóng trên thị trường này. Nhóm phóng viên của tờ Nikkei đã thực hiện một thí nghiệm nhỏ khi mua bất kỳ 7 bộ quần áo thể thao đến từ các hãng khác nhau như Nike, Adidas...và xem chúng được sản xuất ở đâu. Kết quả bất ngờ cho thấy chỉ có duy nhất một sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, số còn lại được gia công tại các nước như Việt Nam, Indonesia, Ai Cập, Thái Lan...
Xuất khẩu giảm sút
Trước kia, hình ảnh hàng Trung Quốc tràn ngập trên toàn thế giới trở nên quá đỗi quen thuộc với nhiều người. Khoảng giữa năm 2000, kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 30% GDP của Trung Quốc, gấp đôi so với Nhật Bản. Tuy nhiên, kể từ đợt khủng hoảng tài chính năm 2008, kinh tế Trung Quốc bắt đầu chững lại, kéo theo đó xuất khẩu cũng giảm sút trầm trọng. Bắc Kinh sau đó đã thực hiện hàng loạt các chính sách nhằm kích thích hàng nội địa bằng việc tăng cường các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở do chính phủ trực tiếp điều hành. Kết quả là nhu cầu hàng nội địa dần trở thành động lực chính của nền kinh tế thay vì chỉ chông chờ vào xuất khẩu như trước kia.
Ngày nay, xuất khẩu của Trung Quốc không còn phát triển mạnh như trước trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi. Đồng nhân dân tệ có giá hơn cùng lúc đó tiền công lao động và các chi phí khác cũng dần được nâng cao nhờ chính sách kích cầu hàng nội địa. Xuất khẩu trong tháng 10 giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2015 và dự báo sẽ tiếp tục giảm.
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong những năm trở lại đây tụt xuống còn dưới 20% giá trị GDP của cả nước. Khi đồng nhân dân tệ tiếp tục giảm nhẹ như hiện nay, sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu của quốc gia này khó lòng có thể quay trở lại thời hoàng kim như trước.
Theo Đức Quỳnh
Người Đồng Hành