7-Eleven sắp tiến vào thị trường Việt Nam và đang trong quá trình tuyển dụng nhân sự. Chuỗi bán lẻ thành công nhất thế giới này sẽ đương đầu với rất nhiều thương hiệu cửa hàng tiện lợi khác đang có mặt trên thị trường.
Theo Tổng cục thống kê và Nielsen, thị trường bán lẻ thực phẩm tại Việt Nam có khoảng 800 đại siêu thị/siêu thị, 150 Trung tâm thương mại, 9.000 chợ truyền thống, 2.000 cửa hàng tiện ích/siêu thị mini và 1,3 triệu cửa hàng nhỏ lẻ của các hộ gia đình.
Nhờ sự tham gia của các nhà bán lẻ lớn đến từ nước ngoài và dân số trẻ của Việt Nam (60% dân số dưới 35 tuổi) mà mô hình bán lẻ hiện đại đạt tốc độ tăng trưởng cao. Trong đó, nếu xét về tốc độ phát triển, thì phân khúc cửa hàng tiện lợi/siêu thị mini đang là nhóm phát triển nhanh nhất.
7-Eleven sắp tiến vào thị trường Việt Nam và đang trong quá trình tuyển dụng nhân sự. Chuỗi bán lẻ thành công nhất thế giới này sẽ phải đương đầu với rất nhiều thương hiệu cửa hàng tiện lợi lớn với hệ thống lên đến hàng ngàn điểm bán đang có mặt trên thị trường.
7-Eleven được đánh giá là chuỗi cửa hàng tiện lợi thành công nhất trong lịch sử thế giới. Tuy nhiên, khi đặt chân vào thị trường Việt Nam muộn hơn hầu hết các thương hiệu khác, chắc chắn 7-Eleven sẽ phải rất vất vả để đấu lại những đối thủ sừng sỏ đã chiếm hết những vị trí đẹp, quen thuộc với các nhà phân phối địa phương và nắm rõ tâm lí khách hàng Việt.
Tờ Nikkei cho biết, 7-Eleven sẽ mở cửa hàng đầu tiện tại TPHCM và đặt mục tiêu mở 100 cửa hàng trong 3 năm và 1.000 cửa hàng trong vòng 10 năm tới. 3 năm tới, mục tiêu này nếu được thực hiện đúng kế hoạch, thì vẫn ít ỏi hơn nhiều so với hệ thống của những đối thủ hiện tại.
Điển hình là chuỗi Vinmart+ của Tập đoàn Vingroup. Đây là hệ thống tăng tốc vô cùng nhanh khi dẫn đầu về số lượng với 825 cửa hàng tính đến cuối tháng 6/2016, mặc dù chỉ là tân binh gia nhập thị trường từ năm 2015. Vinmart+ theo đuổi mô hình cửa hàng nhỏ, mọc lên khắp các ngóc ngách trên cả nước với tốc độ chóng mặt nhằm nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.
Theo sau Vinmart+, các đổi thủ khác trong phân khúc này cũng đang có tốc độ mở rộng đáng nể. Shop&Go sau 10 năm đầu tư đến nay đã có 210 cửa hàng, cũng với mô hình diện tích nhỏ nhưng phục vụ khách hàng 24/24h.
Cirlce K, chuỗi cửa hàng đến từ Mỹ có 178 cửa hàng, phục vụ 24/24 với phong cách trẻ trung, năng động, tập trung vào dịch vụ 4F gồm Fresh - Tươi ngon, Friendly - Thân thiện, Fast - Nhanh chóng và Full - Đầy đủ.
B's Mart, tiền thân là FamilyMart, hiện do Tập đoàn TCC của Thái Lan làm chủ và có 146 cửa hàng. B's Mart cũng hoạt động 24/24 và mang phong cách phục vụ của người Thái, với chủng loại sản phẩm vô cùng đa dạng.
Ministop của Aeon sau 5 năm hoạt động hiện có 58 cửa hàng. Tuy thất bại trong thương vụ hợp tác với G7 nhưng Ministop vẫn duy trì mục tiêu 800 cửa hàng trong vòng 10 năm sau khi bắt tay với đồng hương là Sojitz.
Chưa dừng lại ở những cái tên kể trên, thị trường sẽ đón nhận thêm những ông lớn khác, tiêu biểu như Bách Hoá Xanh của Thế Giới Di Động sẽ ồ ạt mở rộng trong năm sau.
Tại cuộc gặp nhà đầu tư vừa qua, ông Nguyễn Đức Tài, ông chủ chuỗi Bách Hoá Xanh cho biết, thị trường các sản phẩm tiện lợi có quy mô lớn gấp 10 lần so với thị trường điện thoại di động hay điện máy, bởi các sản phẩm điện thoại tuy có giá vài chục triệu đồng nhưng thường mất 2-2,5 năm để người dùng thay một chiếc điện thoại.
Trong khi đó, các sản phẩm trong cửa hàng tiện lợi có tốc độ sử dụng rất nhanh, và đem lại doanh thu rất lớn. Ông Tài cũng khẳng định, tương lai của công ty chính là Bách Hoá Xanh chứ không phải 2 chuỗi thegioididong.com hay dienmayxanh.com.
Nhìn vào tốc độ mở các cửa hàng thegioididong.com, có thể đoán trước được tốc độ mở rộng của Bách Hoá Xanh sẽ rất lớn. Hơn nữa, các cửa hàng Bách Hoá Xanh còn dễ mở hơn so với Thế Giới Di Động, bởi có diện tích nhỏ hơn, nên tìm kiếm mặt bằng dễ hơn.
Bánh ngon nhưng không dễ nuốt
Kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007, tổng mức bán lẻ hàng hoá có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 20%. Theo báo cáo của một công ty chứng khoán, năm 2015, giá trị thị trường bán lẻ đạt 2,5 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 100 tỷ USD.
Trong khu vực ASEAN, so với các nước có dân số đông như Indonesia và Thái Lan thì Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép nhanh nhất. Với dân số hơn 93 triệu người và nền kinh tế đang hội nhập nhờ các hiệp định thương mại tự do thì Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng trong khu vực.
Tuy nhiên, với sự xuất hiện của quá nhiều tên tuổi đình đám, thị trường bán lẻ không hề dễ dàng. Ông Nguyễn Đức Tài thừa nhận, mục tiêu của Bách Hoá Xanh trong giai đoạn mở rộng sắp tới không phải có lãi hay không, mà mới chỉ là tự trang trải được các chi phí. Trong khi đó, mảng bán lẻ của Tập đoàn Vingroup 2 năm qua đã lỗ hơn 3.500 tỷ đồng.
Minh Quân
Theo Trí Thức Trẻ