Trí thông minh nhân tạo và công nghệ tự động hóa sẽ giáng một đòn mạnh vào những ngành nghề phổ thông, làm mất cân bằng lao động và có nhiều khả năng gây ra biến động chính trị, Stephen Hawking đã cảnh báo.
Robot sẽ dần thay thế các công việc phổ thông của con người |
Trong một bài phỏng vấn với tờ The Guardian, nhà vậy lý học nổi tiếng toàn cầu đã nói rằng: “Kỹ thuật tự động hóa trong những nhà máy đã có ảnh hưởng không nhỏ tới những công việc trong ngành sản xuất truyền thống, và sự trỗi dậy của trí thông minh nhân tạo sẽ tiếp tục mở rộng sự thất nghiệp xuống tới tầng lớp các ngành nghề phổ thông, và chỉ những người chăm chỉ, sáng tạo hay những người có vai trò giám sát mới được giữ lại.”
Ông đã “góp giọng” vào làn sóng những chuyên gia lo lắng về việc sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng tới lực lượng lao động trong những năm sắp tới. Nỗi lo sợ này nổi lên khi mà trí thông minh nhân tạo sẽ mang tới hiệu suất cao hơn rất nhiều trong các ngành công nghiệp, đối với những người bình thường thì điều này đồng nghĩa với thất nghiệp và sự bất ổn định, bởi công việc của họ đã bị thay thế bởi máy móc.
Công nghệ đã “cướp” đi việc làm của con người trong lĩnh vực sản xuất truyền thống và các ngành nghề lao động nặng nhọc – tuy nhiên giờ đây nó còn đe dọa điều tương tự đối với những công việc phổ thông.
Một báo cáo được công bố vào tháng 2 năm 2016 bởi công ty Citibank hợp tác thực hiện cùng đại học Oxford dự đoán rằng 47% việc làm tại Mỹ đang có nguy cơ bị công nghệ tự động hóa thâu tóm. Ở Anh là 35%. Tại Trung Quốc, nó lên tới 77% - trong khi trung bình các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế sẽ bị máy móc chiếm đoạt 57% số lượng công việc.
3 trong số 10 công ty tuyển dụng lớn nhất thế giới giờ đây đã thay thế công nhân bằng robot.
Tự động hóa sẽ, “dần dần làm gia tăng sự bất bình đẳng kinh tế vốn đã rất cao trên thế giới,” Hawking viết. “Mạng Internet và các nền tảng khác truy cập được vào nó đã cho phép một nhóm nhỏ những cá nhân kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ trong khi chỉ cần thuê rất ít người. Điều này là không tránh khỏi, nó là một bước tiến, nhưng cũng đồng thời gây hại cho toàn xã hội.”
Ông nói rằng sự lo lắng về mặt kinh tế này chính là một trong những lý do khiến các nhà chính trị gia thuộc chủ nghĩa đại chúng nổi dậy ở phương Tây: “Chúng ta đang sống ở trong một thế giới, không những không thu hẹp lại, mà thậm chí còn đang nới rộng ra sự bất bình đẳng kinh tế. Đối với nhiều người, điều này đồng nghĩa với việc chất lượng cuộc sống bị suy giảm, hơn thế nữa là khả năng kiếm sống cũng gần như không còn sau khi bị máy móc “chiếm đoạt”. Đó chính là lý do mà họ tìm tới những giải pháp mới, như Donald Trump hay Brexit. Bởi họ đại diện, tượng trưng cho một sự ổn định ngành nghề và hứa hẹn rằng ai ai cũng sẽ có việc làm.”
Kết hợp với các nhân tố khác – gia tăng dân số, thay đổi khí hậu, bệnh dịch – chúng ta, Hawking nhận định, đang ở trong “thời kỳ nguy hiểm nhất trong lịch sự phát triển của loài người.” Con người phải đoàn kết với nhau để có thể vượt qua những thử thách, khó khăn này, ông nói.
Stephen Hawking trước đây đã bày tỏ sự lo lắng về trí thông minh nhân tạo với một lý do khác – rằng nó sẽ lật đổ và thay thế con người. “Sự phát triển mạnh mẹ của AI có thể chính là cái kết dành cho loài người,” ông nói vào năm 2014. “Nó sẽ tự chiếm quyền kiểm soát, tái thiết kế mình liên tục để cải tiến. Con người – bị giới hạn bởi tốc độ tiến hóa chậm chạp, sẽ không thể cạnh tranh được với chúng, và sẽ bị thay thế.”
Theo Digital Trends
Trí Thức Trẻ