Doanh nghiệp FDI chiếm 70% thị phần bán lẻ cửa hàng tiện lợi

Các doanh nghiệp nước ngoài chiếm 70% thị phần ở các kênh bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi và một nửa thị phần qua hình thức bán hàng trực tuyến.
Thị trường bán lẻ cửa hàng tiện lợi
Theo báo cáo về tình hình thương mại trong nước của Bộ Công Thương, năm 2016, các doanh nghiệp FDI chiếm 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi; khoảng 17% thị phần qua trung tâm thương mại, siêu thị; 15% thị phần qua siêu thị mini và khoảng 50% thị phần qua các hình thức bán hàng trực tuyến, truyền hình, điện thoại…

"Gia tăng cạnh tranh đối với doanh nghiệp trong nước do sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhâp khẩu từ các nước nhờ giá thành rẻ hơn, chất lượng, mẫu mã đa dạng, cũng như sự gia tăng của các nhà cung cấp nước ngoài", báo cáo nêu rõ.
Thị phần bán lẻ qua trung tâm thương mại, siêu thị và siêu thị mini của các doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 15-17%, doanh nghiệp nội vẫn còn dư địa để phát triển. Tuy nhiên, áp lực đè lên vai doanh nghiệp trong nước khá rõ ràng khi hàng loạt siêu thị lớn vào tay đại gia Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc sau những thương vụ mua bán sáp nhập (M&A).

Cụ thể, trong năm 2015, Việt Nam có 525 thương vụ M&A, có giá trị trên 4,3 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2014. Trong năm 2016 có khoảng gần 600 thương vụ với trị giá gần 6 tỷ USD.

Năm qua, có thể kể đến các thương vụ đình đám như Tập đoàn TCC của Thái Lan mua lại Metro Cash&Carry với 19 trung tâm trên cả nước và các bất động sản liên quan trị giá 655 triệu euro (tương đương 848 triệu USD). Ước tính Metro Cash & Carry chiếm khoảng 22% thị phần bán lẻ của Việt Nam.

Tập đoàn Central Group chi 1,05 tỷ USD mua lại hệ thống Big C gồm 33 siêu thị, trung tâm thương mại. Trước đó, năm 2015, Central Group cũng đã chi hơn 100 triệu USD thâu tóm nhà bán lẻ số một trên thị trường điện máy, là Nguyễn Kim.

Gần đây nhất, tập đoàn này đã chi 10 triệu USD mua lại mảng kinh doanh tại Thái Lan và Việt Nam của Zalora.

Hai nhà đầu tư liên quan của Tập đoàn đồ uống Singapore F&N thuộc sở hữu tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi mới đây cũng đã mua thành công 78.378.300 cổ phần, tương ứng 5,4% vốn điều lệ Vinamilk (VNM), giá 144.000 đồng/cổ phần, trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vinamilk.

Ngoài ra, các tập đoàn lớn như Lotte, Aeon… cũng đều có dự định mở rộng thị phần tại Việt Nam bằng cách tăng thêm trung tâm thương mại hay khu mua sắm.

"Nhiều chuyên gia nói mất thị trường bán lẻ ở kênh hiện đại, kênh truyền thống vẫn còn. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan. Bức tranh thị trường bán lẻ Việt Nam hiện không sáng sủa lắm", Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú trao đổi với Zing.vn.

Chính vì vậy, theo ông Phú, các doanh nghiệp sản xuất lẫn phân phối cần phải liên kết chặt chẽ lại với nhau để tăng tốc đầu tư, tận dụng được thế mạnh của mình, từ đó tạo được vị thế trên thị trường.

"Cái khó nhất cần vượt qua là sự kết nối giữa đơn vị sản xuất và nhà phân phối, đó là còn chưa kể phải vượt qua hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường", vị này khẳng định.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm qua ước đạt 3,53 triệu tỷ đồng, tăng 10,2% so với 2015. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2016 ước đạt 2,67 triệu tỷ đồng, chiếm 75,9% tổng mức tăng. Mức tăng cao nằm ở nhóm lương thực, thực phẩm (13,6%) và nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (tăng 11,4%).

Doanh số thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam ước đạt 5 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi từ 2,2 tỷ USD năm 2013 và chiếm trên 3% tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Theo Kiều Linh
Zing
0 Nhận xét