Startup đang trở thành xu hướng và làn sóng này cuốn nhiều bạn trẻ vào con đường khởi nghiệp. Tuy nhiên, có những ảo tưởng, ngộ nhận ở các bạn trẻ đã khiến họ vấp ngã nhanh, khiến doanh nghiệp không thể hoạt động dù có ý tưởng rất tốt.
Áo tưởng 1: Lợi thế địa phương
Lâu lâu gặp sản phẩm A hỏi, sản phẩm bạn có gì nổi bật hơn so với các sản phẩm quốc tế B hay C đã tồn tại, thế nào cũng nhận được câu trả lời chung như là: Sản phẩm A địa phương hoá hơn, phù hợp với người Việt hơn.
Điều này không hề đúng. Hãy thử nhìn vào Lazada, tuy là sản phẩm quốc tế nhưng lại am hiểu người địa phương hơn cả người địa phương. Vì sao vậy? Vì có tiền thì săn được người tài, có tiền thì tìm được chuyên gia địa phương về làm việc.
Từ lâu yếu tố địa phương, hiểu rõ thị trường trong nước đã không còn là lợi thế của startup ICT bởi vì Internet là thế giới phẳng, là mở những cánh cửa hội nhập quốc tế. Google còn đọc được tiếng Việt, Facebook chạy Ads trúng tâm lý người Việt ầm ầm, vậy có nên từ giã ảo tưởng này để nhìn nhận cuộc chơi khốc liệt này một cách thẳng thắn hơn?
Ảo tưởng 2: Nhà đầu tư đầu tư vào con người
Đúng vậy, nhưng nhà đầu tư chưa nói hết vế sau với bạn: Nhà đầu tư đầu tư vào con người khi con người đó là siêu nhân hạ phàm, có khả năng làm những chuyện mà những người khác khó bì được.
Ví dụ như người sáng lập startup đó là một Giám đốc công nghệ đang được hàng chục công ty công nghệ to đùng khác săn đón, thì đó là yếu tố mà nhà đầu tư nhìn vào. Hoặc như khi bạn là một người sáng lập hiểu rõ cuộc chơi, có kiến thức về ngành bạn đang làm hơn hẳn cả nhà đầu tư lẫn những đối thủ khác trong ngành, thì đó là yếu tố con người mà nhà đầu tư tìm kiếm.
Đừng nghĩ rằng bạn mang đến cho nhà đầu tư một ý tưởng trên trời với một kế hoạch kinh doanh bất khả thi cùng một đội ngũ làng nhàng không làm việc hết sức mình rồi nguyện cầu tìm được đối tác đầu tư đúng nghĩa.
Ảo tưởng 3: Thị trường Việt Nam lớn phải biết
Lại một lần nữa nhà đầu tư và báo chí truyền thông lẫn nhiều chuyên gia đã không nói hết câu nhận định này cho bạn tỏ tường. Thị trường Việt Nam lớn thật, hơn 90 triệu dân thì không phải con số nhỏ, nhưng đó là khi chúng ta nhìn thị trường này ở góc độ tiêu thụ thực phẩm, mua sắm quần áo, chi tiêu hàng ngày.
Đối với các sản phẩm Internet, thị trường Việt Nam cũng là lớn với lượng người dùng miễn phí không bì kịp, nhưng số lượng người dùng trả phí chỉ tăng theo một con số % ít ỏi và khá chậm. Có nhiều nguyên dân khách quan lẫn chủ quan, nhưng cần chạm đất để hiểu rằng chữ "lớn" này được đo lường như thế nào, có đúng với mục tiêu khách hàng mà sản phẩm của bạn đang hướng tới hay không?
Ví dụ như không thể phủ nhận lượng người đọc báo điện tử rất lớn, rất nhiều, có thể xem thống kê ở những trang có xếp hạng về lượng truy cập thì sẽ thấy được. Nhưng tại sao các nền tảng ebook hoặc thu phí đọc tin chưa phát triển được? Vẫn chỉ là lượng người xem trả tiền ít ỏi ở đâu đó. Vậy thì trong trường hợp này, "lớn" nằm ở số lượng chứ không phải chất lượng. Bớt ảo tưởng một chút, bạn sẽ tìm thấy hướng ra cho mô hình kinh doanh của mình.
Ảo tưởng 4: Chắc chắn mình sẽ làm tốt hơn đối thủ
Việc nghiên cứu quá sâu hay quá quan tâm về đối thủ cũng không mấy hay ho gì, vì:
1. Vừa mất thời gian phải dõi theo đường đi nước bước của đối thủ
2. Mất tập trung vào cốt lõi của mình. Nhưng không hiểu sao có nhiều bạn lấy luận điểm này ra để trình bày, thuyết phục đối tác và nhà đầu tư như một niềm tự hào không thể tả.
Thực tế, chỉ cần bạn làm hài lòng khách hàng của bạn mỗi ngày nhiều hơn ngày hôm trước 10% đã là tốt lắm rồi, còn chuyện có tốt hơn đối thủ gấp 100 lần cũng không có ý nghĩa gì đâu.
Ảo tưởng 5: Mới ra mắt cần miễn phí để thu hút người dùng, về sau người dùng nghiện rồi thì sẽ thu phí
Đây là một quan niệm đã quá cũ, khi các website có nguồn doanh thu chính là từ quảng cáo, thành ra mọi thứ đều là miễn phí rồi từ từ mới tạo ra được doanh thu từ chính người dùng miễn phí. Trên thực tế nhiều lúc nhìn nhiều sản phẩm mới ra mắt đã giành giật khách hàng bằng chiêu trò miễn phí hay giảm giá sâu mà mình rất đau lòng, bởi vì cuộc chiến miễn phí hay trợ giá là một cuộc chiến dài hơi của những người có tiền với những người rất nhiều tiền.
Đừng cạnh tranh nhau bằng giá rẻ nữa, cũng đừng nghĩ rằng mọi thứ miễn phí đều là tốt. Bạn cũng cần cân nhắc rằng bạn miễn phí cho người dùng được bao lâu, chịu nhiệt về tài chính được tới bao giờ và cần có kế hoạch thu tiền rõ ràng.
Nếu không, bạn nên tập cho người dùng thói quen mọi thứ phải trả tiền ngay từ đầu, đừng sợ không có người dùng hay khách hàng, nếu bạn chưa có người dùng hay khách hàng trả phí thì việc đầu tiên là cần xem lại sản phẩm hay dịch vụ của bạn có đủ tốt chưa, có đáp ứng nhu cầu của người dùng không.
Để ý các bạn làm game đi, cho chơi miễn phí đó nhưng cũng có cách kiếm tiền ngay từ đầu (nạp tiền mua vật phẩm), chứ không phải đợi tới khi người ta nghiện rồi mới tìm cách moi tiền người dùng.
Lê Huỳnh Kim Ngân
Theo Trí Thức Trẻ