“Tôi khuyến khích những người trẻ tận dụng cơ hội, theo đuổi đam mê nhưng phải biết giữ im lặng. Các bạn đã quyết tâm khởi nghiệp rồi thì đừng có than thở rằng: Ngoài kia có hàng nghìn start-up cũng đang làm xe đạp tự lái, làm sao doanh nghiệp của tôi có thể thành công được?”
Nhà đồng sáng lập Google Sergey Brin |
Khi còn là một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Stanford, nhà đồng sáng lập Google Sergey Brin không bao giờ tưởng tượng được rằng “đứa con” của mình có thể trở nên nổi tiếng và thành công như ngày nay.
Không những thế, anh càng không thể tưởng tượng được rằng có một ngày mình được xuất hiện trên khán đài của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) và được vị chủ tịch WEF Klaus Schwab chia sẻ rằng Alphabet (công ty mẹ của Google) là một trong bốn “gã khổng lồ” của kinh tế thế giới hiện nay.
Mặc dù Alphabet đã nổi tiếng trên khắp toàn cầu nhưng Brin khiêm tốn nói rằng thành công của anh có sự đóng góp rất nhiều của may mắn. Anh đã đến Thung lũng Silicon – cái nôi của những cuộc cách mạng công nghệ tầm cỡ thế giới và nền văn hóa kinh doanh – chia sẻ với cộng đồng luôn được đặt ưu tiên hàng đầu.
“Nếu các bạn muốn biết về những điều ngu xuẩn mà tôi đã từng làm, có lẽ chúng ta sẽ phải có một cuộc hội thảo dài hơn. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, tất cả những thành công đều xuất phát từ cơ hội”, nhà sáng lập Google chia sẻ tại WEF.
Đây cũng chính là quan điểm định hình nên triết lý kinh doanh và lý tưởng xã hội của Brin. Và không có gì ngạc nhiên khi anh bắt đầu Google bằng khả năng dự báo những xu hướng tiếp theo của thị trường công nghệ.
“Các bạn có thể nghi ngờ câu trả lời của tôi, điều này hoàn toàn bình thường”, Brin nói với các khán giả bên dưới và chia sẻ một giai thoại.
Nhiều năm trước, anh đã đánh giá thấp, thậm chí chỉ trích gay gắt việc nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo (AI) của Google. Anh tin rằng khái niệm về “mạng lưới thần kinh” đã được chứng minh là thứ không thể xâm phạm từ những năm 1990. Tuy nhiên, đến nay, bộ phận nghiên cứu về AI của Google mang tên Google Brain lại trở thành tiên phong trong các dự án của công ty này.
Là một ông chủ, Brin luôn khuyến khích thử nghiệm và sáng kiến, giống như cách mà một trong những giáo sư của anh đã làm khi anh quyết định rời đại học Stanford để thành lập Google.
Tuy nhiên, anh vẫn lưu ý với những người trẻ khởi nghiệp rằng tương lai là thứ không thể dự đoán được. Do đó, bạn phải luôn thận trọng khi đưa ra dự đoán và quyết định.
“Cuộc cách mạng công nghệ tự bản thân nó đã rất phức tạp. Chúng ta cần phải thiết lập hệ thống các giá trị và mục tiêu cốt lõi để dẫn đường. Bên cạnh đó, chúng ta phải đổi mới không ngừng và tạo nên những cuộc cách mạng công nghệ vĩ đại tiếp theo”, nhà sáng lập Google nhấn mạnh.
Brin cho rằng giá trị cốt lõi và sứ mệnh vẫn có thể thay đổi khi yêu cầu của công việc và môi trường kinh doanh thay đổi. Tiến trình tự động hóa sẽ đòi hỏi con người phải dành nhiều thời gian hơn để suy nghĩ, phản ứng và theo đuổi mục tiêu. Và đến khi tự động hóa bùng nổ, con người sẽ tiếp tục phải trau dồi học hỏi, nâng cao kỹ năng thay vì chỉ đi đáp ứng nhu cầu tối thiểu của nền kinh tế.
“Tôi đồ rằng hầu hết chúng ta đều kỳ vọng sự phát triển của khoa học công nghệ sẽ giúp bạn nhàn hơn và nhiều nhiệm vụ có thể giao cho máy móc xử lý. Nhưng điều này đồng nghĩa với việc con người sẽ phải dành nhiều thời gian hơn để sáng tạo và tìm ra cái mới”, nhà sáng lập 43 tuổi nói.
Theo anh, sự phát triển như vũ bão của công nghệ ngày nay có thể mang đến cho người trẻ những cơ hội không ngờ giúp họ theo đuổi đam mê. Nhưng những cơ hội này đôi khi chỉ xuất hiện một lần duy nhất và nó cũng chính là thử thách lớn nhất.
“Tôi khuyến khích những người trẻ tận dụng cơ hội, theo đuổi đam mê nhưng phải biết giữ im lặng. Các bạn đã quyết tâm khởi nghiệp rồi thì đừng có than thở rằng: Ngoài kia có hàng nghìn start-up cũng đang làm xe đạp tự lái, làm sao doanh nghiệp của tôi có thể thành công được?”
Cuối cùng, Brin nhấn mạnh đến trách nhiệm xã hội của mỗi doanh nghiệp. Một công ty không thể đặt mục đích kiếm tiền lên trên trách nhiệm và những việc làm ý nghĩa đối với cộng đồng. Anh tin rằng, mặc dù tự động hóa phát triển nhưng mỗi người vẫn cần phải theo đuổi đam mê và sự nghiệp cho riêng mình.
“Bạn không thể mãi ở trong “ao làng” và suy nghĩ hạn hẹp rằng: Doanh nghiệp này là của tôi, vì thế tôi muốn làm gì để tối đa hóa lợi nhuận cũng là việc của tôi và nó không ảnh hưởng gì đến những người xung quanh cả. Trên thực tế, bạn phải tuân thủ các quy định của môi trường kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận trên cơ sở đảm bảo lợi ích cộng đồng. Có như vậy doanh nghiệp của bạn mới phát triển và đứng vững được trên thương trường”, Brin khẳng định.
Khánh Ly
Theo Trí Thức Trẻ