Tại buổi họp báo công bố sự kiện Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam, các vị chuyên gia đã chia sẻ quan điểm của mình xung quanh chuyện Tiki lỗ gần 160 tỷ và đốt 3/4 số tiền của nhà đầu tư VNG.
Tại buổi họp báo công bố sự kiện Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam năm 2017 diễn ra vào sáng nay 16/2, khi câu hỏi về việc việc Tiki đã lỗ gần 160 tỷ đồng và tiêu tốn khoảng hơn 250 tỷ đồng của nhà đầu tư VNG, cùng với quan ngại về vấn đề “đốt tiền” được đưa ra. Các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến bênh vực Tiki và cho rằng trong ngành thương mại điện tử, việc “đốt tiền” là hết sức bình thường.
Sự kiện này được tổ chức bởi Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM).
Nếu muốn trở thành công ty thương mại điện tử số 1 Việt Nam, chắc chắn sẽ phải chấp nhận đốt tiền liên tục trong nhiều năm
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM. Minh họa cho câu trả lời của mình, vị này đã đưa ra ví dụ về thị trường du lịch Việt Nam.
Theo ông Hưng, một điều có thể thấy rõ hiện nay là thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam hiện đang tăng trưởng rất tốt. Số khách du lịch nước ngoài năm 2016 vào Việt Nam là 10 triệu lượt, bao gồm một phần không nhỏ là những khách du lịch lẻ, du lịch trực tuyến.
Đây là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, thực tế là nhiều công ty du lịch trực tuyến đều đã phải phá sản. Ông đưa ra kết luận, trong chuyện đầu tư, không phải nhà đầu tư nào cũng có thể thành công mặc dù thị trường ngành đó đang lên cao.
Điều thứ hai, ông Hưng nhấn mạnh đến tính dài hạn của những khoản đầu tư. Có những thương vụ đầu tư mà chỉ đầu tư 1 tháng đã hoàn vốn. Tuy nhiên, cũng có những thương vụ mà nhà đầu tư biết trước rằng có thể lỗ nhưng vẫn đầu tư trong 5 năm.
Ông nói tiếp: “Tôi nghĩ rằng đầu tư vào thương mại điện tử thì cơ hội hoàn vốn không cao. Nếu muốn trở thành công ty thương mại điện tư số một Việt Nam thì chắc là sẽ phải chấp nhận rút vốn liên tục liên tục trong nhiều năm”.,
"Thị trường 4 tỷ USD, đốt hàng trăm tỷ là chuyện rất bình thường"
CEO Trần Trọng Tuyến Bizweb đưa ra các quan điểm rằng việc đổ tiền tấn vào kinh doanh là bình thường, miễn là công ty đó có những cải thiện trong tình hình kinh doanh.
Theo đó, ông Tuyến nói: “Khi ở ngoài nhìn vào có thể thấy tiêu hết 160 tỷ với một công ty khởi nghiệp là một con số rất là lớn”. Tuy nhiên, với tư cách là người cũng từng nhận đầu tư, và cũng đang "đốt tiền" của nhà đầu tư (theo như giới thiệu của ông Hưng), anh tiết lộ: “Khi nhà đầu tư chấp thuận đầu tư vào một công ty khởi nghiệp, hai bên sẽ thống nhất với nhau “lộ trình đốt tiền”. Cụ thể, bạn sẽ được biết rằng bạn sẽ được đốt bao nhiêu tiền trong thời gian bao lâu. Đổi lại, công ty phải cho thấy sự tăng trưởng trong KPI (các chỉ số) phát triển của mình”.
“Có những khi công ty được 'đốt' rất nhiều tiền mà nhà đầu tư sẽ không ý kiến gì” – vị CEO lặp lại.
Cuối cùng, anh nói: “Với thị trường trị giá 4 tỷ USD thì một công ty có tốc độ tăng trưởng tốt tiêu 160 tỷ đồng thì vẫn là con số nhỏ. Nếu nhìn vào doanh thu tới mấy nghìn tỷ của công ty đó rõ ràng là không có vấn đề gì”.
Xin được nhắc lại một chút về câu chuyện của Tiki.
Theo báo cáo tài chính của VNG, tổng số tiền mà VNG chi cho Tiki là 384,4 tỷ đồng. Mức giá mà VNG đã mua tương ứng với việc định giá Tiki lên đến hơn 1.000 tỷ đồng (45 triệu USD) – đưa Tiki trở thành một trong những startup đắt giá nhất hiện nay.
Số liệu từ báo cáo của VNG cũng cho thấy, tổng cộng trong vòng 11 tháng sau khi được VNG rót vốn, Tiki đã lỗ gần 255 tỷ đồng, tức “tiêu” hết gần 3/4 số tiền mà VNG đầu tư.
Với việc sở hữu 38% Tiki thì VNG cũng đã ghi nhận khoản lỗ xấp xỉ 97 tỷ đồng trên báo cáo tài chính hợp nhất.
Trong cuộc trao đổi gần đây với chúng tôi, CEO Tiki.vn Trần Ngọc Thái Sơn cho rằng, dù Tiki đang lỗ, nhưng TMĐT vẫn là một thị trường "xứng đáng để đầu tư". Theo Google & Temasek từ 2015-2025, TMĐT Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng 33-35% hàng năm, nghĩa là gấp 3 lần mức tăng trưởng của ngành bán lẻ truyền thống.
"Trong 6 năm qua, chưa có năm nào Tiki tăng trưởng dưới mức 3 chữ số, luôn 130-190% so với tăng trưởng toàn ngành 20-33%/năm", ông Sơn cho biết.
Mặc dù trả lời lạc quan, Tiki.vn cũng phải thừa nhận một thực tế rằng các doanh nghiệp TMĐT tại Việt Nam đều đang gặp rất nhiều khó khăn. Quy mô thị trường lớn nhưng chưa phát triển đầy đủ buộc các DN phải chi rất nhiều tiền để người dùng làm quen và xây dựng hệ thống, dẫn tới thua lỗ nặng hoặc đóng cửa.
Các DN lớn trong ngành, như Adayroi hay Lazada cũng vẫn chưa tìm thấy lối đi giải quyết bài toán khó khăn này. Sắp tới đây, sự gia nhập của các ông lớn khác như Thế Giới Di Động (Vuivui), FPT hay Aeon sẽ khiến cuộc chơi thêm phần khó khăn. Các nhà đầu tư chắc chắn sẽ phải suy xét cẩn thận trước khi đặt bút ký đầu tư cho một DN TMĐT cả nghìn tỉ như vậy.
Vượng Lê
Theo Trí Thức Trẻ