Thuận Thảo là minh chứng điển hình về một “đại gia” sử dụng nợ ngắn hạn để đầu tư dài hạn, hơn nữa là đầu tư bất động sản vào đúng giai đoạn khó khăn nhất.
Thuận Thảo Phú Yên đầu tư đa ngành nghề. |
Năm 1997, sau hơn một chục năm làm Tổng đại lý chuyên phân phối hàng hóa cho 20 công ty trong nước và công ty liên doanh với nước ngoài tại tỉnh Phú Yên, doanh nghiệp tư nhân mang tên Vận tải và Thương mại Thuận Thảo đã được thành lập nên bởi 2 vợ chồng ông bà Võ Văn Thuận và Võ Thị Thanh (Thảo). Công ty phát triển nhanh chóng, trở thành biểu tượng của tỉnh này khi tiên phong tạo nên nhiều cái “đầu tiên”: Siêu thị tư nhân đầu tiên tại Phú Yên, bến xe khách tư nhân đầu tiên của Việt Nam…
Thế nhưng mới đây, Thuận Thảo đã bị Cục Thuế tỉnh Phú Yên ra quyết định cưỡng chế về thuế do nợ thuế quá hạn hơn 100 tỷ đồng, tổng cộng số nợ thuế của “đại gia” là 236 tỷ đồng.
Doanh nghiệp đầu tàu sa vào khủng hoảng
Cho đến trước năm 2010, Thuận Thảo vẫn thể hiện tham vọng tăng trưởng nhanh như vũ bão thông qua việc xây dựng hàng loạt dự án bất động sản như Resort&Spa Golden Beach, khu vui chơi giải trí Thuận Thảo Land, Khách sạn 5 sao Cendeluxe, nhà hát Sao Mai… Khi Tuy Hòa còn là hòn ngọc thô chưa có nhiều đại gia bất động sản đến khai phá, giữa những ngôi nhà thấp tầng và kém khang trang thì Khách sạn 5 sao Cendeluxe của Thuận Thảo được coi là tòa nhà biểu tượng của tỉnh.
Thế nhưng sau khi chọn đúng giai đoạn khủng hoảng kinh tế để đầu tư mở rộng thì từ sau năm 2011, Thuận Thảo sa vào khó khăn không lối thoát.
Năm 2013, Thuận Thảo bất ngờ sụt giảm rất mạnh cả doanh thu lợi nhuận và may mắn thoát lỗ nhờ Chủ tịch hào phóng xóa nợ hàng chục tỷ đồng. Nhưng năm 2014 đến nay, công ty triền miên trong thua lỗ. Tính đến 31/12/2016, lỗ lũy kế là 870 tỷ đồng, Thuận Thảo âm vốn chủ sở hữu tới 423 tỷ đồng. Tất nhiên, nợ phải trả lớn hơn cả tổng tài sản.
Nếu nhìn vào giai đoạn mở rộng của doanh nghiệp này, không khó để thấy rằng nguyên nhân chính dẫn đến những khoản lỗ khổng lồ kia là do doanh thu không đủ đề bù đắp chi phí lãi vay, chi phí khấu hao do đầu tư dàn trải. Công ty luôn ở trong tình trạng tiền làm ra chỉ dùng để trả nợ, mà cũng không đủ. Cùng với việc không có tiền để tu bổ các dự án thì các khu vui chơi, khách sạn và resort của Thuận Thảo càng xuống cấp và kéo theo sự sụt giảm doanh thu.
Không những thế, ở Thuận Thảo còn mập mờ khoản cho vay đối với CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn – một công ty do bà Võ Thị Thanh làm chủ tịch, hoạt động chính là phát triển dự án bất động sản tại huyện Bình Chánh (TP.HCM).
Cùng với kết quả kinh doanh bê bết, toàn bộ 43,5 triệu cổ phiếu GTT của Thuận Thảo đã bị hủy niêm yết trên HoSE từ 30/5/2016 để xuống giao dịch trên UPCoM, đến nay giá chỉ còn 300 đồng.
Bài học từ việc vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn
Thuận Thảo là minh chứng điển hình về một “đại gia” sử dụng nợ ngắn hạn để đầu tư dài hạn, hơn nữa là đầu tư bất động sản vào đúng giai đoạn khó khăn nhất, khi nền kinh tế đang èo uột và lãi suất cho vay thì cao ngất ngưởng. Ví dụ khác cho sự sa chân của những “ông vua” khi quản trị tài chính theo cách này chính là Gỗ Trường Thành (TTF), Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Quốc Cường Gia Lai (QCG) hay nhiều doanh nghiệp bất động sản khác. May mắn hơn, số phận của TTF và HAG chưa thảm khốc như GTT.
Một điểm chung khác đó là việc cho vay, đi vay lòng vòng giữa công ty và những người trong Ban quản trị và công ty thành viên. Nếu như các con số kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào việc bà Chủ tịch xóa nợ hay khoản cho vay đối với một công ty cũng do bà làm Chủ tịch thì đó là một dấu hiệu thực sự không minh bạch.
Thuận Thảo cũng như nhiều doanh nghiệp tư nhân đi lên từ một hộ gia đình kinh doanh, khi đã phát triển thành một doanh nghiệp lớn, họ vẫn giữ mô hình quản trị gia đình với thành viên trong Ban lãnh đạo là người trong nhà. Trong khi đó, với quy mô phát triển lớn hơn xưa rất nhiều thì doanh nghiệp cần thuê những bộ óc chuyên nghiệp về quản trị để điều hành công ty.
Theo Mai Linh
Trí Thức Trẻ