Công nghệ đang loại bỏ dần nhiều nghề nghiệp từng có nhu cầu cao trước đây, nhưng ngay cả những người đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ cũng không hoàn toàn yên ổn được trước làn sóng tự động hóa và tinh giản bộ máy vận hành.
Nỗi lo sa thải đang nhanh chóng phủ bóng lên ngành IT tại nhiều quốc gia. Các công ty nhân sự lớn ước tính rằng khoảng 600 ngàn việc làm IT sẽ biến mất trong vòng 3 năm tới. Ấn Độ, cái nôi của xu hướng “xuất khẩu” kỹ sư đã và đang cảm nhận được xu hướng này.
Vậy thì chính xác những công việc như thế nào có nguy cơ cao nhất bị loại bỏ? Thống kê từ các công ty nhân sự dưới đây có thể cho bạn biết thêm chi tiết.
Hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ khách hàng
Đối tượng có nguy cơ bị đào thải cao nhất là các chuyên viên hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ khách hàng. Những công việc giải quyết sự cố qua chat trước nay vẫn được người thật thực hiện. Tuy nhiên, chat bot sẽ sớm thay thế được con người trong khâu này.
Testing
Các công ty IT thường có một đội viết code, thiết kế sản phẩm riêng và một đội khác chuyên review, test thử chúng. Nếu như trước đây, họ phải dùng người thật ngồi thử nghiệm sản phẩm thì nay, hàng loạt công cụ test tự động có thể thay thế hoàn toàn nhóm này. Công việc tester sẽ sớm không còn là “bến đậu” an toàn nữa.
Lập trình cơ bản
Theo thời gian, quy trình thiết kế sản phẩm cũng sẽ thay đổi và các kỹ sư không còn phải ngồi code đơn thuần như trước đây nữa. Nhiều đoạn code cơ bản đã nay đã có sẵn trong public domain để lập trình viên dựa trên đó build thêm. Những công việc từng khiến con người ta mất 8 tiếng để hoàn thành nay có thể được thực hiện chỉ trong 2 giờ nhờ sự xuất hiện của những chương trình tiêu chuẩn này.
Aditya Narayan Mishra, CEO công ty nhân sự CIEL tại Ấn Độ cho biết: “Cũng như việc chúng ta đóng đồ nội thất từ A đến Z vậy. Các lập trình viên hồi trước vẫn làm thế. Nhưng nay, khi mà các bộ phận đóng sẵn đã xuất hiện ngập tràn thì người ta chỉ việc “khuân về” ghép vào thôi. Các nhà phát triển giờ đây chỉ việc lấy những bộ phận này từ public domain hay thư viện công ty và ráp chúng lại với nhau.”
Xa hơn nữa, các tác vụ sẽ ngày càng được tổ chức hợp lý hơn để mỗi nhân viên có thể xử lý được nhiều phần việc hơn. Chẳng hạn như trước đây, các lập trình viên thường phải sử dụng nhiều nền tảng khác nhau để viết các ngôn ngữ khác nhau Java hay C++. Giờ đây chúng ta đã có phát triển full-stack, đồng nghĩa với việc các nền tảng có thể được đồng bộ vào nhau. Chính vì vậy mà những full-stack developer có thể thực hiện nhiều khâu lập trình khác nhau.
Bảo trì
Hầu hết các công ty công nghệ đều có những nhóm chăm lo việc bảo trì sản phẩm. Những chuyên viên làm việc 24/7 này sẽ sớm không còn nhiều việc để làm ngoài debug và phân loại lỗi.
Không giống như những nhân viên trông coi toàn bộ hạ tầng công ty hay system admin, những chuyên viên bảo trì thường chỉ chăm lo phần mềm khách hàng sử dụng. Những người này cũng thường có nền tảng lập trình nhưng nhu cầu phân loại các vấn đề trong sản phẩm nay cũng sẽ không còn cao nữa.
Quản lý dự án
Những công việc thu nhập cao nhưng không đụng chạm trực tiếp tới công nghệ cũng đang đứng trước nguy cơ đào thải lớn. Các công ty IT thường tuyển các chuyên gia cai quản việc điều hành cấp trung và các phần việc hành chính. Tuy nhiên, những chuyên gia cũng không thực sự phải tiếp xúc nhiều với công nghệ. Khi mà các công ty chuyên nghiệp hóa dần khâu vận hành, những người này sẽ sớm phải ra đi.
Các nhân viên cấp cao hơn cũng không hoàn toàn đảm bảo được vị trí của mình. “Những công việc cấp cao mang tính chiến lược như CIO hay CTO sẽ không biến mất, nhưng một khi bộ máy các công ty trở nên tinh gọn hơn, họ cũng sẽ cần ít quản lý cấp trung điều hành các đội nhóm hơn” – Mishra chia sẻ.
Theo Ngocmiz
Trí Thức Trẻ