Trong kinh doanh không ai có thể lường trước được những tình huống bất lợi hay nguy ngập xảy đến. Vào những tình thế đó người làm ăn có bản lĩnh, vừa bình tĩnh giữ vững tình thế hiện tại, vừa nghiên cứu tìm lối để thoát khỏi tình thế hiểm nguy, bảo toàn lực lượng, phát triển lâu dài.
Chiến Lược “Ve Sầu Thoát Xác" Trong Kinh Doanh |
Một buổi tối ngày hè nóng nực, có một chú ve sầu nhỏ hì hục từ dưới đất chui lên. Chú đang háo hức vì chỉ qua đêm nay thôi chú sẽ lột xác để thành một chú ve trưởng thành với đôi cánh để bay và một giọng hót trầm bổng.
Lên khỏi mặt đất, gặp một thân cây lớn, chú ve non lại hì hục leo lên tìm một nơi để làm cái công việc hệ trọng nhất trong đời là lột xác.
Nhưng trên cây có một đôi vợ chồng nhà bọ ngựa, cả ngày chưa kiếm đựơc cái gì bỏ vào bụng đang chăm chú theo dõi. Bọ ngựa chồng bảo vợ: "Chà, sắp có một bữa tươi đây!" rồi phân công vợ đậu ở trên, mình bò xuống dưới, chờ chú ve non đến gần là ... chộp!
Chú ve vừa leo đến lưng chừng thì vợ chồng nhà bọ ngựa ập đến hung hăng vung lên những đôi kiếm đầy răng cưa nhọn sắc của mình. Chú ve non hoảng hốt nhưng vội trấn tĩnh mà rằng: "Xin ông bà bọ ngựa dừng tay, đừng ăn thịt con vội!".
Bọ ngựa chồng cười khẩy: "Cỗ bầy tận miệng rồi, sao lại xui chúng ta đừng chén?". Chú ve thu mình lại thật nhỏ, với giọng yếu ớt, thút thít trả lời: "Trước sau thì con cũng không thoát khỏi làm bữa ăn cho ông bà. Nhưng thịt con còn tanh lắm, nhưng cũng chỉ đến sáng là con đã phổng phao chắc nịch. Chi bằng ông bà nán lại đến sớm mai, ăn cho ngon bữa lại chắc bụng, mà con cũng được ông bà làm phúc cho sống thêm vài giờ".
Nghe chú ve còn nhỏ xíu lại chưa có đủ cánh van xin, vợ chồng nhà bọ ngựa thấy bùi tai bèn bấm bụng chịu đói thêm vài tiếng đồng hồ chờ sáng, trong lòng đều nghĩ: "Nó nói cũng có lý, vả lại con ve non kia sao thoát khỏi bữa ăn của ta". Bụng đói mệt, hai vợ chồng bọ ngựa chập chờn trong giấc ngủ nhưng không quên để mắt canh chừng và thi thoảng cũng không quên quờ tay kiểm tra chú ve non nằm ở giữa.
Trời hửng sáng, vợ chồng nhà bọ ngựa thấy bụng đói cồn cào sực tỉnh, nhìn sang vẫn thấy chú ve đang nằm nguyên chỗ cũ. Nhưng lại gần thì... ôi thôi đó chỉ còn là một vỏ xác vẫn căng phồng nhưng bên trong thì trống rỗng.
Thế là đêm qua, trước khi trời sáng, chú ve non đã đủ thời gian để lột xác thành chú ve trưởng thành với một đôi cánh mạnh mẽ, khẽ khàng chui ra cái vỏ xác của mình và tung cánh bay.
Vợ chồng nhà bọ ngựa chưng hửng than tiếc cho một bữa ăn vừa tuột khỏi miệng. Mặt trời mùa hè đã lên cao, tiếng ve râm ran trầm bổng vang lên, hẳn trong đó có tiếng của chú ve khôn ngoan vừa thoát hiểm đang cất giọng vang lừng khúc ca chiến thắng.
Có thể nói câu chuyện về chú ve sầu thoát xác cũng là một bài học đắt giá trong kinh doanh cũng như cuộc sống. Trong kinh doanh không ai có thể lường trước được những tình huống bất lợi hay nguy ngập xảy đến. Vào những tình thế đó người làm ăn có bản lĩnh, vừa bình tĩnh giữ vững tình thế hiện tại, vừa nghiên cứu tìm lối để thoát khỏi tình thế hiểm nguy, bảo toàn lực lượng, phát triển lâu dài.
Một ví dụ điển hình đã thành công với chiến lược “ve sầu thoát xác” chính là tập đoàn hàng không số một thế giới Boeing. Trong thời kỳ đại chiến thứ nhất, công ty Boeing đảm đương một vị trí quan trọng trong việc chế tạo máy bay của nước Mỹ.
Tuy nhiên, sau khi chiến tranh kết thúc, hải quân Mỹ hủy bỏ toàn bộ số đơn đặt hàng chưa được giao, khiến cho ngành chế tạo máy bay của Mỹ rơi vào tình trạng ngừng trệ. Và Boeing cũng không ngoại lệ.
Trước bối cảnh đó, ông chủ của hàng hàng không William Boeing đã không vì thế mà nhụt chí nản lòng. Ông áp dụng biện pháp tương ứng, điều chỉnh phương hướng kinh doanh một cách quyết đoán.
Bài học của Boeing về chiến lược ve sầu thoát xác |
Một mặt ông tiếp tục duy trì mối liên hệ với bên quân đội để bất kỳ lúc nào cũng nắm được xu thế phát triển của máy bay quân dụng và yêu cầu của phía quân đội để tiện đáp ứng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp chế tạo máy bay khác khó có cơ hội đột nhập được mặc dù ông nghiên cứu được rằng bên phía quân đội tạm thời sẽ không có đơn đặt hàng mới.
Mặt khác ông kín đáo rút nguồn vật lực chủ yếu, tập trung bồi dưỡng thu hút nhân tài phát triển máy bay thương nghiệp dân dụng, thoát khỏi cái vỏ cũ chỉ đơn thuần sản xuất máy bay quân dụng. Sự phục hồi kinh tế sau chiến tranh đã kích thích nhu cầu về máy bay dân dụng. Khi đó, Boeing cho ra đời máy bay chở khách các cỡ để đáp ứng đầy đủ nhu cầu thị trường trước sự kinh ngạc của các đối thủ khác.
Để rồi ngày nay Boeing đã trở thành nhà sản xuất máy bay dân dụng số một thế giới, đồng thời là nhà cung cấp máy bay quân sự hàng đầu cho quân đội Mỹ. Tất cả là nhờ vào chiến lược “ve sầu thoát xác” và quyết tâm “dám nghĩ dám làm” của nhà sáng lập William Boeing.
Khánh Ly
Theo Nhịp Sống Kinh Tế