Cửa hàng điện thoại bán thêm nước hoa và chuyện sống còn trong kỳ bão hoà.

Hnam Mobile, hệ thống gần 20 cửa hàng di động tại TP.HCM, vừa mở bán thêm nhóm hàng nước hoa cách đây vài ngày.
Trên trang web của mình, Hnam Mobile mở ra mục mới cạnh bên các nhóm hàng như điện thoại, laptop, phụ kiện,... và trưng ra 30 loại nước hoa khác nhau cho cả nam lẫn nữ. Các loại nước hoa mang nhiều thương hiệu khác nhau, có giá bán từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng mỗi chai.

Nói với ICTnews, ông Hoàng Phú Nam, sáng lập và hiện đồng sở hữu hệ thống Hnam Mobile, cho biết đã cân nhắc và bàn bạc khá kỹ lưỡng mới mở bán nước hoa, nhằm tận dụng tên tuổi, hệ thống, quy trình quản lý,... hiện có.

Mới dừng ở bước thăm dò thị trường nên Hnam Mobile chỉ mở bán ngành hàng mới qua mạng, chưa trưng bày ở cửa hàng. Ông Nam cũng bày tỏ lo ngại việc bày bán nước hoa bên cạnh các mặt hàng công nghệ có lẽ sẽ không phù hợp.

Trang bán nước hoa của Hnam Mobile - Ảnh chụp màn hình
“Mục tiêu ban đầu khá thấp, hy vọng bán được 100 chai trong 3 tháng đầu. Tuy nhiên hiện nay một ngày có thể bán vài chai", ông Nam hào hứng. “Nếu mọi thứ suôn sẻ, chúng tôi sẽ nghĩ đến việc bán rượu, bán sữa", ông Nam nói tiếp.

“Bán nước hoa khác với bán điện thoại. Dù đã có hệ thống, đã có chút tên tuổi, nhưng đặc thù ngành hàng này mới nên phải học lại nhiều thứ", nhà sáng lập hệ thống cửa hàng lâu đời tại TP.HCM chia sẻ.

Ông Nam cho biết việc kinh doanh không còn tốt như trước, do đó sẽ tận dụng tập khách hàng lớn hiện tại để mở rộng kinh doanh, tăng doanh thu.

Cho rằng thị trường di động đã bão hoà, ông Mai Triều Nguyên - chủ hệ thống Mai Nguyên, hệ thống cùng thời với Hnam Mobile - cho biết việc mở rộng ngành hàng của các chuỗi bán lẻ là tất yếu.

“Khi hệ thống cửa hàng, khách hàng, kênh online ổn định thì mình tận dụng để kinh doanh thêm nhiều ngành nghề khác”, ông Nguyên nói.

“Quan trọng là bán cái gì, nó có là thế mạnh của mình hay không. Mình có yêu thích, đam mê nó hay không, chứ không phải cái gì cũng làm. Nếu không khéo nó sẽ mất nét, mất chất… Rồi khách hàng sẽ không còn nhớ mình kinh doanh cái gì nữa”, ông Nguyên nói tiếp.

Trước Hnam Mobile, hệ thống Mai Nguyên cũng bán các mặt hàng khá trái ngành công nghệ như đèn pin, dao đa năng, ống nhòm. Ngoài ra, hệ thống này cũng bán đa dạng ngành hàng công nghệ như loa, TV, vòng đeo tay thông minh, camera hành trình, đầu đĩa,...

Xếp cùng nhóm với hai hệ thống trên là CellphoneS, hệ thống có 19 cửa hàng ở Hà Nội và TP.HCM. Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS cũng cho biết thị trường di động nay không còn tăng trưởng như trước, việc các chuỗi mở ngành hàng riêng, tận dụng tập khách hàng của mình để tăng doanh thu là điều dễ hiểu.

Hiện nay CellphoneS cũng đang mở rộng bằng cách mở thêm các cửa hàng sửa chữa điện thoại, lấy tên Điện thoại Vui. Ban đầu, CellphoneS sẽ mở một cửa hàng tại Hà Nội và một cửa hàng tại TP.HCM, kế hoạch có thể mở 10-15 cửa hàng sửa chữa. Tuy nhiên ông Huy cho biết chưa có kế hoạch kinh doanh ngoài ngành.

Cửa hàng sửa chữa Điện thoại Vui đặt kế bên cửa hàng CellphoneS.
Việc thị trường điện thoại không còn đất canh tác đã được dự báo từ lâu, các hệ thống lớn hơn đã có sự chuẩn bị để lấn sân. Tiêu biểu nhất là Thế Giới Di Động mở chuỗi Điện máy Xanh, hiện đã chiếm lĩnh thị phần mảng này tại Việt Nam. Họ cũng mở chuỗi Bách hoá Xanh, chuyên bán hàng tạp hoá, với nhiều cửa hàng thử nghiệm tại Bình Tân (TP.HCM), kế hoạch sẽ mở hàng ngàn cửa hàng trên khắp Việt Nam khi đã tìm được “công thức thành công" - như lời lãnh đạo công ty thường nói.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc chuỗi FPT Shop, cũng từng nói với ICTnews cho rằng thị trường di động gần mức bão hoà, do đó phải tìm hướng đi mới nhằm giữ đà tăng trưởng. Chuỗi này hợp tác với Vinamilk để mở các cửa hàng bán sữa, và đang ấp ủ các dự án kinh doanh ngoài ngành khác mà chưa tiết lộ chính thức.

Một chuỗi bán lẻ lâu đời khác là Viễn Thông A trước đó cũng từng trưng bày những con rô-bốt, máy bay điều khiển từ xa,... tại cửa hàng chính của họ ở Quận 10, TP.HCM. Tuy nhiên các mặt hàng này có vẻ chỉ mang tính thăm dò, chưa có động thái gì chính thức.

Trong bối cảnh thị trường tăng trưởng kém, tính cạnh tranh và đào thải cao, việc các chuỗi tìm hướng đi mới là điều dễ hiểu.

“Thị trường bão hoà, doanh nghiệp cần phải thu gọn, cắt giảm chi phí thì mới may ra trụ được và có lãi. Chứ cứ bung ra mở tiếp là mệt”, ông Mai Triều Nguyên phân tích. Tuy nhiên, ông hé lộ tháng 8 này sẽ… mở thêm cửa hàng mới.

Hải Đăng
ICTNEWS
0 Nhận xét