Có lẽ chưa bao giờ sản phẩm của Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập thị trường thế giới một cách trực tiếp như hiện nay.
Thông qua các hệ thống phân phối nước ngoài hay các trang thương mại điện tử toàn cầu, nhiều mặt hàng Việt Nam đã vào được những thị trường khó tính mà không cần tốn nhiều chi phí trung gian như trước.
Tuy nhiên một số thử thách mới cũng được đặt ra, trong đó yêu cầu nâng cao chất lượng là điều liên tục gây áp lực lên doanh nghiệp.
Tích cực tiếp cận siêu thị ngoại và thương mại điện tử quốc tế
Tại hội thảo triển khai đề án Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến 2020 diễn ra vào ngày 31/5 vừa qua, ông Nishitoghe Yasuo - TGĐ Aeon Việt Nam nhận xét: chất lượng hàng hóa của các nhà cung cấp Việt Nam đang ngày càng được cải thiện. Chỉ tính riêng năm 2016, Aeon đã nhập 200 triệu USD hàng hóa từ 1.675 nhà cung cấp Việt Nam để bán tại 14.000 cửa hàng của tập đoàn này tại châu Á và Nhật Bản.
Ông Albin Bertrand - Giám đốc thu mua thực phẩm của Auchan Retail Việt Nam cũng cho rằng Việt Nam có những sản phẩm chất lượng cao như cà phê, trà… nếu có thể điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng quốc tế thì việc đưa những sản phẩm này vào hệ thống siêu thị trên thế giới không khó.
Theo ông Albin Bertrand, trong thời gian tới Auchan sẽ xây dựng các trung tâm thu mua hàng hóa ở Việt Nam để xuất khẩu ra các thị trường của Auchan trên toàn thế giới.
Tương tự, đại diện Central Group (tập đoàn của Thái Lan đã mua lại chuỗi siêu thị BigC) công bố công ty con chuyên phụ trách thu mua và xuất khẩu hàng Việt Nam của tập đoàn này đã xuất được 25 triệu USD qua thị trường châu Âu trong năm 2015.
Dù được xem là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng của Việt Nam nhưng việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường châu Âu vẫn gặp khá nhiều rào cản và thách thức. Tận dụng lợi thế của lĩnh vực thương mại điện tử, việc đăng bán hàng trên Amazon đang được xem là một trong những hướng đi tốt để giải bài toán này.
Ông Andre Aslund - chuyên gia marketing đến từ Amazon cho biết hàng hóa Việt Nam đang đứng trước 2 thách thức lớn khi gia nhập thị trường EU qua kênh thương mại điện tử. Đó là hệ thống nguyên tắc pháp luật phức tạp và yêu cầu khắt khe về chất lượng cùng thiết kế sản phẩm.
Tuy nhiên theo ông này, người tiêu dùng châu Âu đang có sự thay đổi hành vi mua hàng theo hướng có lợi cho Việt Nam. Nếu trước đây, người mua hàng EU thường có tâm lý lựa chọn sản phẩm dựa trên sự uy tín của thương hiệu thì nay họ đã có niềm tin vào sản phẩm thông qua nhiều nguồn thông tin khác nhau, chẳng hạn như xem đánh giá sản phẩm, hoặc xem xếp hạng sản phẩm bởi những người tiêu dùng khác. Đó là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu từ những nước đang phát triển như Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tập trung xây dựng thương hiệu bằng cách cung cấp hàng hóa với chất lượng tốt, thiết kế đẹp, hình ảnh bắt mắt khi đưa lên website.
Ngoài Amazon, hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt cũng chủ động tìm cách đưa hàng vào Alibaba. Công ty Hải Sản 404 tại Cần Thơ cho biết khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp này trên Alibaba.com đến từ Trung Quốc, Trung Đông và EU. Chỉ sau mấy năm tham gia, doanh thu qua Alibaba.com của Hải Sản 404 đã chiếm 60% tổng doanh số xuất khẩu.
Tương tự, bà Lê Thị Thanh Hằng – Giám đốc Công ty xuất khẩu Elmaco (hoạt động trong lĩnh vực vật liệu điện và cơ khí) chia sẻ: sau 5 năm hoạt động xuất khẩu trực tuyến, cái “được” của Elmaco là mở ra những thị trường mới với kinh phí rất tiết kiệm.
Cần thêm những hỗ trợ tương tự các nước trong khu vực
Ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, xuất khẩu trực tuyến giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian nhân lực, nhất là những khoản chi phí không chính thức lâu nay đang là nỗi ám ảnh. Dù vậy theo ông Trần Đình Toản - đại diện cho đại lý ủy quyền của Alibaba tại Việt Nam, cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến cũng rất khốc liệt và doanh nghiệp Việt chưa nhận đủ sự hỗ trợ cần thiết từ Chính phủ như tại Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… - nơi chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp 50 – 70% phí tham gia làm thành viên của Alibaba.
Ông Trần Đình Toản cũng cho rằng, để giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh tốt hơn cũng như hạn chế các rủi ro, cần thành lập liên minh hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến với các thành viên gồm doanh nghiệp thương mại điện tử, ngân hàng, công ty logistics, bảo hiểm…
Cũng trong hội thảo ngày 31/5, ông Trần Quang Vương - Chủ tịch Công ty GC Food USA cho biết người tiêu dùng tại thị trường Mỹ hiện nay đặc biệt ưa chuộng các sản phẩm có nguồn gốc Việt Nam nhưng được đóng gói tại Mỹ. Theo đó, Nhà nước nên khuyến khích, tạo điều kiện thành lập kho ngoại quan để cung ứng hàng hóa kịp thời cho các hệ thống phân phối nước ngoài.
Trong việc tham gia các mạng phân phối quốc tế, nhiều doanh nghiệp cũng nêu lên khó khăn về vấn đề thanh toán. Ông Nguyễn Quốc Dũng - Giám đốc Công ty thương mại quốc tế Song An chuyên xuất khẩu thanh long đi Mỹ, Ấn Độ, Dubai, Singapore… cho hay: khi xuất khẩu hàng vào các hệ thống phân phối, doanh nghiệp phải đợi sau 30 - 45 ngày mới được thanh toán. Trong khi các. hệ thống phân phối này thường yêu cầu lượng hàng rất lớn, đòi hỏi lượng vốn của doanh nghiệp cũng phải dồi dào. Ở nhiều nước, các doanh nghiệp được bảo lãnh tài chính bởi hệ thống ngân hàng, qua đó cung ứng được lượng hàng lớn, đáp ứng nhu cầu của các hệ thống phân phối lớn. Khi doanh nghiệp chuyển hàng cho nhà phân phối thì ngân hàng sẽ ứng trả tiền cho doanh nghiệp sau đó thu tiền từ nhà phân phối với lãi suất chỉ 1 – 2%. Vì vậy, doanh nghiệp đề nghị khi Bộ Công thương triển khai đề án Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến 2020 thì cần có sự tham gia của hệ thống ngân hàng tài chính trong nước và quốc tế.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhận xét rằng xu hướng về tiêu chuẩn chọn lựa hàng hóa trên thị trường thế giới đang thay đổi rõ rệt. Điều này thể hiện qua việc thời gian gần đây các doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên gặp trục trặc khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ do nước này áp dụng Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm, trong khi doanh nghiệp Việt Nam chưa nghiên cứu và nắm chắc luật này. Vì vậy, bà Kim Hạnh nhấn mạnh, điều quan trọng nhất giúp hàng Việt xuất khẩu ra thị trường quốc tế là bảo đảm tiêu chuẩn và sự ổn định của chất lượng.
Theo CẨM TÚ
Doanh nhân Sài Gòn