Nhân tài không rời bỏ công việc, họ chỉ rời bỏ những người quản lý tồi. Để níu chân người tài giỏi, người lãnh đạo cần có những đặc điểm gì?
Trong một nghiên cứu đối với 7.272 người trưởng thành Mỹ, 50% người được hỏi thừa nhận họ từng rời bỏ công việc để thoát khỏi quản lý trực tiếp. Theo nghiên cứu của Đại học California dựa trên khảo sát thông tin của hơn 50.000 người, 70% động lực của nhân viên chịu tác động của người quản lý trực tiếp. Để nhân tài không rời bỏ công việc vì sếp, người quản lý xuất sắc nhất định cần có 4 đặc điểm dưới đây:
1. Quản lý là người trung thực triệt để
Khi bạn thực sự chân thành với nhân viên, họ sẽ đáp lại bạn bằng sự chân thành và tin tưởng. Nếu gặp khó khăn trong công việc, hãy chia sẻ với nhân viên. Hãy cho họ biết tình hình thực tế của công ty, để họ biết trước rằng họ có thể không nhận được tiền thưởng quý, tăng lương hay nghỉ phép. Nhưng, đừng quên đảm bảo với họ rằng, công việc có tương lai và sự cố gắng, đóng góp của họ cho tập thể sẽ được ghi nhận xứng đáng.
Sự minh bạch, trung thực là cách tốt nhất để khiến mọi người cảm thấy sự gắn bó, phát triển lòng tin của những người cùng một đội.
2. Quản lý tốt luôn hỗ trợ cấp dưới
Các nhà lãnh đạo giỏi hỗ trợ cấp dưới của họ bằng sự quan tâm đến công việc và khát vọng nghề nghiệp của nhân viên. Họ có tầm nhìn, tạo ra các cơ hội học tập và phát triển mới cho nhân viên.
Hãy nhớ câu nói của chuyên gia về nghệ thuật lãnh đạo John C. Maxwell: "Mọi người không quan tâm bạn biết bao nhiêu cho đến khi họ biết bạn quan tâm bao nhiêu".
Lãnh đạo quan tâm đến cấp dưới chân thành, hỗ trợ sự lựa chọn trong tương lai của nhân viên giúp nhân viên cảm thấy tự tin hơn về con đường mình đã lựa chọn. Đó cũng là một cách phát triển sự gắn kết về tình cảm, kế sách giữ chân nhân tài hữu hiệu.
3. Người quản lý phải nhận ra tài năng và thế mạnh của cấp dưới
Chuyên gia nhân sự khẳng định, năng lực của nhân viên không bao giờ ngừng phát triển trong suốt sự nghiệp của họ. Người quản lý tài năng có chiến lược phát triển độc đáo để khai thác năng lực và thế mạnh của nhân viên trong công việc.
Thực tế, các nhà quản lý giúp nhân viên phát triển thế mạnh và năng lực cá nhân có khả năng thu hút được nhiều nhân tài hơn gấp 2 lần.
4. Quản lý xuất sắc luôn thấu hiểu cấp dưới
Tổ chức Development Dimensions International (DDI) đã nghiên cứu các nhà lãnh đạo trong 46 năm. Qua đánh giá hơn 15.000 người quản lý từ hơn 300 tổ chức trên thế giới, DDI xác định kỹ năng giao tiếp quan trọng nhất, tác động nhiều nhất đến hiệu suất làm việc tổng thể của nhân viên là kỹ năng lắng nghe và đồng cảm. Đó là một vũ khí bí mật, không thể giả mạo của các nhà lãnh đạo giỏi.
Khả năng lắng nghe và đồng cảm giúp các nhà lãnh đạo thấu hiểu hoàn cảnh cá nhân của cấp dưới, hiểu được những thách thức, kỳ vọng và tiềm năng của cấp dưới. Điều đó phát triển mối quan hệ gắn kết hơn giữa lãnh đạo, nhân viên và công việc.
Trên thực tế, cách đơn giản và hiệu quả nhất để giữ chân các nhân viên là để họ biết rằng thực lực của họ được công nhận, và quản lý trực tiếp chính là người tác động nhiều nhất tới điều này. Khi các nhân viên không cảm thấy mình được quý trọng, họ sẽ bỏ việc. Do đó, nếu muốn nhân viên thấy được bạn thực lòng quý trọng họ, hãy là một quản lý hiểu lòng người.
Theo Thu Hoài
Trí Thức Trẻ