Nhiều người vẫn ôm mộng đầu quân cho các công ty lớn để được hưởng lương cao, nhưng thực tế không “ngọt ngào” như vậy.
Nhiều người vẫn ôm mộng đầu quân cho các công ty lớn để được hưởng lương cao, nhưng thực tế không "ngọt ngào” như vậy.
Max Levchin, đồng sáng lập cổng thanh toán PayPal kiêm CEO hãng tư vấn tài chính trực tuyến Affirm vừa đưa ra lời khuyên khá "bất ngờ” dành cho những sinh viên mới ra trường.
Tiền không phải tất cả…?
Theo vị triệu phú này, lựa chọn tối ưu nhất là hãy bỏ qua các công ty lớn. "Các bạn nghĩ rằng vào làm ở một công ty có tên tuổi để nhanh chóng tích lũy được 100.000 USD (2,2 tỷ đồng), nhưng không hề”.
Trên thực tế, đi làm với mục đích duy nhất là tiền sẽ kìm chân những người trẻ tuổi và khiến cho họ trở nên dễ thỏa mãn trong một môi trường quá ổn định, quá quy củ.
"Tôi luôn luôn khuyên mọi người nên khởi nghiệp khi còn trẻ”, Levchin nói. Đó là vì những người mới ra trường luôn có một lợi thế lớn so với những ai đã đi làm lâu. Đó là họ chẳng có gì để mất.
Levchin thực ra không phải người duy nhất theo quan điểm "quá coi trọng lương sẽ hủy hoại sự nghiệp”.
Nhà sáng lập kiêm CEO của startup thương mại điện tử Jet.com Marc Lore cũng từng tâm sự rằng, khi mới tốt nghiệp đại học, tất cả những gì ông muốn là tìm một công việc "nhìn hoành tráng trên hồ sơ cá nhân (CV) và được trả lương tương xứng với năng lực”.
Ông kiếm việc trong ngành tài chính, nơi động lực cá nhân lớn nhất là "kiếm được bao nhiêu tiền”. Sau 6 năm làm ngân hàng, liên tiếp được thưởng và thăng chức, Lore ngã quỵ vì bị stress kéo dài.
Dù cho đó không phải là một cơn trụy tim, nhưng thông điệp rất rõ ràng. "Tôi đã làm việc quá cật lực để vươn lên đỉnh cao, nhưng tôi đơn độc ở trên đó”, Lore nhớ lại.
Nếu như có thể làm lại mọi việc từ đầu, Lore nói rằng ông sẽ chọn một công việc cho phép mình phát triển các kỹ năng mềm như kiên nhẫn và cảm thông, thay vì đánh giá công việc của mình chỉ dựa vào số tiền kiếm được từ đó.
… Hay chính là tất cả?
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với Levchin và Lore.
Grant Cardone, một triệu phú tự thân 58 tuổi sở hữu 5 công ty và tài sản hàng chục triệu USD cho rằng, luôn đặt mục tiêu "kiếm tiền”, thậm chí "kiếm nhiều tiền” là chìa khóa quyết định thành công.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Cardone nhẵn túi hoàn toàn và thậm chí còn ngụp lặn trong khoản nợ học phí 40.000 USD. Nhưng đến năm 30 tuổi, ông đã kiếm được 1 triệu USD.
Trong cuốn sách mới xuất bản có tiêu đề "Bị ám ảnh hoặc sống nhạt” của mình, Cardone khẳng định người ta trở nên giàu có vì họ tạo ra tiền, tạo ra doanh thu chứ không phải theo kiểu "năng nhặt chặt bị”.
"Hãy tập trung cho mục tiêu kiếm tiền, và phải là những món lớn. Nghe thì có vẻ hơi phi thực tế với nhiều người. Nhưng lý do khiến nó phi thực tế là vì bạn đã bị cuốn theo đám đông với những giấc mơ nhỏ bé”, Cardone tuyên bố.
Một nhà triệu phú tự thân khác là Steve Siebold thậm chí còn tiến hành một cuộc nghiên cứu về vấn đề này. Ông nhận thấy những người giàu thường đặt kỳ vọng cao và không e sợ khi phải nghĩ lớn.
"Suy cho cùng, bạn không thể bắt được con cá to nếu không dám ra biển”, Siebold kết luận.
Theo Lifehacker, những ưu điểm của công ty lớn là không thể chối cãi. Cấu trúc ổn định, các chế độ phúc lợi như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tốt. Với doanh thu nhỏ, các công ty bé khó có đủ lợi nhuận để chi trả cho những phúc lợi như vậy.
Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của các công ty này là chậm thay đổi, khả năng thích ứng với điều kiện mới thấp. Kết quả công việc của bạn có thể bị phụ thuộc nhiều vào những người xung quanh, nếu họ làm tệ, bạn chắc chắn bị ảnh hưởng, như thừa nhận của một kỹ sư Google ẩn danh.
Trong khi đó, với một công ty nhỏ chỉ vài chục người, bạn làm được hay không sẽ thể hiện rất rõ. Vai trò cá nhân nổi bật và dễ được ghi nhận hơn, nhưng ngược lại, những điểm yếu của bạn cũng dễ bị bộc lộ hơn.
Yên Nhiên
Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp