Vì Sao Thương Mại Điện Tử Việt Nam Phát Triển Chưa Tương Xứng?

Nhu cầu mua sắm trực tuyến ở Việt Nam ngày càng tăng, tiềm năng phát triển của lĩnh vực này còn rất lớn tuy nhiên có nhiều lý do khiến thị trường thương mại điện tử trong nước vẫn ì ạch.
Thương mại điện tử tại Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn.
Việt Nam được đánh giá thuộc những quốc gia nằm trong giai đoạn đầu phát triển thương mại điện tử, tuy nhiên mức tăng người dùng trong năm 2017 ước đạt 50,5% và dự báo sẽ lên tới 58% trong năm 2020. Theo tổ chức nghiên cứu Euromonitor, tổng doanh thu thương mại điện tử năm 2016 của Việt Nam đạt 1 tỷ USD, còn tiêu dùng thương mại điện tử dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép vào khoảng 23% tính tới 2020.

Ông Thomas Harris – Giám đốc điều hành DHL eCommerce Việt Nam thuộc Tập đoàn DHL (Đức) đánh giá Việt Nam là thị trường có dân số trẻ với độ tuổi trung bình 30.8, nghiện sử dụng smartphone và nhanh nhạy với xu hướng internet. Tầng lớp trung lưu có thu nhập khá, sẵn sàng chi tiêu, góp phần nâng tổng chi tiêu tiêu dùng tăng lên 153 triệu USD trong năm 2016.

Tuy nhiên, sự phát triển của thanh toán trực tuyến lại không hề tương xứng với kinh doanh trực tuyến. Khảo sát năm 2016, cho thấy chỉ 15% người mua hàng thanh toán trực tuyến khi mua hàng online, một điều không quá ngạc nhiên khi có tới 42% người dân Việt Nam không sở hữu bất kỳ thẻ tín dụng nào.

Theo ông Thomas Harris, mặc dù còn bỡ ngỡ với thanh toán trực tuyến nhưng người tiêu dùng Việt lại có yêu cầu khắt khe hơn trong việc giao nhận hàng. Họ muốn một trải nghiệm liền mạch từ khi đặt hàng tới khi giao hàng, mong muốn giao hàng trong ngày hoặc ngay hôm sau, thanh toán tiền mặt và được quyền trả lại hàng (miễn phí) nếu cảm thấy không thích món hàng.

Đây là một thách thức lớn đối với các nhà bán lẻ và các công ty giao nhận. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội để các đơn vị kinh doanh trực tuyến tạo ấn tượng giao hàng tốt, gắn kết cảm xúc với khách hàng, tạo nhóm khách hàng trung thành trong tương lai.

Ông Thomas Harris cho biết, DHL eCommerce vừa chính thức gia nhập thị trường giao hàng nội địa Việt Nam với những dịch vụ được cho là “đo ni đóng giày”, phù hợp với sự phát triển của thị trường thương mại điện tử hiện nay.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và các thành phố trung tâm, hàng sẽ giao trong 1-2 ngày, tại các tỉnh khác giao từ 3-7 ngày. Ngoài dịch vụ nhận thu tiền khi nhận hàng (COD), DHL eCommerce còn cung cấp thêm dịch vụ thu tiền hộ khi giao hàng vào ngày hôm sau cũng như xử lý vấn đề khi khách trả hàng.

Theo Phương Anh Linh
Infonet
0 Nhận xét