Đối với chi phí chính thức, thứ trưởng cho biết còn rất nhiều dư địa mà các cơ quan quản lý nhà nước có thể làm được để cắt giảm từ Logistics cho tới điện năng tiêu thụ.
Năm 2017 được Chính phủ xác định là năm giải chi phí cho doanh nghiệp. Hiện nay theo số liệu của một nghiên cứu "Khảo sát về môi trường kinh doanh" của Ngân hàng Thế giới năm 2017 cho thấy chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản vẫn cao so với các nước trong khu vực ASEAN. Hiện xét về chi phí chính thức, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải chịu chi phí nộp thuế cao trong khu vực ASEAN, ở mức 39,1% so với lợi nhuận và cao hơn 2 lần so với Singapore. Ngoài ra, chi phí về tuân thủ chứng từ xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines.
Ông Ngô Văn Điểm, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng chi phí đầu vào cao không những ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn ảnh hưởng đến khả năng cũng như năng lực kinh doanh của doanh nghiệp. Chi phí cao thì lợi nhuận thấp, doanh nghiệp khó có khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh được. Ví dụ chi phí điện năng là 1 trong 10 tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia. Tiết kiệm điện năng của nước ta vẫn ở mức trung bình thấp (98/190 nước). Hiện chi phí này chiếm khoảng 10% tổng chi phí của DN, mà tư duy tiết kiệm điện năng lại không có nên càng tốn kém.
Với các doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Điểm cho rằng việc tiếp cận nguồn lực chi phí rất cao từ tiếp cận đất đai cho đến vốn. Tiếp nữa, một chi phí nữa là khảo sát thị trường không chính xác, sức mua chỉ khoảng 2.275 USD/người thì sức mua không thể lớn được. Nên thực hiện khảo sát, doanh nghiệp nghĩ rằng mình làm ra sản phẩm được thị trường chấp nhận nhưng khi bước vào thực tế thì bị vỡ trận nên phải rút lui khỏi thị trường.
Hoặc chi phí nữa mà các DNNVV mới ra đời đều phải cõng, đặc biệt là các DN làng nghề, hộ kinh doanh cá thể đó là chi phí môi trường. Bởi khi doanh nghiệp hoạt động độc lập xử lý rác thải thì chi phí sẽ lớn hơn khi tập trung sản xuất tại các khu công nghiệp.
"Về chi phí chính thức, đôi khi xã hội nhìn con số rất trực quan, ví dụ như thuế, lệ phí. Cả 2 chi phí đó chỉ là một phần của chi phí chính thức trong một con số khổng lồ hơn", ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ góc nhìn khác. Một chi phí chính thức mà rất khó hình dung đó là chi phí về thời gian và chi phí về cơ hội. Theo chuyên gia này con số lớn hơn rất nhiều với con số chính thức.
Ông Hiếu lấy ví dụ nếu thực hiện thủ tục hành chính mất 10 ngày và mỗi doanh nghiệp mất 1 người đi thực hiện thủ tục. Hiên nay mức lương trung bình khu vực tư nhân là hơn 5 triệu, suy ra này công khoảng 200.000/ người/ ngày. Tính ra doanh nghiệp đang chịu chi phí khoảng 2 triệu đồng cho 1 thủ tục hành chính này. Vậy chi phí cho khoảng 500.000 doanh nghiệp cho 1 thủ tục hành chính lên đến hàng trăm tỷ.
Ngoài ra ông Hiếu còn nhắc đến chi phí cơ hội, khi doanh nghiệp thực hiện 1 thủ tục hành chính. Họ không biết được nó có thành công hay không nhưng như vậy là đã có thể mất đi cơ hội kinh doanh của một doanh nghiệp, mất đi cơ hội của một số lượng lao động nhất định.
Với chi phí không chính thức, ông Hiếu cho rằng hiện không có một con số chính xác là bao nhiêu và chúng ta cố gắng lượng hóa nó nhưng có những con số thông tin rất có ý nghĩa. Ví dụ, năm 2016 theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với câu hỏi "anh có phải trả chi phí phi chính thức hay không" thì hơn 60% doanh nghiệp được hỏi trả lời là có. Ông Điểm thì đưa ra con số từ báo cáo PCI hồi tháng 3 cho thấy chi phí không chính thức chiếm tới 10% doanh thu của doanh nghiệp.
Với loại chi phí này, thứ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông nhắc lại thuật ngữ từng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi là "tham nhũng vặt" nhưng hậu quả của nó thì cũng không kém tham nhũng lớn thậm chí kinh khủng hơn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để giải quyết tham nhũng vặt, ông Đông cho biết cần phải giảm thiểu sự giao tiếp trực tiếp giữa con người với con người trong các hoạt động hành chính thực hiện tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Chỉ đạo điều hành của chính phủ rất mạnh mẽ trong vấn đề này là đẩy mạnh hơn nữa xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công thông qua trực tuyến, hồ sơ càng được xử lý thông qua mạng bao nhiêu thì càng giảm thiểu tham nhũng và chi phí phi chính thức bấy nhiêu.
Đối với chi phí chính thức, thứ trưởng cho biết còn rất nhiều dư địa mà các cơ quan quản lý nhà nước có thể làm được để cắt giảm từ Logistics cho tới điện năng tiêu thụ.
Thảo Nguyên
Theo Nhịp Sống Kinh Tế/VGP