Chén súp, cụ bà bị ung thư và câu chuyện kinh doanh đắc nhân tâm.

Trên mạng xã hội ở Mỹ, mọi người đang lan truyền một câu chuyện cảm động về một cụ già đang hấp hối và một chén súp nghêu Panera Bread.
Đó là một mẩu chuyện nhỏ nhưng chứa đựng bài học lớn về dịch vụ, thương hiệu và phương diện nhân văn trong kinh doanh. 

Câu chuyện được kể như sau: Brandon Cook từ Wilton, New Hampshire đến thăm bà của cậu ấy ở bệnh viện. Bị căn bệnh ung thư hành hạ, bà nói với cháu trai rằng bà thèm một chén súp, mà súp của bệnh viện thì lại khó ăn vô cùng. Bà ước có thể ăn súp nghêu của Panera Bread, nhưng rắc rối là họ chỉ bán món này vào thứ Sáu. Vậy là Brandon đã gọi điện cho cửa hàng Panera gần đó, trình bày vấn đề của mình cho quản lý Suzanne Fortier.

Sau đó, không chỉ đặc biệt làm một phần súp nghêu riêng cho người bà, quản lý còn tặng kèm một hộp bánh cho hai bà cháu. Brandon đã kể về câu chuyện này trên trang cá nhân, và mẹ cậu ấy - Gail Cook đăng lại trên fanpage của nhà hàng Panera. Bài viết của Gail đã thu hút được 50.000 lượt like và hơn 22.000 bình luận.

Panera đã có một thứ mà không có cách quảng bá truyền thống nào đem lại được. Đó chính tình cảm yêu mến và ngưỡng mộ từ khách hàng ở mọi nơi trên thế giới. Loại hình marketing trong câu chuyện trên chính là một ví dụ điển hình cho sự kỳ diệu mà marketing lan truyền, marketing truyền miệng mang đến danh tiếng cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, hành động của người quản lý còn mang một ý nghĩa khác. Đó là mối quan hệ giữa khách hàng, nhân viên và công ty vượt ngoài chuyện kinh doanh và tiền bạc. Trong một thế giới mà công nghệ, máy móc và robot đang khiến cuộc sống trở nên khô cứng, công nghiệp hóa thì câu chuyện này mang đến một thứ mà xã hội đang thiếu: cách ứng xử đầy tính nhân văn.

Câu chuyện của hai bà cháu Brandon lại gợi nhớ về một bài học mà Jeff Bezos - nhà sáng lập và CEO của Amazon, kể cho các sinh viên khi ông dạy ở trường đại học Princeton.

Bezos là một thiên tài về công nghệ, sở hữu một công ty trong thời kỳ internet khổng lồ. Nhưng câu chuyện mà ông kể đến trong bài giảng không hề liên quan đến sức mạnh của máy tính hay trí tuệ, mà là về người bà của mình, trong một lần làm bà khóc.

Ngay từ khi còn là cậu bé 10 tuổi, Bezos đã bộc lộ sự nhanh nhạy và niềm đam mê với những con số. Trong chuyến nghỉ mát với ông bà, cậu bé thấy khó chịu với với việc người bà hút thuốc trong xe hơi, và quyết định mình phải làm điều gì đó. Từ ghế sau, cậu tính toán một ngày bà hút bao nhiêu điếu thuốc, số chất độc trong mỗi điếu thuốc, và những ảnh hưởng của nó tới sức khỏe, sau đó tuyên bố: “Bà đã đánh mất chín năm tuổi thọ của mình rồi”.

Phép tính của Bezos có thể đúng, nhưng phản ứng của người bà lại khác xa với những gì cậu mong đợi. Bà của cậu bật khóc. Người ông tấp xe vào lề đường và kéo cậu ra ngoài để nói chuyện.

Ông nhìn cậu, sau một hồi im lặng, nói với cậu một câu mà đến giờ vị tỷ phú này vẫn nhớ mãi: “Đến một ngày cháu sẽ biết rằng, làm một người tử tế khó hơn nhiều so với làm một người thông minh”.

Đây là những câu chuyện mà doanh nhân nào cũng nên biết và hiểu được ý nghĩa của nó. Ngoài việc yêu cầu nhân viên củng cố kỹ năng, kiến thức về chuyên môn và chiến thuật kinh doanh, rất nên khuyến khích họ nuôi dưỡng tình người, sự tử tế.

Những cử chỉ nhỏ có thể mang theo những thông điệp to lớn về việc bạn là ai, bạn quan tâm điều gì và lý do tại sao mọi người nên làm việc với bạn. Một lần nữa, hãy nhớ lại lời dạy từ người ông của tỷ phú Bezos - trở thành một người tử tế sẽ khó khăn hơn, và tất nhiên cũng quan trọng hơn việc trở thành một người thông minh.

Theo TĂNG LINH
Doanh nhân Sài Gòn
0 Nhận xét