Tính đến kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10 năm nay thì cũng chỉ mới có 13 năm. Còn nếu tính đến sự xuất hiện DN tư nhân Việt Nam thì dường như lịch sử chưa có con số nào định vị.
Thế nhưng, nhân Ngày doanh nhân Việt Nam, xin kể lại câu chuyện cách đây 25 năm, khi một tổ chức cấp Trung ương liên quan đến nền kinh tế tư nhân “suýt” ra đời.
Đó là vào năm 1992, khi ấy Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoàng Minh Thắng được Trung ương cử sang thành lập một tổ chức mới có tên là Hội đồng Trung ương các DN ngoài quốc doanh trên cơ sở hợp nhất Liên hiệp các HTX tiểu thủ công nghiệp và Ban Quản lý HTX Việt Nam thuộc Bộ Thương mại.
Vào thời điểm ấy, ai cũng “sợ” dính dáng đến cụm từ “tư nhân” nó nhạy cảm nên phải dùng từ “ngoài quốc doanh”. Một Hội đồng Trung ương lâm thời ra đời...
...Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó đã phê duyệt Điều lệ, Bộ Tài chính đã cấp kinh phí, nhiều DN tư nhân đã đăng ký làm thành viên, mọi người náo nức chuẩn bị cho Đại hội lần thứ nhất...
Thế nhưng, đùng một cái, hoãn. Rồi lại đùng một cái nữa, tên của tổ chức được đổi thành Liên minh các HTX Việt Nam. Thế là các DN tư nhân non trẻ của nước nhà vẫn tựa như “đứa con rơi” của nền kinh tế, tư bươn trải, tự sinh, tự diệt...
Cho đến nay, kinh tế tư nhân nước nhà vẫn quá bé bỏng trong quá trình hội nhập quốc tế. Nếu ai yêu đất nước này không khỏi đau đáu trong lòng.
Hôm mới đây, Chính phủ tổ đã chức tọa đàm giữa Thủ tướng, tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng với 14 tập đoàn kinh tế tư nhân. Những người tham dự đều cảm thấy một ý chí mãnh liệt, một nỗ lực không ngừng nghỉ của người đứng đầu Chính phủ trong việc phát triển kinh tế tư nhân nước nhà.
Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ muốn lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển, vấn đề trong thực hiện Nghị quyết TƯ 5 để kinh tế tư nhân là động lực phát triển. Ông đặt một loạt câu hỏi: “Vì sao kinh tế tư nhân ở Việt Nam chưa phát triển? Do môi trường kinh doanh hay thuế khóa, lao động...? Nhà nước phải làm gì trong giai đoạn hiện nay?” và mong muốn đại diện các tập đoàn kinh tế tư nhân nói thẳng, nói thật với trách nhiệm cao.
Để trả lời câu hỏi này không hề đơn giản, nhưng mỗi khi đất nước khó khăn, người ta thường nhớ một câu rất dân dã và rất thật: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Kể từ tháng 4/2006, gần 88% đại biểu trong Đại hội Đảng thông qua nghị quyết cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân. Nay, các đảng viên được làm kinh tế tư nhân đã hơn một thập kỷ, thử hỏi, hiện đã có bao nhiêu đảng viên tiên phong trong việc làm giàu cho mình và cho đất nước? Bao nhiêu đảng viên đã cháy lòng cháy dạ trong nỗ lực hỗ trợ kinh tế tư nhân của nước nhà phát triển?
Nếu trong số hơn 4,5 triệu đảng viên hiện nay chỉ cần ½ thấm nhuần tinh thần này thì bài toán đã trở nên dễ giải hơn rất nhiều.
Theo Nguyễn Hoàng Linh
Báo Xây Dựng