Một bài chia sẻ gây bão mạng xã hội vào ngày 17/10 đã bắt đầu cho scandal lớn nhất trong 30 năm tồn tại của Khaisilk. Người đàn ông từng khẳng định mình chưa bao giờ gặp rắc rối với facebook nay đã hiểu được sức mạnh của mạng xã hội khi khủng hoảng nổ ra, đến mức quyết định đóng cửa trang cá nhân.
"Là doanh nhân nổi tiếng, anh có bao giờ gặp rắc rối với facebook không?" là câu hỏi một phóng viên đặt ra cho doanh nhân Hoàng Khải ngay trước khi vị này công bố kế hoạch khởi nghiệp lần nữa ở tuổi 53 với chuỗi phở bò.
Khi ấy, ông từng cười mà rằng "Không, tôi chẳng bao giờ gặp phiền phức trên facebook cả. Đôi khi, tôi có nói quá một chút trên facebook, nhưng mọi người đều bỏ qua cho tôi thôi. Họ biết rằng tôi là người có tích lũy lao động, chứ không phải kẻ khoe khoang".
Thế nhưng 7 tháng sau, ông đã nếm trái đắng từ một thông tin được đăng tải trên mạng xã hội phổ biến nhất Việt Nam: bài viết bóc mẽ việc sản phẩm nổi tiếng nhất của thương hiệu lụa Khaisilk không đến từ Việt Nam, mà là hàng Trung Quốc đã được "sơ chế" bằng cách cắt nhãn.
Ban đầu Hoàng Khải im lặng. Nhưng thông tin bất lợi ngày một nhiều. Những lời tố cáo liên tục được đưa ra, thậm chí đến từ trong nội bộ công ty này. Trước làn sóng chỉ trích lên cao từ cộng đồng mạng, ông Hoàng Khải lên báo giải thích, xin lỗi, hứa sẽ đền bù. Nhưng khi phản ứng tiêu cực ngày càng tăng trên truyền thông xã hội, ông đã lặng lẽ đóng facebook cá nhân trong chiều nay.
Khi scandal về hàng giả chưa nổ ra, trang cá nhân của vị doanh nhân này từng thu hút sự quan tâm lớn từ cộng động mạng. Ông có tới hàng nghìn bạn bè và hàng trăm nghìn người theo dõi. Mỗi bài chia sẻ đơn giản của ông nhận được hàng nghìn lượt like, comment, chủ yếu là những lời khen tặng.
Trước đó, hình ảnh Khaisilk trên facebook luôn gắn liền với những chia sẻ nhẹ nhàng về cuộc sống, tình yêu gia đình, những lời nhắn nhủ với các doanh nhân về chữ tín trong kinh doanh, cách thức để tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống có tiền bạc, danh vọng.
Ông cũng giữ thói quen lên mạng xã hội sớm vào buổi sáng, viết lời chào "Good Morning" với những người ông gọi là "bạn bè thân thiết nhất" trên trang cá nhân. Không ít lần trên trang cá nhân, ông chụp ảnh đang ngồi xe buýt, sử dụng các chuyến bay giá rẻ để tiết kiệm tiền làm công tác xây trường học ở vùng cao. Ông thường vui vẻ đăng tải hình ảnh trong những lớp học được chính ông tài trợ tiền xây dựng, theo dõi việc mua nguyên vật liệu, xây dựng từ những ngày đầu tiên đến ngày khánh thành.
Theo Lam Thiên
Nhịp Sống Kinh Tế