Thế Giới Di Động đã chính thức nhận được chứng nhận đầu tư công ty công nghệ tại Khu công nghệ cao TP.HCM, có thể điều này sẽ làm cho Thế Giới Di Động thành công ty công nghệ lớn trong tương lai chứ không chỉ là nhà bán lẻ thuần tuý.
Tin từ Thế Giới Di Động cho biết, công ty này đã chính thức nhận được giấy phép đầu tư tại Khu công nghệ cao (Quận 9, TP.HCM). Cụ thể, từ tháng 5/2017, Khu công nghệ cao đã trao chứng nhận đầu tư cho dự án phát triển phần mềm quản lý doanh nghiệp (ERP) của Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động (MWG).
Công ty mới thành lập có tên Công ty TNHH MTV Công nghệ thông tin Thế Giới Di Động, trụ sở tại Khu công nghệ cao, P.Tân Phú, Quận 9, TP.HCM.
Trong nghị quyết đại hội cổ đông năm 2017 diễn ra hồi tháng 3 năm nay, MWG đã thông qua việc thành lập công ty công nghệ đặt tại Khu công nghệ cao với tổng vốn 135 tỷ đồng, tương đương 6 triệu USD. Công ty này có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ, giải pháp công nghệ thông tin (hệ thống ERP, website, bảo mật hệ thống,...) cho tất cả các chuỗi bán lẻ trong và ngoài nước của Cty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động và các công ty con.
Thế Giới Di Động hiện có gần 1.600 siêu thị trên toàn quốc, Điện máy Xanh có 535 siêu thị và chắc chắn sáp nhập thêm Trần Anh vào, chưa kể theo kế hoạch sẽ mở hàng ngàn cửa hàng Bách hoá Xanh sắp tới. Bên cạnh đó, trang thương mại điện tử Vuivui sau thời gian hoạt động tại TP.HCM sẽ mở ra toàn quốc.
Những dự án này khiến Thế Giới Di Động phình to và chắc chắn cần một hệ thống công nghệ khổng lồ vận hành phía sau để đảm bảo hoạt động trơn tru. Do đó, bộ phận công nghệ thông tin của công ty này được tách ra thành công ty riêng nhằm phục vụ các công ty liên quan, chưa kể vận hành xuyên biên giới qua các chi nhánh của MWG ở nước ngoài.
Trong suốt lịch sử phát triển thần tốc của Thế Giới Di Động, công nghệ thông tin chính là xương sống chủ chốt vận hành chuỗi bán lẻ này. Ông Nguyễn Đức Tài - đồng sáng lập kiêm chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động - cho biết ngay từ khi mở đến siêu thị thứ hai thì công ty này đã nghĩ đến việc xây dựng hệ thống công nghệ mạnh để vận hành chuỗi.
Hồi cuối tháng 8, Thế Giới Di Động lần đầu công khai trước gần 1.000 người hệ thống quản trị bằng công nghệ của họ. Tất cả các vấn đề doanh thu, tồn kho, tính lương,... đều được trình diễn thực tế cho rất nhiều người xem tham khảo. Hệ thống công nghệ này thậm chí trang bị trí tuệ nhân tạo để lọc qua hàng ngàn hình ảnh gửi về từ các nhân viên giao hàng và lắp ráp ở Điện máy Xanh để nhận diện các điểm vô lý.
Ngay tại hội thảo, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu Thế Giới Di Động có bán ra ngoài các giải pháp công ty đang phát triển hay không. Ông Nguyễn Đức Tài khi đó đã trả lời rằng hệ thống của công ty xây dựng rất chi tiết dành cho đơn vị bán lẻ di động đặc thù, không phù hợp với số đông nên không có kế hoạch bán ra.
Tuy vậy, với việc tách riêng bộ phận công nghệ thông tin thành công ty riêng, ra hoạt động tại Khu công nghệ cao - nơi tập trung các công ty công nghệ nhiều hơn là các văn phòng hay nhà bán lẻ - cho thấy Thế Giới Di Động thực sự nghiêm túc đầu tư vào mảng thuần chất xám này. Một khi đã phát triển các giải pháp vận hành chỉn chu cho các công ty bên trong, việc công ty này có bán giải pháp đó ra ngoài hay không chắc chắn là bài toán kinh doanh cần cân nhắc.
Bởi thay vì phải đi bán điện thoại, hàng hoá của các công ty khác, Thế Giới Di Động hoàn toàn có thể bán phần mềm, giải pháp do chính mình phát triển. Tỷ lệ lợi nhuận của ngành phần mềm chắc chắn cao hơn so với mảng bán lẻ.
Trên thế giới, mô hình dễ thấy nhất chính là Amazon. Sau khi trở thành nhà bán lẻ online lớn nhất thế giới, Amazon bắt đầu lập ra công ty Amazon Web Services (AWS) nhằm cung cấp toàn bộ hệ thống công nghệ cho Amazon và các cửa hàng kinh doanh trên trang này. Sau đó, AWS được tách ra hẳn khỏi Amazon và báo cáo doanh thu riêng. Quý 1/2015, AWS lần đầu tiên mang về lợi nhuận cao hơn mảng bán lẻ của Amazon tại thị trường Bắc Mỹ. Đến quý 1/2016, AWS mang về đến 56% trên lợi nhuận tổng của Amazon. Dự kiến năm nay doanh thu AWS đạt 13 tỷ USD.
Mặc dù ít được biết đến và doanh thu kém hơn nhiều so với mảng bán lẻ, tuy nhiên lợi nhuận của AWS lại hơn trang bán hàng Amazon. Đây chính là mô hình kinh doanh béo bở chắc chắn ông Nguyến Đức Tài và cộng sự không thể chưa biết qua.
Trước đó, FPT cũng đã thoái vốn khỏi mảng bán lẻ nhằm tập trung trở thành công ty công nghệ thuần nhất.
Theo Hải Đăng
ICTNews