TTO - Những chiếc taxi của Vinasun chạy trên đường phố Sài Gòn hôm nay mang theo các biểu ngữ "Yêu cầu Uber và Grab tuân thủ pháp luật". Đấy phải chăng là kiến nghị hay là xúc phạm?
Hai chiếc taxi Vinasun mang biểu ngữ "Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh" - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Có hai biểu ngữ đang được nhiều taxi Vinasun dán. Một là "Yêu cầu Uber và Grab tuân thủ pháp luật Việt Nam", hai là "Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh".
Theo luật sư Lê Việt Hùng, Hãng Luật Minh Mẫn, với hành động này, các tài xế xe Vinasun đã vi phạm pháp luật về quảng cáo.
“Nếu căn cứ theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP, hành vi quảng cáo của tài xế xe Vinasun sẽ bị xử phạt từ 2 đến 5 triệu đồng vì quảng cáo ở mặt sau của phương tiện giao thông (điểm A, khoản 1, điều 61)”, ông Hùng nói.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm A, khoản 4, điều 51 của nghị định này, tài xế sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng vì lợi dụng quảng cáo xúc phạm uy tín của tổ chức khác.
Nội dung quảng cáo trên các xe taxi truyền thống làm cho người tiếp nhận hiểu rằng Uber và Grab đang vi phạm pháp luật. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của 2 tổ chức trên.
"Chúng ta đều hiểu các công ty taxi truyền thống đang chịu nhiều bất công vì họ phải tuân thủ điều kiện kinh doanh taxi rất hà khắc, còn Uber và Grab tham gia mà không bị ràng buộc điều kiện gì. Trong khi đó, VN vẫn chưa có luật điều chỉnh hoạt động của hai doanh nghiệp này chứ không phải họ vi phạm pháp luật”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, do đó, Uber hay Grab nếu thấy quyền lợi bị xâm hại thì có thể khởi kiện. Khi đó, hai doanh nghiệp này phải chứng minh được thiệt hại.
Trong khi đó, tiến sĩ Lê Minh Hùng, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, cho rằng biểu ngữ nội dung "Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam" là xúc phạm uy tín của hai hãng kia.
Lý do là khẩu hiệu trên có thể hiểu là Uber và Grab không tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Theo tiến sĩ Hùng, trong trường hợp cho rằng hai hãng này gây thiệt hại đến quyền lợi kinh doanh của Vinasun thì họ có thể chọn con đường kiện ra tòa hoặc trọng tài để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Nhưng nếu chọn dán khẩu hiệu "bêu riếu" thì có thể coi đó là cạnh tranh không lành mạnh.
Điều này trái với việc giới taxi Hà Nội dán khẩu hiệu đòi công bằng nhưng là phản đối một quyết định của Bộ Giao thông vận tải, một hình thức được một luật sư gọi là về mặt nào đó đấy là "kiến nghị tập thể". Riêng Vinasun thì nêu đích danh đối thủ của mình.
Dù vậy, một số người lại cho rằng Uber và Grab chẳng việc gì phải kiện Vinasun trong chuyện này cả vì hai hãng này nhờ đó mà được quảng cáo miễn phí.
Lý do, đây không phải là lần đầu tiên Uber và Grab bị giới taxi truyền thống tấn công.
Nhưng lần trước, trên các mạng xã hội và giới truyền thông có rất nhiều ý kiến ủng hộ hai hãng xe áp dụng công nghệ này, vì thế lần này, càng tấn công thì taxi truyền thống lại càng mất điểm.
Một chiếc taxi Vinasun mang biểu ngữ "Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam" - Ảnh: THUẬN THẮNG |
NHƯ BÌNH - ÁI NHÂN
Báo TUỔI TRẺ