“Cuồng” Kaizen: Căn nguyên của scandal chất lượng tại các công ty sản xuất Nhật Bản?

Kaizen là một sản phẩm của trí tuệ Nhật Bản. Tuy nhiên, xung quanh nó cũng có những câu chuyện chẳng ai ngờ liên quan tới cả ngành sản xuất nền kinh tế hàng đầu châu Á này.
Akio Morita, nhà đồng sáng lập tập đoàn điện tử Sony, luôn thích kể lại câu chuyện về chuyến đi đầu tiên của ông tới Đức năm 1953. Khi ấy, một người phục vụ đã viết lên một chiếc dù nhỏ xấu xí được làm bằng giấy, đặt vào ly kem của vị chủ tịch này và nhạo báng rằng: “Đây chính là sản phẩm của nước ông đấy!”. 

Và giống như nhiều người đồng hương khác trong thời kì Hậu chiến, ông Morita cực kỳ xấu hổ khi danh tiếng của Nhật Bản bị gắn với thứ hàng hóa tồi tệ. Động lực đó đã đảo ngược tình thế và giúp Nhật Bản trở nên nổi tiếng toàn cầu khi Sony đạt được giải thưởng Deming, một giải thưởng kiểm soát chất lượng hàng đầu thế giới được đặt theo tên nhà kinh doanh Mỹ tài ba có công kiến thiết nền công nghiệp. Tuy nhiên, danh tiếng đó đang có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng.


Toray Industries, một tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản trong lĩnh vực hóa chất và dệt may, trở thành ông lớn tiếp theo thừa nhận gặp phải vấn đề chất lượng. Một chi nhánh của công ty công khai rằng họ đã làm giả chứng nhận kỹ thuật cho sản phẩm dây gia cố được sử dụng làm tăng độ bền cho lốp xe ô tô. Sadayuki Sakakibara, cựu chủ tịch Toray, nói rằng ông rất xấu hổ và ông, đại diện cho Keidanren, một Ủy ban kinh tế lớn nơi ông đang làm chủ tịch, cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng.

Hôm 23 tháng 11 vừa qua, Mitsubishi Materials đã phải bẽ bàng thú nhận với các đối tác Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan rằng một chi nhánh của công ty cũng làm giả số liệu kỹ thuật cho sản phẩm nhôm được dùng trong sản xuất phi cơ và ô tô. Vụ việc này khiến Lực lượng không quân Nhật Bản, một khách hàng lớn của Mitsubishi Materials, phải chịu sự khiển trách nặng nề của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera.

Khơi mào cho toàn bộ scandal chất lượng lớn chưa từng thấy tại Nhật Bản, Kobe Steel, tập đoàn thép lớn thứ 3 tại xứ sở Phù Tang, gần đây thừa nhận họ đã bán các sản phẩm “không phù hợp” cho Boeing, Ford, Toyota…Công ty đã làm giả số liệu về khả năng chịu lực của sản phẩm nhôm và đồng sau đó bán chúng cho hơn 500 đối tác trên toàn cầu. Hai hãng ô tô lớn của Nhật Bản là Nissan và Subaru cũng đều thừa nhận dính líu đên việc làm giả tài liệu kỹ thuật.

Ông Takeshi Miyao, một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô cho biết, “danh tiếng về chất lượng của các sản phẩm Made-in-Japan đã giúp chúng ta thường được xếp “chiếu trên” so với các đối thủ đến từ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc”. Hiroshige Seko, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản nói rằng những vụ việc giả mạo số liệu này đã làm “rung chuyển nền móng của nền công nghiệp” và yêu cầu Mitsubishi giải thích tại sao phải mất 6 tháng họ mới có thể thừa nhận hành vi sai trái này. 

Tuy nhiên khoảng thời gian 6 tháng đó chưa là gì so với sai phạm của Nissan. Họ đã sử dụng các kỹ thuật viên “không đủ tiêu chuẩn” từ 40 năm trước để kiểm tra xe ô tô thành phẩm (CBU). Sau đó, các bản chứng nhận kỹ thuật “giả” này được kỹ thuật viên trên sử dụng Hanko (Con dấu chữ ký) được “mượn” từ bộ phận kiểm tra chất lượng.

Vậy căn nguyên thực sự khiến nền công nghiệp sản xuất của Nhật Bản rung chuyển là gì?

Thực tế, các chuyên gia trong ngành công nghiệp ô tô đều phàn nàn rằng tất cả vấn đề hiện nay của ngành đều liên quan đến các tiêu chuẩn gắt gao quá mức của chính phủ đã được áp dụng từ đầu những năm 1950 hoặc bởi chính bản thân nhà sản xuất đã đặt ra yêu cầu quá cao cho sản phẩm của mình. 

Rất nhiều ban lãnh đạo công ty muốn sản phẩm của mình phải thể hiện thông số kỹ thuật và chất lượng vượt trội nhưng mức giá vẫn phải cạnh tranh hơn hẳn với các đối thủ khác cùng ngành bất chấp năng lực sản xuất và công nghệ hiện tại của công ty. Sự mẫu thuẫn này đã tạo sức ép rất lớn lên phía nhà máy khiến họ phải tìm mọi cách để đạt được các yêu cầu đó. 

“Khi “Kaizen” (cải tiến và cắt giảm chi phí) đạt đến cực hạn thì đương nhiên sẽ dẫn tới việc làm giả báo cáo, các hành vi phi đạo đức và cuối cùng là các hành vi phạm tội.” Alberto Moel, một chuyên gia trong lĩnh vực robot giãi bày. Vụ tai tiếng của Nissan thậm chí còn được quy cho Carlos Ghosn, cựu chủ tịch công ty với nickname “Le Cost Cutter” (người chuyên cắt giảm chi phí).

Còn quá sớm để dự đoán mức độ thiệt hại của ngành sản xuất Nhật Bản khi hầu hết các scandal chất lượng này chỉ nằm trên giấy tờ mà không phải do chất lượng thực tế. Vì vậy, không có bất kì một cuộc triệu hồi sản phẩm liên quan nào được thực hiện. 

Thực tế, Takata, nhà sản xuất túi khí lỗi, chỉ bị buộc rút khỏi thị trường khi công ty này bị dính vào vụ kiện tụng dài hơi do liên quan đến ít nhất 18 vụ tai nạn chết người. Hầu hết mọi người đều tin rằng những công ty khác đều sẽ sống sót qua thời kỳ khó khăn này. Toyota vẫn là nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới bất chấp việc từng triệu hồi 9 triệu xe ô tô do bàn đạp ga bị lỗi.

Sẽ phải mất hàng năm trời để tất cả những sự việc trên lùi vào quá khứ. Tuy nhiên, cuộc chiến căng thẳng dài hơi trong kinh tế học giữa chất lượng và chi phí thì cho đến nay, ngành sản xuất Nhật Bản nói chung và thế giới nói riêng vẫn chưa thể tìm được một lời giải hoàn hảo.

Nhất Lâm
Theo Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét