"Vừa muốn hội nhập, lại vừa muốn bảo hộ. Vừa muốn phát triển doanh nghiệp tư nhân, vừa muốn giữ doanh nghiệp Nhà nước", theo TS. Vũ Thành Tự Anh, chính sự không dứt khoát khi lựa chọn các ưu tiên khiến tiến trình cải cách của Việt Nam còn chậm chạp.
Hội thảo khởi động chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam diễn ra chiều ngày 13/12/2017 có nhiều bài phát biểu ấn tượng. Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam, nhấn mạnh: Xác định ưu tiên và cải cách thể chế là hai động lực mạnh mẽ để nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng năng suất lao động.
Theo ông, để nhanh chóng hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ vào năm 2035, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách, thực hiện 6 ưu tiên. Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng thể chế hiện đại vì một Nhà nước có hiệu quả.
Suốt những năm qua, chính sách của Việt Nam giằng co giữa các ưu tiên, giữa sở hữu tư nhân và sở hữu Nhà nước, thị trường phi tập trung và kế hoạch hóa tập trung, giữa hội nhập và bảo hộ.
Nhà nước vừa muốn phát triển doanh nghiệp tư nhân, vừa muốn giữ doanh nghiệp Nhà nước. Đó chính là lý do vì sao DNNN vẫn giữ tỉ trọng tương đối ổn định trong nền kinh tế. Mặc dù Luật Doanh nghiệp năm 2000 góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân, nhưng cho đến nay cơ cấu thành phần kinh tế vẫn chưa có nhiều thay đổi.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết cơ cấu thành phần kinh tế trong 30 năm qua gần như không đổi. Khu vực Nhà nước chiếm đến 1/3 GDP, khu vực tư nhân chính thức chỉ đóng góp 7-8%, tư nhân phi chính thức đóng góp 30%, còn lại là đầu tư nước ngoài. Chuyển dịch cơ cấu sở hữu bị “bế tắc”, hầu như không có sự dịch chuyển nào đáng kể. TS. Cung gọi đây là một nghịch lý của nền kinh tế Việt Nam.
Theo ông Tự Anh, cải cách không thể nửa vời, định hướng cải cách cần mạch lạc. Nhà nước cần quyết định sự phối hợp hiệu quả giữa Nhà nước và Thị trường, xác định nhiệm vụ của Nhà nước và Thị trường. Thị trường và Nhà nước phải song hành, không thể xếp Thị trường dưới Nhà nước. Thể chế Thị trường và thể chế Nhà nước đều cần thay đổi.
Thể chế cần được cải cách theo hướng dung hợp, tức là một thể chế phục vụ lợi ích của số đông, đối lập với thể chế chiếm đoạt chỉ phục vụ cho lợi ích của một nhóm. Ở Việt Nam hiện vẫn còn nhiều chính sách chiếm đoạt như bất động sản, BOT. Những chính sách này phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ trong khi cả xã hội phải bỏ chi phí.
“Nếu như cho tôi chọn 1 ưu tiên cải cách, tôi chọn cải cách bộ máy đang thực hiện cải cách”, ông Tự Anh cho biết.
Lan Anh
Theo Trí Thức Trẻ