Trần Anh bán cho Thế giới Di động có thể là cái kết "có hậu" cho ban lãnh đạo sau nhiều năm đánh đổi lợi nhuận lấy tăng trưởng, còn Phong Vũ sáp nhập với Teko là cách mà thương hiệu này giữ được ngành kinh doanh cốt lõi là phân phối thiết bị tin học.
Ngoài thương vụ Trần Anh "bán mình" cho Thế giới Di động khá rầm rộ, một thương vụ kín tiếng hơn cũng mới được thực hiện gần đây. Theo đó, CTCP thương mại dịch vụ Phong Vũ, đơn vị có gần 20 năm trong lĩnh vực bán lẻ phần cứng, linh kiện máy tính tại Tp HCM, đã công bố thương vụ sáp nhập cùng Teko Việt Nam.
Khác với Phong Vũ là một thương hiệu có tiếng trên thị trường, Teko Việt Nam lại là một cái tên vẫn còn khá xa lạ với người tiêu dùng Việt. Doanh nghiệp này mới được thành lập từ đầu năm 2017, chuyên cung cấp trang thiết bị phần cứng trong lĩnh vực chơi game. Tiền thân của Teko Việt Nam là bộ phận thương mại điện tử của CTCP Phát triển Thể thao Điện tử Việt Nam (Vietnam Esports/VED) tách ra.
Với trên dưới 20 năm hoạt động, cả Trần Anh và Phong Vũ đều là những nhà phân phối lớn trong lĩnh vực thiết bị tin học và điện máy. Khởi đầu của Trần Anh là một cửa hàng kinh doanh máy tính và linh phụ kiện được thành lập vào năm 2002 tại Hà Nội. Còn Phong Vũ góp mặt trên thị trường phân phối các sản phẩm và linh kiện máy tính, thiết bị văn phòng từ năm 1997.
Khác với thực trạng hiện giờ, thời điểm đó phân phối thiết bị tin học là một thị trường rất sôi động, thậm chí giá linh kiện máy tính còn được cập nhật hàng ngày như giá vàng. Điều này phản ánh xu hướng vận động tự nhiên của thị trường khi những năm đầu thế kỷ 21 là thời gian lên ngôi của máy tính. Phong Vũ, Trần Anh, Robo, Hoàng Long hay Thành Nhân là những cái tên nổi bật khi đó.
Dù không có báo cáo nào đánh giá về thị phần của từng chuỗi cửa hàng vào giai đoạn 2006 – 2007, nhưng Phong Vũ ở miền Nam và Trần Anh ở miền Bắc là hai cái tên nổi bật nhất, một phần nhờ quy mô và thương hiệu lâu năm.
Nhắc đến mua máy tính, nhiều người Sài Gòn nghĩ ngay tới cửa hàng ở giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai và Cách Mạng Tháng Tám, cửa hàng lớn nhất của Phong Vũ tại vị trí đắc địa trên Quận 1. Còn Hà Nội, đó là 34K Lý Nam Đế hay 134 Thái Hà.
"Bắc Trần Anh, Nam Phong Vũ" cũng là danh xưng xuất hiện khi đó cho 2 cái tên này.
Tuy nhiên, với đặc tính vòng đời sản phẩm dài và ít có sự thay đổi, trong khi cuộc chạy đua trên thị trường smartphone với lợi nhuận lớn hơn khiến nhiều nhà bán lẻ rời bỏ thị trường này những năm sau đó. Theo số liệu từ GfK và các nhà bán lẻ, máy tính để bàn chỉ còn chiếm bình quân 10% thị phần bán lẻ sản phẩm công nghệ, doanh số chỉ bằng 1/2 so với laptop và thậm chí không bằng doanh thu màn hình.
Trả lời phỏng vấn báo chí, bà Trần Thị Minh Tâm, Giám đốc điều hành Phong Vũ cũng từng thừa nhận rằng smartphone đã dần thay thế các tính năng giải trí của máy tính khiến nhu cầu sử dụng máy tính dành cho giải trí giảm sút, dù nhu cầu làm việc trên máy tính vẫn đang tăng.
Quyết tâm bám trụ thị trường, chiến lược cho những thương hiệu lớn như Phong Vũ khi đó là đánh vào mảng khách hàng doanh nghiệp với gói dịch vụ có giá trị lớn, tạo giá trị gia tăng cao hơn. Trong khi Trần Anh, với sự xuất hiện của những cổ đông chiến lược mới, đã chuyển hương sang mảng điện máy và thiết bị di động.
Trần Anh từ mô hình cửa hàng tiện lợi, đã chuyển hoạt động sang mô hình chuỗi siêu thị và đánh dấu sự tham gia vào thị trường điện máy với 2 siêu thị trên 3.000 m2 tại 292 Tây Sơn và 1174 Đường Láng. Bắt đầu từ năm 2013 với sự góp mặt của Nojima, Trần Anh bước vào giai đoạn mở rộng "bất chất lợi nhuận".
Năm 2014 và 2015, mỗi năm Trần Anh mở thêm 6 siêu thị mới, đến năm 2016 tốc độ mở rộng của chuỗi điện máy này còn lớn hơn với 11 siêu thị được khai trường. Chỉ tính riêng từ giai đoạn 2013 – 2016, từ 4 siêu thị điện máy ban đầu, hệ thống của Trần Anh đã mở rộng lên 33 siêu thị với độ bao phủ tại 22 tỉnh thành.
Nhưng đi cùng với sự mở rộng nhanh chóng trong thời gian ngắn, chi phí phát sinh quá lớn trong quá trình tăng trưởng nóng đã ngốn hết lợi nhuận do hệ thống này tạo ra. Trong 4 năm tăng trưởng quy mô, dù biên lợi nhuận gộp của Trần Anh được cải thiện nhưng biên lãi thuần liên tục giảm, duy trì ở ngưỡng từ 0,2% - 0,5%.
Việc đánh đổi giữa lợi nhuận và tăng trưởng dù khiến kết quả kinh doanh của chuỗi điện máy này teo tóp nhưng ở khía cạnh khác, Trần Anh đã vươn lên vị trí số 1 về phân khúc sản phẩm này tại khu vực phía Bắc, đồng thời cũng trở thành món hời với dư địa tăng trưởng lợi nhuận – 2 điều kiện hợp lý để bán được giá tốt.
Nếu như Trần Anh sáp nhập với Thế giới Di động được coi là cái kết "có hậu" sau quá trình đánh đổi giữa tăng trưởng và lợi nhuận để giành giật thị phần, thì Phong Vũ sáp nhập cùng Teko được đánh giá là cách mà thương hiệu này được ngành nghề kinh doanh chính là phân phối thiết bị tin học và củng cố vị thế trên thị trường.
Sự thoái trào trên thị trường này, vốn đã được báo trước trong những năm gần đây với sự ra đi của chuỗi cửa hàng và thương hiệu như WonderBuy, Best Carings, Ebest, Home One hay Topcare, trong khi những cái tên lớn như Pico, Trần Anh hoạt động một cách cầm chừng với biên lợi nhuận thấp một cách "đáng kinh ngạc".
Trong bối cảnh thị trường gặp khó, mảng phân phối thiết bị game đang trở thành lối thoát cho những nhà phân phối này. Nhu cầu của người tiêu dùng với các sản phẩm máy tính dần bị thay thế bới máy tính bảng và smartphone thì nhu cầu đầu tư các khu gaming chất lượng cao đang ngày càng gia tăng, với những phần cứng đắt tiền và quy mô lớn. Đây đang trở thành là mảnh đất tiềm năng cho những đơn vị như Phong Vũ, nếu vẫn muốn bám trụ lại ngành nghề kinh doanh gần 20 năm.
Theo Tuyết Lan
Trí Thức Trẻ