Năm 2017 kỷ niệm 10 năm nước ta gia nhập WTO, cũng là 10 năm thành lập Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR). Nhìn lại sự phát triển của ngành, tại hội thảo về Nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế diễn ra mới đây, TS Đinh Thị Mỹ Loan - chủ tịch AVR đã chỉ ra những thành tựu và thách thức của ngành bán lẻ trong nước.
Ảnh minh họa: Getty |
Những bước tiến lớn
10 năm kể từ khi gia nhập WTO, ngành bán lẻ Việt Nam đã có những sự phát triển vượt bậc. Tổng mức bán lẻ 2010 đạt 88 tỷ USD, năm 2015 là 146 tỷ USD và năm 2016 đạt 158 tỷ USD, vượt xa con số dự báo của các hãng nghiên cứu thị trường. Mức tăng trưởng này cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng kỳ. Năm 2016, hãng tư vấn A.T.Kearney xếp Việt Nam đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.
Đóng góp vào nền kinh tế đất nước với 50% tổng số doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho hơn 5,5 triệu người lao động (2014), thu hút vốn đầu tư nước ngoài… Đó là những đóng góp đáng kể của ngành bán lẻ.
"Sự phát triển của ngành bán lẻ không chỉ có ý nghĩa với riêng bản thân ngành mà còn kéo theo sự phát triển của hầu hết các ngành sản xuất trong nền kinh tế", bà Loan tự hào nói về vai trò cầu nối giữa sản xuất với tiêu dùng của ngành.
Thách thức còn nhiều
Cũng tại hội thảo, bà Loan tỏ ra lo lắng về những thách thức mà ngành bán lẻ phải đối mặt. Chủ tịch AVR đưa ra những thông tin nóng hổi từ hội nghị và triển lãm quốc tế về bán lẻ khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 18 (APRCE 18) mới được tổ chức vào tháng 10/2017: "Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines đang tiến như vũ bão. Chúng tôi thực sự choáng ngợp và ngưỡng mộ."
Bà Loan bày tỏ sự nóng ruột: "Chúng ta đã đi nhanh được một chút, nhưng các nước khác thì đã chạy rồi."
Chủ tịch AVR đặc biệt nhấn mạnh về những tiến bộ công nghệ của các nước trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Theo bà Loan, những công nghệ đã được giới thiệu rất nhiều tại APRCE 18 và chắc chắn sẽ được triển khai trong tương lai ở nhiều nước.
"Viễn cảnh tương lai của ngành bán lẻ không thể tách rời các ứng dụng khoa học kỹ thuật đang nổi lên như Internet vạn vật, thực tế ảo, trí thông minh nhân tạo, robot, máy bay và xe không người lái", bà Loan chia sẻ.
Trên thực tế, chỉ riêng về mặt thanh toán cũng đã thấy Việt Nam đang đi sau nhiều nước trong khu vực. Theo World Bank, số lượng giao dịch phi tiền mặt trên bình quân đầu người của Việt Nam là 4,9, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (59,7), Malaysia (89). Đó là chưa kể tới các giải pháp trả tiền tiên tiến hơn, như: quét mống mắt, nhận diện khuôn mặt, xác minh vân tay… vốn đã xuất hiện tại các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Về mặt chiến lược phát triển ngành, không cần đi tới hội thảo quốc tế chúng ta cũng có thể nhìn ra những bước chạy dài của các nước láng giềng. Malaysia đã hợp tác với Alibaba thành lâp Khu thương mại tự do số (Digital Free Trade Zone) đầu tiên trên thế giới vào tháng 3 năm nay, kỳ vọng trở thành động lực lớn cho thương mại nước này. Bán lẻ Việt Nam đứng thứ 6 về độ hấp dẫn, nhưng Malaysia đã đứng thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Tại hội thảo, bà Loan còn chỉ ra sự cần thiết của việc hội nhập đối với ngành bán lẻ. "Ngày nay quan điểm các doanh nghiệp bán lẻ chỉ kinh doanh trên thị trường nội địa đã lạc hậu rồi". Chỉ nhìn vào sự thâm nhập mạnh mẽ của các nhà bán lẻ Thái Lan vào chính nước ta trong các năm qua (Tập đoàn ThaiBev thâu tóm Metro Cash & Carry, Central Group mua lại BigC, Nguyễn Kim), chúng ta không thể không đặt câu hỏi: Làm sao các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cũng có thể vươn ra thế giới?
Để đối mặt với các thách thức trên, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đề xuất các giải pháp như: chung tay nghiên cứu và định vị ngành bán lẻ Việt Nam, có chiến lược phát triển cho toàn ngành, tập trung đổi mới công nghệ...
"Chuyển đổi – Sáng tạo và Vượt xa hơn" là khẩu hiệu mà Hiệp hội đưa ra để tăng năng lực cạnh tranh của ngành.
Thảo Thảo
Theo Trí Thức Trẻ