Nhắc đến Cỏ May là nhắc đến hành trình đưa hạt gạo và những phụ phẩm của hạt gạo lên một đẳng cấp mới, nỗ lực biến Mekong đen thành Mekong xanh với sức lan tỏa mạnh mẽ của cách làm nông tử tế, một môi trường sinh thái an lành đến từng lá cây, ngọn cỏ…
Từ một tổ hợp xà bông nhỏ, cha anh đã lèo lái con thuyền Cỏ May qua bao sóng dữ, để tạo dựng 6 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến lương thực, sản xuất bao bì, resort ở Phú Quốc… Ông mất đi khi ký túc xá dành cho những sinh viên nghèo hiếu học còn dang dở, bao dự định tốt lành dành cho nông nghiệp công nghệ cao vẫn chưa được thực hiện.
Là con út của gia đình, Phạm Minh Thiện, chàng "dế mèn" đã được cha giao trọng trách lớn nhất tiếp nối câu chuyện tử tế của Cỏ May, và anh đã không phụ lòng cha, "ông chủ chân đất" miền Tây Phạm Văn Bên.
Hơn ai hết, anh thấu hiểu tấm lòng nhân hậu thăm thẳm suốt 30 năm từ người cha… để dốc lòng nghiên cứu, đưa công nghệ hiện đại của thế giới vào nông nghiệp một cách bài bản, hiệu quả.
Doanh nhân Phạm Minh Thiện cũng vừa đoạt giải Sao đỏ của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam năm 2017.
Nông nghiệp + Tri thức+ Công nghệ = Người ta
Ông Phạm Văn Bên có 5 người con, hai trai và ba gái, mỗi người đảm trách một mảng kinh doanh khác nhau. Hai anh trai lớn lo nguồn nguyên liệu, người chị thứ hai đảm trách mảng bao bì, chị thứ ba lo kinh doanh resort ở Phú Quốc. Còn Thiện là người bao quát mọi chiến lược kinh doanh và sản xuất của Cỏ May.
"Giờ thì ba có thể hoàn toàn yên tâm ra đi rồi. Mọi thứ vẫn tăng trưởng đều, anh em hòa thuận, đồng cảm với cha trong nhiều vấn đề. Cuộc chuyển giao thế hệ của cha đã hoàn tất có lẽ nhờ các con đều được truyền nghề nhiệt tình, giao công việc nhiều hơn…".
Ông Phạm Văn Bên.
Cha tôi là người cứng rắn và kiên định, nhưng rất nhân hậu. Khi gia đình bắt đầu nghiệp kinh doanh bằng cơ sở sản xuất xà bông, ba đi quanh năm suốt tháng, mỗi lần nghe tiếng xe honda 67 mới biết ba về.
Thấy cha bán buôn vất vả, tần tảo vô cùng, điều tôi day dứt nhất trong những năm tháng du học tại Singapore là làm sao tìm ra lối đi mới cho hạt gạo miền Tây?
Nước mình nghèo quá, nhìn về bức tranh nông nghiệp, thấy những sản phẩm nông nghiệp tạo ra giá trị thấp quá, trong khi ở Singapore cái gì cũng rất đắt tiền, từ đôi dép đến mớ rau, cái quần, cái áo….
Còn quê mình cái gì làm ra bán cũng rẻ, đời sống người dân rất khổ cực…
Khi trở về với Cỏ May, cảm nhận đầu tiên của tôi là về lòng tốt, sự tử tế nơi cha đã gieo trồng, CEO trẻ trải lòng.
Nhiều khi tôi bất chấp mưa gió, đêm hôm, đội mưa chạy một hai chục cây số đến nhà máy sửa chữa cái máy bị hư, mặc dù chẳng ai biết. Được làm thành viên trong mái ấm mà chữ tình rất đầy, rất lớn khiến tôi cảm thấy tự hào, động lực cống hiến đẩy lên rất nhiều.
Cách điều hành của cha, một "lão nông chân đất" không khác mấy so với một doanh nhân "chân giày" còn rất trẻ như anh. Cha là người có tầm nhìn xa, hiểu rất rõ con đường phải đi. Anh chỉ là người hiện thực hóa con đường đó. Đầu tư lớn cho nhà máy chiết xuất hợp chất Gamma Oryzanol từ cám gạo là bước đi quá táo bạo với Phạm Minh Thiện.
Anh lý giải: "Là một đất nước đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng xưa nay người dân chỉ sử dụng cám gạo cho thức ăn chăn nuôi, mà không biết trong thành phần cám có hàm lượng dinh dưỡng cực kỳ quý giá.
Hợp chất Gamma Oryzanol được coi như chất chống oxy hóa thực vật, có thể tạo ra nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng. Cỏ May có sẵn nhiều lợi thế để triển khai, dù đây là lãnh vực rất mới mẻ.
Sự táo bạo này sẽ có nhiều rủi ro, nhưng đó là rủi ro cần thiết. Nếu ngại rủi ro, không dám dấn thân, không thể tạo ra những giá trị gia tăng tốt hơn. Chúng ta không thể nào trông đợi những kỳ tích từ lấy công làm lời, kỳ tích chỉ có thể xảy ra khi tạo giá trị gia tăng.
Chiến lược phát triển dựa trên nền tảng nông nghiệp, yếu tố khoa học công nghệ, đó là hướng đi cho Cỏ May, để bớt gánh nặng lên vai người nông dân và áp lực lên hạt gạo.
Nhưng để làm được điều này phải có sự liên kết mạnh mẽ giữa nhà nước, nhà nông và doanh nghiệp, để tạo sức mạnh vô hạn, nhưng trở ngại lớn nhất là lòng tin. Chúng ta không tin nhau. Nếu giải quyết vấn đề lòng tin sẽ tháo gỡ được tất cả".
Trong một thị trường đầy bấp bênh, việc xây dựng trung tâm nghiên cứu cho các nhà khoa học của anh đòi hỏi mất nhiều công sức, tiền bạc.
Lường trước những tình huống xấu nhất và có giải pháp cụ thể để dấn thân, trung tâm nghiên cứu Cỏ May ước tính tổng đầu tư khoảng gần 20 tỷ, chưa tính nhà xưởng.
Về con người, Cỏ May huy động đội ngũ khoa học trẻ tuổi được đào tạo bài bản chính quy ở nước ngoài thông qua chương trình 1.000 tiến sĩ, liên kết với trường Cao đẳng công nghệ, tạo đất dụng võ cho họ, vừa giảng dạy lý thuyết vừa nghiên cứu thực nghiệm để tạo lợi thế cạnh tranh.
Anh Thiện tin rằng chỉ có những nhà khoa học miền Tây mới hiểu rõ đất đai thổ nhưỡng, giá trị tiềm năng của miền Tây.
Giống lúa mới Nosavina là nỗ lực của riêng Cỏ May, hiện hơn 10 giống lúa của Cỏ May đều đạt chất lượng xuất khẩu, không thua kém sản phẩm nào của các nước láng giềng mà giá lại thấp hơn khoảng 2.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, nỗi đau lớn nhất của anh là Việt Nam lại thua hoàn toàn vì không được ghi tên trên bản đồ lúa gạo thế giới về tên gạo hay thương hiệu.
Để bảo đảm có "gạo ngon 4 mùa" an toàn, chiến lược liên kết uyển chuyển giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp và…'ông' phân bón đã được anh triển khai quyết liệt.
Hoàn chỉnh quy trình sản xuất và chế biến gạo Long Châu 66, gạo Ngọc Sa… an toàn, đáp ứng đủ sản lượng cho hệ thống phân phối khoảng 1000 điểm bán, vấn đề khó nhất đặt ra với Cỏ May là lòng tin của người tiêu dùng vào nhà sản xuất, lòng tin của nhà sản xuất với nông dân.
Có khi ký hợp đồng mua lúa với nông dân, coi vùng trồng, chốt với HTX giá lúa rồi, đặt tiền cọc một trăm triệu giá 5,2 ngàn đồng/kg, tới khi thu hoạch, giá lúa thị trường lên 5,6, tất cả hợp đồng đều … bể, không một lời giải thích!
Anh mày mò tìm ra hướng đi khác, cũng cam kết nhưng không với nông dân mà với người cung cấp… phân bón, vì nông dân phải gắn chặt quyền lợi với họ, buộc phải đi kiếm đầu ra để bảo đảm không bị giật nợ.
Cỏ May đã đặt mua 1.000 tấn lúa với nhà cung cấp phân bón, họ tự lo bán phân bán thuốc cho nông dân, vừa thu được nợ vừa có lời, nông dân cũng khỏe. Mối liên kết tự nhiên hình thành bền chặt, nhờ ai cũng giữ lợi ích cho mình, muốn thế phải bảo đảm uy tín. Nhờ đó liên kết này hình thành, lòng tin lớn lên thì sản lượng cũng tăng.
Theo anh, kiến tạo lòng tin có hai cách, một là các tiêu chuẩn áp dụng uy tín, hai là bằng thương hiệu, điều này có vẻ khả dĩ hơn trong chừng mực nào đó. Hiện hai nhà máy của Cỏ May bao tiêu theo kế hoạch khoảng vài ngàn tấn lúa/ năm, vừa tìm cho mình vùng nguyên liệu cao cấp, vừa tìm mô hình liên kết hữu hiệu để tăng diện tích lúa liên kết, với mong muốn chủ động hơn trong kế hoạch kinh doanh.
"Lối thoát vẫn là thị trường thế giới, không phải làm tới đâu hay tới đó nữa. Đối tượng được trông cậy nhiều nhất vẫn là doanh nghiệp.
Ở New Zealand chỉ cần một loại cây Kiwi làm tới nơi tới chốn cũng ra toàn thế giới. Nếu mình làm đúng chuẩn thế giới thì đó là lối ra cực kỳ hấp dẫn cho một sản phẩm.
Con số thống kê gần đây kim ngạch rau củ quả tăng lên mang lại niềm tin sự phát triển thị trường này. Nên chọn thị trường khó tính để nâng tầm sản phẩm trước, từ đó dễ đi thị trường khác hơn… Nếu doanh nghiệp thu lợi trực tiếp từ nông sản sạch chắc chắn đất sẽ được cứu.
Câu chuyện sạch trong điều kiện thực tại của miền Tây phải dần dần từng bước. Muốn liên kết thành công thì doanh nghiệp phải hy sinh, tự làm "chuột bạch" cho chính mình.
Để tạo lập môi trường sạch từ kẻ bán, người mua là bài toán khó nhất với doanh nghiệp, câu chuyện Mekong xanh chỉ có thể giải quyết bằng công nghệ, thị trường.
Không thể xử lý từ gốc, mà phải xử lý từ thị trường đến các nhà nghiên cứu rồi mới đến gốc. Một quy trình ngược.
Đối với anh, nghiên cứu, kinh doanh nào cũng phải thỏa mãn hai điều kiện: Triển khai những cái không hại đến môi trường, ưu tiên triển khai những cái có lợi, có giá trị cao cho xã hội.
Anh đã từng phải gạt bỏ giải pháp xử lý trấu thành gỗ dù nó mang lại lợi nhuận rất cao, vì có công đoạn xử lý tinh thể trấu bằng chất chất phooc mon.
Anh vừa mở một quán cà phê mang tên Cỏ May tại TP. HCM như một cách giới thiệu sản phẩm bằng …đối chứng.
Trong không gian lãng mạn đầy hoa, âm nhạc nhẹ nhàng, thực khách có thể thưởng thức các món ăn từ nông trường sinh thái của Cỏ May với giá 55 ngàn đồng/suất toàn "của nhà trồng được" như gạo dẻo, rau củ quả, cá phi lê, nấm rơm…
Đây cũng là cách để anh thăm dò thị trường nông sản, khuyến khích người Việt dùng hàng Việt.
Anh cho biết: "Phụ phẩm của cá tra xuất khẩu lâu nay dùng để bán cho các công ty chế biến bột cá, mỡ cá. Hôm rồi, bộ phận chế biến thủy sản Cỏ May đã tách da cá riêng để xuất đi Singapore với giá gấp rưỡi so với bán phụ phẩm!
Có lần đi hội thảo ngành hàng vịt, đa số bà con nông dân đều trăn trở về đầu ra của trứng vịt, sao cho khỏi bếp bênh, lời ít cũng được. Nghe đâu được công ty Vĩnh Thành Đạt bao tiêu để xuất đi Singapore, mọi người đều mong muốn được tham gia vô chuỗi liên kết đó.
Mừng thiệt. Tôi lang thang bên Singapore, vô tình thấy người ta bán… da cá trộn trứng muối mần theo kiểu snack, mua về ăn thử, thiệt tình là ngon và mắc. Cái bịch nhẹ hều ăn xíu là hết mà nỡ lòng nào bán cả trăm ngàn. Thiệt tình".
Cá da trơn Việt Nam chỉ trong vài năm đã chinh phục thị trường thế giới ngoạn mục, mang về cho đất nước 1 tỷ USD mỗi năm. Kiên trì với chuyện làm cho con cá da trơn của quê nhà có chỗ đứng đúng với giá trị của nó, sự kiện "Cooking Show" của Cỏ May Imexco được tổ chức tại cà phê Cỏ May đã được đánh giá rất cao về nỗ lực tận dụng mọi phụ phẩm, chính phẩm vào căn bếp của người Việt.
Bên cạnh đó, nông trường sinh thái Cỏ May còn có tour du lịch tham quan và nghỉ dưỡng mang tên "Trở lại thiên nhiên".
Đó là giấc mơ mà tôi muốn đem đến cho mọi người, để được hòa mình vào sông nước, vào hoa trái, ăn sản vật thiên nhiên đặc trưng bản địa, cảm nhận từng lá sen non, từng bông điên điển, con cá rô đồng, cá lóc đồng...
Ở đây, tới cành hoa dại ven đường cũng xinh nữa… Công thức thành công của tôi là Nông nghiệp + Tri thức+ Công nghệ = Người ta"
Với công ty Cỏ May Bách Hoa vừa thành lập, "chàng nông dân lãng tử" Nguyễn Minh Thiện chia sẻ: "Tôi ráng làm cho người Thái phải nể cái "Bách hoa cung" của Cỏ May ở Sa Đéc.
Bách Hoa sẽ cung cấp hoa (chủ yếu là hoa hồng) và rau củ quả cho toàn vùng theo công nghệ Israel, cùng các sản phẩm có giá trị gia tăng khác như tinh dầu hoa hồng, dược phẩm, mỹ phẩm từ hoa hồng.
Chúng tôi đang hợp tác với công ty Goldeneye Technologies (TP.HCM) nghiên cứu quy trình trồng hoa công nghệ cao, tự động hóa, không thuốc bảo vệ thực vật, tạo nên những gói giá trị hoa sống đặc trưng để cung cấp cho thị trường TP.HCM cùng các TP lớn khác trong và ngoài nước.
Hệ thống 100 phòng đạt tiêu chuẩn resort bốn sao sẽ kết hợp với sản vật địa phương để tạo dựng thương hiệu cho hoa Sa Đéc cùng các lễ hội hoa, ẩm thực hoa…
Mục tiêu của Cỏ May Bách Hoa là có thể giữ chân 20.000 đến 30.000 du khách mỗi năm".
"Của cho không bằng cách cho"
Cha anh đã từng bỏ 40 tỷ đồng để xây ký túc xá cho sinh viên và âm thầm cấp học bổng cho các sinh viên nghèo suốt một thời gian dài. Ông có thói quen đúng ngày mùng một tây hàng tháng ra ngân hàng chuyển tiền cho các sinh viên.
Ông không để cho nhân viên kế toán làm, mà tự mình đi ra ngân hàng chuyển cho từng em, báo cho từng em. Cái bóng quá lớn của cha với anh không hề là thách thức, mà là sự tự hào. Anh tiếp nhận tất cả bằng trái tim mẫn cảm giàu tình yêu thương đã được nuôi dưỡng từ thủa ấu thơ.
Nằm trong khuôn viên Đại học Nông Lâm, Thủ Đức, TP.HCM, ký túc xá Cỏ May khang trang hiện đại được thiết kế đầu tư dành riêng cho các sinh viên nghèo học giỏi.
Nhìn vào bảng thành tích học tập "siêu khủng" của các em như Lê Hữu Thông quê Quảng Ngãi, thủ khoa ĐH Khoa học Tự nhiên với điểm tổng kết năm nhất 9,44, Trần Thị Minh Trang quê Lâm Đồng, sinh viên năm 4 khoa Công nghệ phần mềm đại học Công nghệ thông tin với điểm trung bình tích lũy ba năm là 8,96… mới hiểu người đã góp phần chia sớt nỗi nhọc nhằn hàng ngày để giúp các em sinh viên tỏa sáng.
Nụ cười hiền như tên gọi, cách ứng xử chân thành, giản dị, biết hài hước cả những lúc cơ cực nhất… anh luôn thu hút người đối diện bằng cái tâm trong sáng, sự minh bạch trong mọi hành xử.
Ngày nhỏ anh thường được cha gọi là "dế mèn", giờ lớn lên, giống cha mình, mỗi kỳ tuyển sinh anh đều rất bận rộn. Đích thân anh tìm hiểu thông tin trên báo chí qua mỗi kỳ tuyển sinh, để chọn ra những người xứng đáng. Trò chuyện với mỗi sinh viên để tìm hiểu hoàn cảnh, giấc mơ mỗi người, trao xuất học bổng và chỗ ở đàng hoàng cho các em, mở thêm những khóa học tiếng Anh miễn phí trong ký túc xá…
Mỗi tuần đều đặn, anh đều chuyển cho mỗi sinh viên số tiền 280.000 đồng. Một sinh viên giỏi mỗi năm được nhận học bổng 30 triệu đồng. Mức chi phí cho 200 sinh viên khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm, khi sinh viên ở đầy, con số này có thể lên 18-20 tỷ đồng/năm.
Anh luôn nhắc nhở các nhân viên của mình về "của cho không bằng cách cho", phải thật tinh tế và nhẹ nhàng để các em cảm thấy được ấm lòng.
Theo anh, cư xử tất cả bằng lương tâm, bằng lòng trắc ẩn thì trước khó khăn thất bại sẽ dễ xử lý hơn.
Văn hóa Cỏ May trước hết mọi người đều phải được tôn trọng. Để được tôn trọng, phải có văn hóa tự trọng. Điều Thiện sợ nhất là tư duy ban phát, xin cho tồn tại trong ký túc xá…
Giữ được một phong thái tự tin, chủ động trong mọi hoàn cảnh, sức mạnh đó có được là nhờ anh đã mặc định trong đầu mình rằng đang cố gắng viết tiếp câu chuyện của ba, và coi đó là mục tiêu, là niềm vui phấn đấu.
Anh tâm sự: "Mỗi khi làm được việc gì, giống như là tự báo cáo với ba vậy đó. Ba tôi rất yêu quê hương, thành ra mình làm gì có lợi cho quê hương cũng là điều ba mơ ước. Nghề nghiệp nào cũng có cách cống hiến khác nhau.
Doanh nhân cũng vậy, một nghề không có thời gian kết thúc công việc, không có thời gian bắt đầu. Tôi không nghĩ mình sẽ làm gì để được gì, mà nghĩ mình nên làm gì, muốn làm gì? Làm với sự nhiệt tình, trong sáng trong công việc.
Nghề nào cũng đòi hỏi sự dấn thân và trách nhiệm. Ông bác sĩ có trách nhiệm với bệnh tật, luật sư trách nhiệm với luật, doanh nhân có trách nhiệm với hàng hóa. Suốt 30 năm lập doanh nghiệp của gia đình, thương hiệu Cỏ May được tạo dựng cả phần xác và phần hồn.
Nếu không tạo được phần hồn cho doanh nghiệp sẽ thiếu tính bền vững. Phần hồn của Cỏ May nằm ở sự đóng góp cho xã hội, cam kết tính bền vững của mình, trách nhiệm với xã hội của mình. Một doanh nhân đòi hỏi cái tâm, nếu không có tâm chẳng khác nào con buôn".
Với doanh nhân, trách nhiệm xã hội được đặt ra nhiều hơn đối với nghề khác, điều đó là cần thiết. Cỏ May chọn hình thức đầu tư cho giáo dục, tức là đầu tư cho tương lai.
"Một cuộc chạy tiếp sức ba rời cuộc, mình bắt đầu nhập cuộc, cung đường đó cả gia đình Cỏ May đều cùng chạy. Tôi cũng mừng đã tạo được sự an tâm cho cha trước khi từ giã cõi đời. Rất tiếc cha không còn để nhìn thấy các em trong mùa tuyển sinh đầu tiên vô ký túc xá Cỏ May. Nhiều bữa làm việc mệt quá, thỉnh thoảng ra ký túc xá nhìn các em lại có thêm động lực để chiến đấu tiếp…".
Trong nghệ thuật lãnh đạo, anh coi trọng trách nhiệm và lòng tự trọng, phẩm giá của mỗi con người. Lòng từ tâm của cha đã thấm vào từng nhân viên của Cỏ May, anh chỉ muốn thổi thêm tinh thần văn minh trong ứng xử.
"Tôi muốn gắn trách nhiệm xã hội vào trong cách hành xử của từng người. Một khi những người Cỏ May có cách hành xử văn minh hơn cách hành xử của xã hội bên ngoài sẽ lan tỏa giá trị cho toàn xã hội. Thách thức lớn nhất bây giờ với tôi là nhân sự.
Trong quá trình phát triển, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng vấp phải khủng hoảng về mặt nhân sự. Một đoàn thủy thủ đi trên chiếc ghe khác, đi ra đại dương khác. Không thể bước ra cửa biển với tâm thế của người chèo ghe", anh nhấn mạnh.
Theo Kim Yến
Diễn Đàn Đầu Tư