Trong khi một số nhân viên kinh doanh có khả năng đạt được một số kết quả ngắn hạn mà không cần xây dựng các mối quan hệ, thì những ai muốn đặt nền móng cho thành công lâu dài đều biết rằng họ không thể làm được việc đó nếu không cố gắng xây dựng một mạng lưới quan hệ hiệu quả, hay thuật ngữ chuyên môn gọi là networking.
Dưới đây là một số lý do tại sao xây dựng mạng lưới quan hệ lại là công cụ đắc lực nhất của dân sales:
1. Một hình thức marketing trực tiếp
Xét về một số phương diện thì networking không khác gì quảng cáo trực tiếp. Đó là một cách để cho người khác biết mình là ai và có thể mang lại cho họ những gì, là cơ hội để bạn được biết đến và tạo dựng tên tuổi cho chính mình. Cuốn người khác vào những cuộc hội thoại trực tiếp và có ý nghĩa thường để lại ấn tượng tốt hơn là một cuộc điện thoại chào hàng. Khi thực hiện đúng cách, thì kể cả khi ai đó không quan tâm đến việc mua hàng của bạn bây giờ, họ cũng sẽ nhớ đến bạn lâu hơn và điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn lao về lâu về dài.
2. Những cơ hội đặc biệt
Networking thường được coi là một cách để mở ra cánh cửa với nhiều cơ hội nghề nghiệp mới – và trong thế giới của dân sales, nó sẽ mang lại rất nhiều cơ hội bán hàng. Chắc chắn bạn sẽ được người khác tiếp cận để tìm hiểu thông tin nếu thể hiện rõ được rằng mình mang lại được những giá trị thiết thực cho người khác.
3. Kênh quảng bá hiệu quả
Một lợi ích quan trọng khác của hoạt động tạo dựng quan hệ là nó mang lại cho người bán hàng cơ hội xây dựng một kênh quảng bá hiệu quả. Hãy nhớ rằng, networking thực sự không phải là tập trung vào việc làm cho mình tiến lên phía trước – mà là có thể làm gì đó để giúp được người khác giải quyết vấn đề của mình. Bạn có thể không đủ khả năng giúp một người làm công việc thiết kế đồ họa, nhưng bạn có thể giới thiệu người đó với một chuyên gia thiết kế có năng lực mà bạn biết chẳng hạn.
4. Tạo dựng uy tín
Hầu hết chúng ta có thể nhận diện được sự khác nhau giữa một người thực sự muốn mang lại giá trị cho người khác (dù họ có khả năng trở thành khách hàng hay không) và một người chỉ chăm chăm lo bán được hàng. Dù bạn đang chia sẻ kiến thức hay giúp đỡ người khác tạo dựng các quan hệ hữu ích, thì mang lại các giá trị thiết thực sẽ cho phép bạn tạo dựng uy tín trong cộng đồng và lĩnh vực của mình.
Xây dựng uy tín trong một lĩnh vực sẽ giúp bạn trở thành mục tiêu tìm đến của nhiều khách hàng trong tương lai, và từ đó sẽ tạo ra nhiều cơ hội bán hàng một cách tự nhiên.
5. Học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ
Có lẽ khía cạnh giá trị nhất của hoạt động mở rộng quan hệ là nó cho phép người làm kinh doanh hiểu được thêm về nhu cầu của khách hàng. Khi bạn thực sự lắng nghe ai đó, bạn sẽ có cơ hội hiểu được câu chuyện của họ và biết được những vấn đề mà họ cần giúp đỡ để giải quyết. Bạn cũng có thể sẽ hiểu được một công ty hay một ngành nào đó vận hành ra sao, hoặc những rào cản nào còn tồn tại có thể cản trở hoạt động kinh doanh của bạn. Nhờ đó bạn dễ dàng biết được làm thế nào để sản phẩm hay dịch vụ của mình có thể giúp khách hàng giải quyết vấn đề của mình. Ngoài ra, hoạt động networking còn cho bạn cơ hội nhìn mọi thứ từ một góc nhìn khác và tiếp thu những phản hồi để có thể làm tốt công việc của mình hơn.
Networking không phải nhằm mục đích bán được hàng ngay lập tức (mặc dù điều đó có thể xảy ra trong một số trường hợp). Thay vào đó, mục đích chủ yếu của hoạt động này là nuôi dưỡng những mối quan hệ có khả năng mang lại lợi ích lâu dài. Khi bạn coi đây là một hoạt động quan trọng bậc nhất cho việc kinh doanh, bạn sẽ có khả năng gặt hái những kết quả tốt đẹp hơn nhiều.
Đinh Vân
Theo Trí Thức Trẻ