Sau hàng thế kỷ bút mực, giấy tờ và tiền giấy thống trị các giao dịch ngân hàng, công nghệ số giờ đây đang mang một cấp độ mới về phân tích, kết nối và quyền lực giao dịch đến tận tay khách hàng theo đúng nghĩa đen.
Công ty công nghệ tài chính (fintech) và ngân hàng thường được mô tả như những đối thủ của nhau. Có nhiều đồn đoán rằng ngành tài chính trong tương lai sẽ có cùng số phận với công nghiệp thu âm, vốn đã bị phá hủy bởi nhạc số hay ngành vận tải truyền thống đang chịu áp dụng lớn do sự xuất hiện của Uber.
Nhưng dù có tham vọng gì, công nghệ cần vận hành trong một môi trường an toàn nơi dữ liệu khách hàng phải được bảo vệ. Điểm mấu chốt chính là lòng tin.
Báo cáo Lòng tin vào công nghệ của HSBC phát hành năm 2017 cho thấy rằng liên quan đến vấn đề tiền bạc, điều con người cần nhất ở người phụ trách quản lý tiền của họ chính là sự tin cậy và đảm bảo.
Lòng tin chính là cơ sở cho mọi mối quan hệ. Các ngân hàng có hàng thập kỷ xây dựng hạ tầng rộng khắp, phát triển các giải pháp đáp ứng các yêu cầu về pháp lý và tuân thủ, và trên hết, gầy dựng lòng tin cho khách hàng.
Đó là lý do tại sao để tồn tại, các ngân hàng không thể xao lãng khỏi nhiệm vụ trọng yếu của mình: Bảo vệ và trông nom tiền bạc của khách hàng một cách có trách nhiệm.
Nhưng điều này không có nghĩa là ngân hàng không cần bắt đầu ứng dụng các công nghệ tiên tiến hơn để cải thiện trải nghiệm của khách hàng.
Và các ngân đang làm điều đó.
Nâng cao trải nghiệm và tiếp tục đảm bảo an toàn cho khách hàng
Các ngân hàng đang đầu tư mạnh mẽ vào các công nghệ mới. Chi phí đầu tư dự kiến tiếp tục tăng lên khi các ngân hàng tìm cách tận dụng tiến bộ công nghệ và các giải pháp kỹ thuật số nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động, duy trì cạnh tranh và tuân thủ luật pháp.
Nhìn từ phía hậu trường, một số quan hệ hợp tác đang hướng tới giúp cho các ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn. Ví dụ, HSBC đã đầu tư vào một công ty khởi nghiệp đang phát triển một công nghệ cho phép rà soát các giao dịch tài chính có giá trị lớn nhằm phát hiện ra các kiểu giao dịch đáng ngờ. Điều này sẽ giúp chúng tôi đấu tranh chống tội phạm tài chính hiệu quả hơn, và trên hết là giữ an toàn cho tiền của khách hàng.
Nhưng không biết tận dụng sức mạnh của công nghệ để nâng cao trải nghiệm cho khách hàng sẽ là một thất bại thật sự.
Ngành dịch vụ tài chính đang trải qua một thời kỳ thay đổi chưa từng có. Sau hàng thế kỷ bút mực, giấy tờ và tiền giấy thống trị các giao dịch ngân hàng, công nghệ số giờ đây đang mang một cấp độ mới về phân tích, kết nối và quyền lực giao dịch đến tận tay khách hàng theo đúng nghĩa đen.
Những thay đổi này chỉ mới diễn ra trong vài năm trở lại đây – và chúng phục vụ cho một thế hệ khách hàng mới lớn lên trong thế giới số.
Thế hệ thiên niên kỷ (sinh từ 1982 - 1995) cần các dịch vụ tiện lợi và những cách thức tiếp cận mới, bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào họ muốn. Họ muốn những dịch vụ linh hoạt, tốc độ, có hiệu lực tức thì với giá cả cạnh tranh và mang dấu ấn cá nhân.
Hợp tác với Fintech
Fintech đang bước vào cuộc chơi nhằm đáp ứng nhu cầu và những khoảng trống trên thị trường.
Mối quan hệ giữa các Fintech mới nổi và ngành ngân hàng truyền thống thỉnh thoảng được mô tả khá căng thẳng, thậm chí như là một cuộc chiến.
Nhưng những gì đang diễn ra có thể khác xa những lời đồn đoán. Thật sự, ngân hàng và fintech đang hợp tác với nhau, giúp ngân hàng có thể tiếp cận các công nghệ mới còn fintech có thể tiếp cận nguồn vốn và quy mô thị trường lớn hơn.
Sự hợp tác của HSBC với Tradeshift là một ví dụ. Giờ đây ngân hàng có thể tích hợp các giải pháp tài chính trên các nên tảng chuỗi cung ứng khác nhau vì lợi ích của các khách hàng doanh nghiệp. Họ có thể dễ dàng quản lý các tài khoản và các mối quan hệ với các nhà cung cấp qua kênh trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian và cắt giảm thủ tục giấy tờ.
Các ngân hàng lớn và các Fintech khởi nghiệp có thể mang lại nhiều giá trị cho nhau. Ngân hàng có nền tảng khách hàng lớn, hạ tầng ổn định, tài sản và sự am hiểu luật pháp. Các công ty khởi nghiệp mang lại lối tư duy cởi mở, chuyên môn kỹ thuật và sự nhạy bén trong việc thích ứng để thay đổi.
Cùng với nhau, cả hai bên có thể đạt được nhiều thành công hơn trong việc cải thiện các dịch vụ tài chính và trải nghiệm khách hàng thay vì cạnh tranh với nhau. Và chúng ta sẽ thấy nhiều hơn các mối quan hệ đối tác giữa ngân hàng và fintech trong các năm tới.
Cơ hội mới
Các ngân hàng có thể điều chỉnh, tận dụng những cải tiến và công nghệ mới do các Fintech phát triển để nắm bắt các cơ hội mới và thậm chí mở rộng thị phần.
Một số ngân hàng hiện đang đầu tư vào Fintech, điều này phản ánh sự dịch chuyển từ quan hệ đối thủ sang quan hệ hợp tác. Cụ thể, xu hướng là đầu tư vào công nghệ mới và cung cấp các bổ trợ cho kỹ thuật và hạ tầng hiện tại, thay vì cản trở nhau hay phát triển riêng rẽ.
Đối với HSBC, cách tiếp cận là thành lập một nhóm Đầu tư chiến lược phụ trách tìm hiểu về hoạt động khởi nghiệp, xác định các công ty tiềm năng để đầu tư và cung cấp những công nghệ mà chúng tôi có thể ứng dụng được.
Và họ tin rằng khi hành động vừa như nhà đầu tư, vừa như khách hàng, ngân hàng sẽ nhận được nhiều giá trị hơn từ các công ty mới, và các công ty ấy cũng nhận được nhiều giá trị hơn từ mối quan hệ với ngân hàng. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc nuôi dưỡng loại hình sáng tạo kỹ thuật vốn rất cần thiết cho sự vận hành hiệu quả hơn của các hệ thống và thị trường tài chính, và cải thiện trải nghiệm khách hàng một cách toàn diện.
Trong một động thái nhằm giúp các công ty tiếp cận một thị trường với gần nửa tỷ khách hàng sử dụng điện thoại di động để thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ, HSBC trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên tại Trung Quốc giới thiệu dịch vụ thu hồi nợ đa kênh hoạt động trên tất cả các kênh trực tuyến chủ chốt. Giải pháp mới này cho phép các điểm bán lẻ tại Trung Quốc thu hồi thanh toán của khách hàng trên nhiều ví điện tử các khác nhau như Alipay, WeChat Pay, Apple Pay và UnionPay.
Tại Việt Nam, họ cũng kết hợp với một Fintech địa phương - VietUnion để giúp cho việc thanh toán dư nợ thẻ tín dụng trở nên tiện lợi hơn bao giờ hết - tại bất kỳ điểm bán lẻ nào trong mạng lưới rộng khắp lên tới 5.000 điểm kết nối với Payoo. Họ cũng có thể lựa chọn thực hiện giao dịch bằng cách sử dụng ví điện tử Payoo.
Rõ ràng là, trong một thế giới mà thanh toán di động đang ngày càng phổ biến, các công ty, đặc biệt là các công ty đa quốc gia tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng phải nhận biết được sở thích của khách hàng và đưa ra cho họ sự lựa chọn linh hoạt về cách thức, địa điểm và thời điểm họ muốn thực hiện thanh toán.
Sự vận động của ngành dịch vụ tài chính không phải là một trò chơi có tổng bằng 0. Ngành ngân hàng sẽ khác đi rất nhiều trong những năm tới so với chính nó bây giờ - với sự thay đổi từ luật pháp, công nghệ, nhân khẩu học cho đến kỳ vọng của khách hàng.
Áp lực mà Fintech đang tạo ra cho các ngân hàng không phải là sự hủy hoại. Nhưng liệu các ngân hàng truyền thống có thể vẫn là những người chơi chủ chốt hay không? Điều đó tùy thuộc vào cách họ tận dụng các cải tiến của Fintech đang phát triển mạnh mẽ xung quanh họ.
Tác giả bài viết là Bà Jennifer Doherty
Giám đốc phụ trách Cải tiến khu vực Châu Á, Bộ phận Thanh khoản và Quản lý tiền tệ,
Tập đoàn HSBC
Theo PV (ghi)
Trí Thức Trẻ