Tương lai ngành ngân hàng qua góc nhìn của CEO HSBC Việt Nam: Những chi nhánh không người, 90% công việc sẽ bị thay thế bởi máy móc.

90% hoạt động hiện nay của ngành ngân hàng máy móc có thể thay thế và ra quyết định, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nhận định. Hiện một số ngân hàng ở Việt Nam bắt đầu đưa ra hình thức chi nhánh không người phục vụ. Ngân hàng là lĩnh vực hút nhiều nhân sự ở Việt Nam. Tính riêng Agribank, lượng nhân sự đã lên tới gần 36.000 người…
Chia sẻ bên lề Tọa đàm Số hóa – Tương lai của doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam – nhận định: 90% công việc có thể bị thay thế bởi máy móc.

Ngân hàng là một trong những lĩnh vực hút nhiều nhân sự. Tính sơ trong nhóm Big4, nhân sự của 4 ngân hàng này đã lên tới hơn 85.000 người.

Căn cứ trên báo cáo tài chính của các ngân hàng, tính đến ngày 31/12/2017, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có 24.588 nhân viên, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có 16.227 nhân viên, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) có 8.766 nhân viên, Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam (Agribank) khoảng 35.903 người (riêng Agribank chỉ tính đến 31/12/2016).

"Hiện một số ngân hàng ở Việt Nam bắt đầu đưa hình thức chi nhánh không có người phục vụ. Khách hàng tới ngân hàng mở tài khoản hay sử dụng các dịch vụ khác đều giao tiếp với máy móc", ông Hải cho biết.

"So sánh giữa máy móc với con người, máy bao giờ cũng mạnh hơn về khối óc, mạnh hơn về độ ghi nhớ, mức độ xử lý cũng như tốc độ xử lý thông tin".


Với rất nhiều nghiệp vụ ngân hàng hiện nay, máy móc có thể làm thay con người. Đơn cử như tại HSBC trước đây, tất cả giao dịch ngoại hối đều thông qua con người.

Theo quy trình cũ, khách hàng gọi điện thoại tới ngân hàng yêu cầu mức giá khi muốn mua 1 triệu USD chẳng hạn, cô giao dịch viên sẽ báo giá. Lăn tăn về mức giá này, khách hàng hẹn một lúc sau gọi lại coi giá ra sao. Và sau đó một hồi gọi lại khách vẫn thấy chưa hài lòng với mức giá đó. Hai bên tốn rất nhiều thời gian.

"Giờ mọi thứ trên mạng hết. Khách hàng lên mạng nhập yêu cầu, hệ thống máy tự báo giá 2 chiều. Khách hàng thấy ổn thì mua, chưa thích có thể chờ", ông Hải nói.

Câu chuyện máy móc thay thế con người không chỉ diễn ra trong ngành ngân hàng, mà trong mọi mặt của đời sống xã hội. Những việc mang tính lặp lại, mang tính quy trình, những công việc chân tay tẻ nhạt và nhàm chán… chắc chắn sẽ bị thay thế bởi công nghệ và máy móc.

"Những việc đòi hỏi tính sáng tạo, sự linh hoạt sẽ vẫn ở lại với con người", ông Phạm Hồng Sơn – Tổng Giám đốc General Electric (GE) Việt Nam nhận định.

"Phần thắng không thuộc về người thông minh nhất, mà thuộc về người học nhanh nhất"

Chia sẻ về những kỹ năng nhân sự cần chuẩn bị trong thời kỳ số hóa, Tổng Giám đốc GE Việt Nam nhắc lại câu của CEO GE Digital Bill Ruh khi vị này trò chuyện với các sinh viên ĐH FPT mới đây: "Phần thắng không thuộc về người thông minh nhất, mà thuộc về người học nhanh nhất".

"Khi tiếp cận những cái mới về lĩnh vực công nghệ, chúng ta không nên bài trừ nó. Phải tìm cách để sống chung, tiếp cận nó và biến nó thành lợi thế của chúng ta. Khả năng học hỏi, thích nghi với lĩnh vực mới sẽ quyết định sự thành công của bất cứ người lao động nào trong tương lai", ông Sơn nói.

Đồng tình với ý kiến này, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng 90% công việc tại ngân hàng có thể bị thay thế bởi máy móc, nhưng điều này không có nghĩa 90% công việc sẽ mất đi, mà sẽ mở ra cánh cửa mới cho những người lao động hiện tại.

Quay trở lại câu chuyện cô giao dịch viên lĩnh vực ngoại hối của HSBC, khi các thông tin và số liệu mua bán ngoại hối đều đưa lên mạng, cô gái đó chuyển qua làm tư vấn cho khách hàng.

Thay vì chỉ ngồi thuần túy báo giá rằng hôm nay USD có giá 22.700 VNĐ hay 22.800 VNĐ, giờ cô ấy sẽ nói: Doanh nghiệp anh chị hiện đang làm xuất nhập khẩu, rủi ro của doanh nghiệp là 3 tháng tới khi thị trường có khả năng biến động, nhu cầu của doanh nghiệp là 5 triệu USD thì cơ cấu quản trị rủi ro của chúng ta thế nào.

"Như vậy giá trị các bạn tạo ra cho khách hàng cũng khác, mà bản thân các bạn cũng rất thích vì được nâng tầm mình lên. Mình không chỉ ngồi báo giá đơn thuần như một cái máy mà thực sự phải ngồi trò chuyện với khách hàng để hiểu vấn đề của họ thế nào, khó khăn là gì, mình nên tư vấn giải pháp nào..."

"Đấy là ví dụ để thấy cũng những bạn đó, nhưng bây giờ kỹ năng lại rất khác. Tôi nghĩ những việc thế này giúp gia tăng sự gắn kết của các bạn với công ty, khi các bạn cảm thấy công việc lý thú hơn rất nhiều so với trước đây", ông Hải nhìn nhận.

Về lợi thế của con người so với máy móc, ông Hải cho rằng máy móc hơn con người ở khối óc, nhưng con người hơn máy móc ở trái tim.

"Tôi nghĩ càng về sau, chúng ta sẽ càng thấy EQ (Emotional Quotient – Chỉ số cảm xúc)quan trọng hơn IQ (Intelligence Quotient – Chỉ số thông minh) rất nhiều. Người có khả năng kết nối mọi người thì có khả năng thành công rất nhiều trong tương lai. Cảm nhận, cảm xúc giữa người với người thì máy không thể làm thay được", ông Hải cho biết.

Sếp HSBC Việt Nam cũng cho rằng nhân sự hiện nay làm việc trong lĩnh vực nào cũng cần hiểu thêm về công nghệ, chứ không nên ỷ lại vào "anh IT" ở cơ quan. Sự hiểu biết về công nghệ sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh mới và riêng của mỗi người.

"Công nghệ sẽ tạo áp lực thay đổi, nhưng là thay đổi tốt và sẽ cho bạn cơ hội phát triển bản thân", ông Hải nói.

Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét