Ai đã từng ăn bánh nhân thịt và bánh chay, sẽ thấy bánh nhân thịt ngon hơn. Vì sao? Vì bánh nhân thịt có "nhân". Tương tự như vậy, khi phê bình người khác, một người lãnh đạo thông minh sẽ biết cách cho vào chiếc bánh một ít nhân thơm ngon.
Khi cấp dưới làm sai, tất nhiên người lãnh đạo phải phê bình và trừng phạt, nhưng xử lý làm sao cho hợp lý, hợp tình mà không để lại ảnh hưởng xấu? Đây cũng là vấn đề khiến nhiều người đau đầu. Bạn nên nhớ nguyên tắc này: Có khen có chê, bên cạnh việc phê bình sai lầm và chỉ ra những điểm còn thiếu sót của anh ta thì đừng quên khẳng định những mặt thành công khác của anh ta.
George Ben, quản lý của một công ty hoạch định chiến lược quảng cáo đã áp dụng thành công nguyên tắc này. Biện pháp này coi điều bạn muốn phê bình là nhân bánh, đặt giữa hai việc xứng đáng được biểu dương khen ngợi, sau đó tiến hành khen chê sẽ thu được kết quả rất tốt.
Trong số nhân viên của ông có một nhân viên tên là Jones luôn đi làm muộn, thậm chí có hôm đi muộn tới cả nửa tiếng đồng hồ. George Ben muốn trị thói quen đi làm muộn của anh này bằng phương pháp "chiếc bánh có nhân".
Ông gọi Jones lên văn phòng. Khi Jones vừa bước vào cửa văn phòng, George Ben bèn lịch sự đứng dậy, vui vẻ nói với anh ta: "Mấy ngày gần đây thành tích làm việc của anh rất tốt, có mấy sáng kiến quảng cáo đã được một công ty lớn mua, quả là rất tuyệt, anh đúng là một nhân tài hiếm có của công ty."
Đây là lớp ngoài cùng của "chiếc bánh có nhân" mà George Ben làm. Tiếp sau đây cần làm nhân bánh rồi - Đã đến lúc phải phê bình anh ta!
"Jones, có một đơn vị nghe nói kế hoạch của anh rất đặc sắc, đã nhiều lần tới tìm tôi đàm phán, muốn gặp riêng anh để nói chuyện. Sáng qua một nhân viên quan hệ công chúng của họ gọi điện cho tôi, tôi đã từ chối vì lúc đó anh vẫn chưa tới công ty. Sáng nay, người đó lại đích thân đến, nhưng chờ đến 8 giờ 20 phút anh vẫn chưa đi làm, anh ta cho rằng anh có việc bận không có thời gian, chắc hôm nay không đi làm rồi!"
Cuối cùng George Ben đã đặt nhân bánh. Không bỏ lỡ thời cơ ông lại nói tiếp: "Anh xem, anh hay đi làm muộn, có khi người ta tới liên hệ mà anh không có mặt, tôi không biết phải trả lời thế nào. Điều này ảnh hưởng đến công việc của anh, cũng là tổn thất lớn cho công ty. Vì thế tôi mong anh sẽ đi làm đúng giờ, đừng để những nhân viên khác thỉnh thoảng đi làm muộn lại có cớ để biện bạch."
Như vậy, nhân bánh đã làm xong, chỉ còn một lớp còn lại của chiếc bánh. George Ben lại nhấn mạnh: "Anh là nhân viên cốt cán trong công ty, đem lại nhiều lợi ích cho mọi người, công ty không thể không có anh, tôi mong anh hiểu rõ vị trí của mình, chúng tôi đặt nhiều hi vọng vào anh!"
Rất rõ ràng, trong ví dụ về "chiếc bánh có nhân" trên, coi việc cần phê bình là nhân bánh nhét vào giữa hai sự việc đáng được biểu dương, làm thế sẽ giúp cho người bị phê bình không cảm thấy xấu hổ và khó chịu, từ đó sẽ tâm phục khẩu phục.
Bên cạnh đó việc phê bình cũng không làm tổn thương lòng tự trọng của một nhân viên được coi là cốt cán. Người bị phê bình vừa hiểu rõ khuyết điểm của mình nằm ở đâu, vừa ý thức được tầm quan trọng của bản thân, sau khi sửa chữa khuyết điểm sẽ càng cố gắng nhiều hơn trong công việc.
Giả dụ trước mặt mọi người trong công ty, bạn phê bình trực tiếp: "Jones, đừng cho là mình có chút thành tích trong công việc là có thể tùy tiện đi làm muộn, kể từ bây giờ, không được phép làm trái quy định của công ty như thế này thêm một lần nữa!". Kết quả ai cũng có thể đoán được, một nhân viên xuất sắc, rất có thể nghỉ việc, đó không chỉ là sự tổn thất đối với bạn mà còn là một tổn thất lớn đối với công ty nữa.
Ngoài ra trong bất kỳ tình huống nào có 2 nguyên tắc trước khi phê bình nhân viên mà nhà lãnh đạo nào cũng cần phải khắc cốt ghi tâm là cần hiểu rõ sự việ và việc phê bình là nhằm vào hành vi sai trái của nhân viên chứ không phải là bản thân nhân viên.
Thảo Nguyên
Theo Trí Thức Trẻ