29 tuổi, CEO công ty Vascara Lê Cảnh Bích Hạnh lọt vào danh sách 30 Under 30 của Forbes năm 2018. Theo giới thiệu của tạp chí này, sau khi Bích Hạnh lên vị trí CEO năm 2017, doanh thu Vascara tăng 60%, số cửa hàng cũng tăng 66% và triển khai xây dựng hệ thống bán hàng đa kênh phục vụ tốt nhất cho khách hàng.
Điểm xuất phát tốt
Lê Cảnh Bích Hạnh vốn là học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong, Tp. Hồ Chí Minh niên khóa 2003-2006. Sau khi tốt nghiệp, cô học ngành quản trị kinh doanh Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh. Vốn là người năng động, cô sinh viên trường kinh tế vừa đi học vừa làm marketing cho công ty TNHH Catwalk. Công việc chính của Hạnh là phát triển các mối quan hệ quảng cáo từ báo, tạp chí, truyền thông trực tuyến. Khoảng thời gian hơn 1,5 năm làm cho Catwalk đem lại cho cô nhiều kinh nghiệp hợp tác cùng đội ngũ nghiên cứu như tìm ra xu hướng mới, phân tích phản hồi khách hàng.
Sau khi làm việc cho Catwalk, Bích Hạnh tiếp tục thử sức với LOWE Việt Nam trong các chiến lược quảng cáo, hợp tác cùng đội ngũ thiết kế cho ra những sản phẩm nghệ thuật, phim quảng cáo. Những nhãn hàng lớn từng làm việc với nhóm của Bích Hạnh có thể kể đến như Wall’s, OMO, VIM.
Lần thứ 2 Bích Hạnh quay lại Catwalk là khi chuẩn bị tốt nghiệp đại học với vị trí trợ lý marketing. Công việc của cô lúc này là tổ chức và tham dự các sự kiện, triển lảm, trợ lý marketing cũng như ra quyết định về tài chính, đào tạo nhân viên mới. Thành tích đạt được là hệ thống CRM, email marketing, SMS marketing hiệu quả, hướng tới khách hàng mục tiêu khi giảm được chi phí khuyến mãi 92% trong khi tăng lượng truy cập website lên 120% và truy cập cửa hàng 12%.
Năm 2011 Hạnh nghỉ Catwalk và du học tại Anh chuyên ngành chiến lược Marketing. Đây cũng là năm cô bắt đầu gia nhập Vascara khi đồng sở hữu 1 cửa hàng tại Parkson Hùng Vương. Nhiệm vụ của Hạnh là quản lý cửa hàng, tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới, quan hệ kinh doanh với nhà cung cấp, bán lẻ cũng như báo chí.
Sau 6 tháng hoạt động, cửa hàng bắt đầu có lãi và là của hàng bán giày, túi tốt nhất trong trung tâm thương mại này theo nhận xét của Hạnh. Đến tháng 1/2012 Hạnh dừng công việc quản lý để tập trung vào công việc học hành tại Anh tuy nhiên vẫn là 1 cổ đông của công ty. Nói thêm về Vascara được thành lập năm 2007 bởi chú của Hạnh và một người bạn. Năm 2007 công ty mới chỉ có 4 cửa hàng. Trong thời gian học tập tại Anh, Hạnh từng làm 2 tháng cho Microsoft trong chiến dịch phát triển Window 8 cho thị trường châu Âu.
Xây dựng thương hiệu Vascara
Trở về nước sau khi du học, Lê Cảnh Bích Hạnh phụ trách bộ phận marketing của công ty. Nhiệm vụ của cô là chịu toàn bộ trách nhiệm về marketing với 3 thương hiệu của công ty đặc biệt là Vascara trên tất cả các kênh phân phối (thuộc sở hữu công ty, nhượng quyền và thương mại điện tử). Ngoài các công việc chiến lược marketing, Hạnh còn đảm nhiệm tuyển dụng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tiếp thị của công ty.
Quãng thời gian này cô cho biết mình đã xây dựng phòng marketing lên con số 22 người gồm 5 nhóm chỉ trong 1 năm từ con số 0. Cũng từ đây việc marketing của Vascara chuyên nhiệp hơn cũng như bắt đầu xây dựng được hình ảnh thương hiệu. Chỉ sau 15 tháng, fanpage của Vascara từ 50.000 người theo dõi tăng lên 300.000 người.
Sau hơn 2 năm phụ trách marketing, Lê Cảnh Bích Hạnh chuyển sang phụ trách thương mại. Cô là người phát triển hệ thống điều chuyển và dự báo hàng hóa, rút ngắn thời gian lưu kho và giảm đáng kể số lượng hàng tồn kho mà vẫn đảm bảo tăng trưởng. Nhiệm vụ chính của Lê Cảnh Bích Hạnh là phát triển, dẫn dắt, quản lý toàn bộ hoạt động thương mại bao gồm bán lẻ, bán buôn và bán hàng trực tuyến của toàn bộ tập đoàn Vascara. Lần này công việc của cô thiên về tăng trưởng thương mại, tăng trưởng kinh doanh so với xây dựng hình ảnh thương hiệu trước đây. Tháng 2/2017, Bích Hạnh đảm nhiệm thêm vị trí CEO của Vascara.
Theo báo Đầu tư, mức độ nhận biết thương hiệu Vascara trên toàn quốc đạt 68%, đứng thứ 2 sau Biti’s trong ngành giày dép, túi xách. Website của công ty này cũng cho biết hiện Vasacara có 104 cửa hàng trên khắp cả nước so sánh với chuỗi cửa hàng khác trong ngành là Juno với con số 69.
Chia sẻ cùng Nhịp cầu đầu tư, Vasacra cho biết ước tính thị trường giày nữ, túi xách ở Việt Nam có giá trị 1 tỷ USD hàng năm. Hiện Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu giày nhiều nhất thế giới, khoảng 1,1 tỷ đôi trong năm 2016, ước tính cứ 5 đôi tại Mỹ hoặc 7 đôi tại châu Âu có một đôi được sản xuất tại Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp nội địa Việt Nam vẫn xuất khẩu theo hình thức gia công. Những doanh nghiệp có thương hiệu nội địa như Biti’s, Thái Bình, Vasacara hay mới đây là Juno vẫn còn khá ít.
"Người càng ngày càng khôn. Việc càng ngày càng khó. Kiếm tiền ngày càng vất vả", đó là nhận xét của chủ doanh nghiệp giày Đông Hưng khi nhận xét về hoạt động của doanh nghiệp da giày trong nước hiện này. Ngành này luôn ở thế đối đầu và cạnh tranh khốc liệt. Cùng chung quan điểm này, CEO Bích Hạnh cho rằng việc phát triển hệ thống Vascara còn gặp 3 áp lực lớn gồm nhân sự có kiến thức, đồng nhất hình ảnh thương hiệu cửa hàng và thị trường càng ngày càng cạnh tranh.
Một đối thủ đáng gờm của Vasacara khi cùng nhắm vào thị trường trung cấp, giày, túi xách giành cho nữ giới có thể kể đến là Juno. Hiện chuỗi này có 69 cửa hàng và dự kiến tăng gấp đôi với cuối năm nay. Đặc biệt đứng sau Juno là ông Đinh Anh Huân, người được biết đến là 1 trong những thành viên sáng lập Thế Giới Di Động. Những kiến thức cũng như kinh nghiệm từ thành công của chuỗi bán lẻ này đang được ông Huân linh hoạt áp dụng tại Juno như khuyến mãi, tăng tốc độ mở chuỗi hay chính sách đổi trả lên đến 3 tháng.
Thị trường giày da không êm đềm như trước hứa hẹn sẽ còn nhiều thử thách dành cho nữ CEO trẻ tuổi của Vascara.
Thảo Nguyên
Theo Trí Thức Trẻ