Cuộc cách mạng 4.0 đang và sẽ thay đổi hoàn toàn cách thức doanh nghiệp và tổ chức vận hành và hoạt động. Theo định nghĩa: tổ chức và doanh nghiệp là kết hợp của 4 thành tố Con Người/ Nhân Lực - Quy Trình Kinh Doanh - Cơ Cấu Tổ Chức và Công Nghệ. Các thành tố này có mối quan hệ gắn kết và tương hỗ với nhau. Trong khoảng thời gian ngắn, cuộc cách mạng 4.0 đã đem lại những công nghệ và công cụ mới tác động sâu sắc tới cách thức doanh nghiệp và tổ chức vận hành.
Chúng ta có thể thấy qua mô hình taxi công nghệ đã thay đổi cấu trúc kinh doanh từ truyền thống sang mô hình kinh tế chia sẻ. Các thay đổi về cấu trúc tổ chức đã tạo ra những lợi thế vô cùng lớn và giá trị khách hàng so với taxi truyền thống. Trong trường hợp Thế Giới Di Động áp dụng các công nghệ vào quá trình kinh doanh đã dẫn tới hệ thống phục vụ khách hàng vượt trội. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam đang mạnh mẽ áp dụng các công nghệ như ứng dụng trên mobile, điện toán đám mây để đơn giản hóa và kiểm soát dễ dàng các quy trình kinh doanh. Dân Trí Soft là công ty phần mềm siêu nhỏ nhưng nhờ ứng dụng mạnh mẽ số hóa đã có thể phục vuj hơn 60 ngàn quán cafe, nhà hàng trên toàn quốc với số lượng nhân viên 3 người bao gồm cả sáng lập Cao Trung Hiếu. Có thể nói cuộc cách mạng 4.0 đã tạo ra những cơ hội và thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình doanh nghiệp số- mô hình kinh doanh của thế kỷ 21 cho cả doanh nghiệp lớn tới doanh nghiệp siêu nhỏ tại Việt Nam. Cuộc cách mạng 4.0 và chuyển đối số có mối quan hệ nhân quả chặt chẽ với nhau trong thực tế. Các doanh nghiệp cần chuyển đổi số để hiệu quả năng động và sáng tạo hơn thông qua áp dụng 4.0.
Có lẽ câu hỏi có nên chuyển đổi số và áp dụng 4.0 - Digital Business Transformation không còn cần phải trả lời với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Câu hỏi đó nên chuyển sang chúng ta sẽ chuyển đổi như thế nào từ truyền thống sang số hóa một cách hiệu quả nhất thông qua áp dụng 4.0. Để thực hiện việc chuyển đổi số hóa thành công, doanh nghiệp cần tập trung tới hai thành phần quan trọng nhất đó là khách hàng – mục tiêu tạo giá trị và nhân lực – những người kiến tạo giá trị cho khác h hàng trong doanh nghiệp trên nền tảng công nghệ 4.0. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp chỉ có thể thành công khi doanh nghiệp đó thực hiện chuyển đối số thành công nguồn nhân lực trong doanh nghiệp. Bài viết sẽ đưa ra một số gợi ý nhằm giúp cho các lãnh đạo doanh nghiệp triển khai hiệu quả quá trình chuyển đổi nhân lực đáp ứng với cuộc cách mạng 4.0
Đầu tiên, chuyển đổi nhân lực số có thể thực hiện rất lâu trước khi các phần việc như đầu tư trang thiết bị , công nghệ 4.0 phần cứng trong doanh nghiệp. Chuyển đổi nhân lực số bắt đầu từ việc nhận thức, tìm hiểu và suy nghĩ về Làm thế nào sử dụng công nghệ 4.0 để gia tăng giá trị trong hoạt động tại mọi vị trí trong doanh nghiệp. Chuyển đổi số cần bắt đầu bằng sự thay đổi trong các cấp lãnh đạo và CEO trong doanh nghiệp. Cá c lãnh đạo cần thực hiện việc chuyển đổi từ mô hình lãnh đạo truyền thống sang lãnh đạo số. Các chương trình đào tạo, hội thảo như VCCI tổ chức rất cần thiết để giúp lãnh đạo doanh nghiệp thay đổi tâm thế. Các chương trình đào tạo dạng Boot Camp hoặc đào tạo ngắn hạn 3-7 ngày sẽ phù hợp khi lãnh đạo thay đổi tâm thế. Điểm chú ý quan trọng trong giai đoạn này chính là việc kiến tạo những năng lực lãnh đạo 4.0 như tư duy khởi nghiệp, tư duy đổi mới sáng tạo, tư duy trải nghiệm khách hàng, tinh thần chiến binh chấp nhận mọi thách thức cho mọi lãnh đạo cấp cao.
Sau khi thực hiện chuyển đổi thành công tâm thế lãnh đạo, các cấp quản lý cấp trung như trưởng phòng sẽ là đối tượng thứ hai tuy nhiên chuyển đổi số nhóm nhân lực này tập trung vào việc ứng dụng số hóa trong các công tác quản trị: lập kế hoạch – tổ chức- thực thi và giám sát/ chỉnh sửa. Các cấp quản lý cần học tập cách thức sử dụng các công nghệ giải pháp có nguồn gốc từ cuộc cách mạng 4.0 áp dụng mạnh mẽ vào trong hoạt động của họ. Các cấp quản lý cấp trung cần tập trung vào kỹ năng quản trị dự án, quản trị sự thay đổi, tối ưu hóa nhân lực trong quá trình chuyển đổi số nhân lực. Đặc biệt các cấp quản lý cấp trung cần được đào tạo kỹ hơn về quản trị nhân sự. Nhân sự trong giai đoạn chuyển đổi sẽ rất lo lắng khi tương lai bất ổn. Quản lý cấp trung chính là những người sẽ đứng ra thực hiện và hướng dẫn các nhân viên chuyển đổi số. Quản lý cấp trung cần thự chiện đào tạo, coaching, mentoring đối với nhân viên của họ- tầng cuối cùng của nhân lực số.
Nhân viên là lực lượng cuối cùng của quá trình chuyển đổi số nhân lực. Doanh nghiệp cần thực hiện chuyển đổi từ mô hình ASK truyền thống ( Attitude- Skillset – Knowledge) sang ASK số hóa. Nhân viên cần được đào tạo những tri thức 4.0 như dữ liệu lớn, trí thông minh nhân tạo, khả năng làm việc tích hợp người và máy. Bên cạnh đó họ cũng cần được đào tạo những tâm thế mới như sáng tạo, khởi phát, tạo giá trị gia tăng liên tục áp dụng trong hoạt động vận hành hàng ngày. Những kỹ năng mới như quản trị thông tin , quản trị cảm xúc, quản trị năng lượng tinh thần cần được đào tạo cho cấp độ nhân viên. Các hoạt động này sẽ được thực hiện qua đào tạo và kèm cặp trong công việc tuy nhiên thành công hay không phụ thuộc các cấp quản lý và lãnh đạo có thật sự chuyển đổi số triệt để hay chưa.
Quá trình nói trên là quá trình chuyển đổi nhân sự sang nhân sự số và bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện mà chưa cần số hóa quy trình công nghệ của mình. Giai đoạn này trả lời hai câu hỏi rất quan trọng với nhân lực là tại sao nhân lực cần chuyển sang số hóa- Why và nhân lực số hóa là những cái gì – What.
Giai đoạn thứ hai của chuyển đổi số nhân lực lá quá trình triển khai trên thực tế khi doanh nghiệp áp dụng các công nghệ 4.0 trong doanh nghiệp. Sau khi nhân lực đã được đào tạo sẵn sàng cho chuyển hóa là lúc doanh nghiệp đưa các công nghệ và công cụ số hóa triển khai. Trong giai đoạn này công tác đào tạo tập trung vào trả lời câu hỏi How- làm thế nào áp dụng chuyển đổi số nhân lực trên thực tế. Quá trình đào tạo tập trung vào 01- Cách thức ứng dụng các công nghệ trên thực tế 02- Cách xử lý các vấn đề khi công nghệ mới được áp dụng.
Doanh nghiệp cần tập trung vào các chương trình đào tạo trong công việc, coaching/ mentoring cho nhân lực tin tưởng sẵn sàng vượt qua thách thức. Các thất bại khi triển khai công nghệ mới đa phần bắt nguồn từ tinh thần không quyết đoán và cam kết của nhân viên. Các vấn đề này không thể xử lý thông qua đào tạo mà cần các buổi tư vấn định hướng và hỗ trợ tinh thần. Doanh nghiệp cũng cần chú ý áp dụng các hệ thống đào tạo e- learning , dữ liệu lớn, trí thông minh nhân tạo, tự động hóa để triển khai đào tạo trên diện rộng đặc biệt như các doanh nghiệp lớn như ngân hàng, sản xuất. Các khóa đào tạo cần được số hóa để giúp nhân viên tiếp cận sử dụng khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, tự động và trí thông minh nhân tạo cũng giúp cho quá trình đào tạo hiệu quả và đơn giản hơn.
Quá trình chuyển đổi số nhân lực trong cuộc cách mạng 4.0 chính là quá trình quản trị thay đổi trong tổ chức. Muốn thành công doanh nghiệp cần thay đổi và chuyển đổi lãnh đạo và cấp quản lý trước tiên. Trên nền thảng thành công đó, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi nhân sự vá áp dụng công nghệ mới thành công. Bí quyết của thành công đó là chúng ta cần thực hiện chuyển đổi số nhân lực càng sớm càng tốt. Nhân lực phần mềm trong doanh nghiệp cần phải đi trước phần cứng –công nghệ và máy móc ít nhất 1 năm về thời gian.
Vũ Tuấn Anh
Chuyên gia chuyển đổi số - khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo
Sáng lập Vietnam Business Matching