Tại thị trường trong nước, một số hệ thống phân phối, hàng Việt đã dần “biến mất”, thay vào đó là hàng Thái Lan. Đây là điều đáng lo ngại.
“Thái Lan, cách đây gần hai năm cũng xác định phải tập trung vào thị trường Việt Nam vì đây là thị trường có rất nhiều thuận lợi. Thực tế họ đã mua các kênh phân phối của chúng ta. Và giờ nếu vào Metro (nay đổi tên MM Mega Market-pv) thì thấy hàng Việt gần như “biến mất”. Họ cũng nói thẳng với nhân viên đường lối của Metro là sản phẩm của Thái Lan. Tương tự, nhiều sản phẩm của Philipines, Indonesia đã thâm nhập nhiều vào thị trường Việt Nam”.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), chia sẻ tại Hội nghị “sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2015-2017” diễn ra ngày 13-4.
Theo bà Hạnh, dù hàng Việt có những cải tiến nhưng nếu so với các nước ASEAN, môi trường mà DN phải cạnh tranh hàng ngày với họ về sản phẩm thì không thể xem nhẹ. Các nước như Thái Lan, Malaysia, Singapore… đã hình thành hệ sinh thái DN trong khi Việt Nam chỉ mới đang trong cuộc vận động.
Tại thị trường trong nước, một số hệ thống phân phối, hàng Việt đã dần “biến mất” thay vào đó là hàng Thái Lan. Đây là điều đáng lo ngại. Vì vậy, cần có những chính sách để bảo vệ và hỗ trợ DN Việt phát triển.
Tại hệ thống siêu thị trong nước như Co.op mart, Satra,Vinmart hàng Việt chiếm 90%-96%.
Theo bà Hạnh, thời gian qua Hội DNHVNCLC đã làm chương trình chuẩn hội nhập. Khi Việt Nam hội nhập vào thị trường thế giới thì DN phải chuẩn về các tiêu chuẩn của quốc tế. Khi có tiêu chuẩn về quốc tế DN coi như đã cầm trong tay giấy "thông hành" để vào các thị trường nước ngoài.
DN cũng khó khăn để đạt được chuẩn quốc tế này nhưng đến nay Hội đã kết nạp được 66 DN đạt chuẩn hội nhập quốc tế. Ngoài việc Hội cố gắng xây dựng tiêu chuẩn quốc tế cho sản phẩm Việt Nam, thì việc xúc tiến thị trường của các cơ quan chức năng cũng là hết sức bức bách.
Bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc Vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, cho biết sau ba năm thực hiện từ 2015-2017 cuộc vận động cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, khó khăn thách thức bởi hiện nay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, không riêng các DN thành phố mà DN cả nước có quy mô vừa và nhỏ chiếm đa số.
Theo bà Dung, để tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động trong thời gian tới, đề nghị cần quan tâm một số nội dung như: Hướng đến mục đích phát huy lòng yêu nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, có sức cạnh tranh cao để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Từ đó, thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên dùng hàng Việt.
"Phải xem công tác tuyên truyền cuộc vận động là một trong những giải pháp hàng đầu. Chương trình vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam phải gắn với chương trình bình ổn, chương trình ATTP, các DN khởi nghiệp...", bà Dung nói.
Hiện nay tại TP.HCM có hơn 1.000 DN có sản phẩm đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao. Nhiều DN phát triển vững chắc tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Tính đến cuối năm 2017, TP HCM có 239 chợ truyền thống, 2017 siêu thị và 43 trung tâm thương mại. Đa số các hệ thống phân phối lớn đều tham gia, hưởng ứng rất tốt chương trình vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Theo PV
Pháp luật Tp.HCM